Nhà máy chế biến chè được tỉnh hỗ trợ xây dựng tại xã Pà Cò (Mai Châu) giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Khoảng hai chục năm trước đây, khi nói đến Hang Kia, Pà Cò, hầu như mọi người thường nghĩ đến là nơi "điểm nóng” với nạn mua bán, vận chuyển, nghiện hút ma túy. Đặc biệt, những năm đầu tách tỉnh, đường lên Hang Kia, Pà Cò vô cùng khó khăn, không có điện, trẻ em thất học nhiều, đời sống bà con thiếu thốn. Nông sản như ngô, mận làm ra không bán được vì không có đường giao thông...
Đến nay, qua từng năm, 2 xã Hang Kia, Pà Cò đang thay đổi từng ngày. Cơ sở hạ tầng cơ bản đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể.
Chủ tịch UBND xã Pà Cò Sùng A Màng phấn khởi: Có được điều đó chính là nhờ sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ về nguồn lực kinh tế, hạ tầng thiết yếu của các cấp chính quyền từ T.Ư đến tỉnh, huyện, các cơ quan, đơn vị… trong nhiều năm qua.
Thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU của BTV Tỉnh ủy về việc củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu, năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án phát triển KT-XH 2 xã Hang Kia, Pà Cò, giai đoạn 2012 -2019. Bằng nhiều nguồn vốn lồng ghép, trong giai đoạn, 2 xã đã được đầu tư, hỗ trợ với tổng trị giá trên 124 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa cơ sở, hỗ trợ phát triển sản xuất, dịch vụ, du lịch. Từ nguồn vốn này đã xây dựng, nâng cấp 23,5 km đường giao thông nông thôn; đầu tư, nâng cấp 8 công trình điện; xây dựng 2 công trình nước sạch; cải tạo, xây dựng mới 6 nhà sinh hoạt cộng đồng. Tập trung phát triển các mô hình sản xuất như: trồng chè Shan tuyết cổ thụ, mận chín sớm, chăn nuôi bò cái sinh sản, gà thả vườn, lợn bản địa...
Đến hết năm 2019, đã đạt 6/10 chỉ tiêu dự án. Thu nhập bình quân xã Hang Kia đạt 15,1 triệu đồng/người, tăng 11,1 triệu đồng so với năm 2012; xã Pà Cò đạt 12,5 triệu đồng/người, tăng 8,3 triệu đồng so với năm 2012. Văn hoá, y tế, giáo dục, dân trí được quan tâm, nâng cao. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã Hang Kia là 29,6%, xã Pà Cò là 25,46%. Cơ sở hạ tầng của 2 xã ở một số lĩnh vực cơ bản đáp ứng tiêu chí nông thôn mới. QP-AN được giữ vững, hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, tăng cường. 2 xã đạt tiêu chí số 19 về an ninh, trật tự xã hội theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới.
Mặc dù vậy, đến nay, tại 2 xã một số chỉ tiêu chưa đạt như: tỷ lệ hộ nghèo còn cao, độ che phủ rừng mới đạt khoảng 60%, hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu, phát triển văn hoá - xã hội chưa bằng các khu vực khác trong tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện dự án đến năm 2025. Theo đó, bằng các giải pháp cụ thể, dự kiến sẽ huy động thêm khoảng 165 tỷ đồng xây dựng mới, nâng cấp đường giao thông, công trình điện, trường học, y tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, du lịch, văn hoá - xã hội... ; từng bước tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hoá, thế mạnh trong nông nghiệp…
Đồng thời, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào Mông tại Hang Kia, Pà Cò từ 4 - 6%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 30 triệu đồng; tiếp tục huy động trẻ trong độ tuổi đến trường đạt 100%, không có trẻ bỏ học; giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm xuống mức 1%; tỷ lệ gia đình văn hoá đạt từ 80% trở lên. Để phát triển bền vững, phấn đấu có ít nhất từ 2 sản phẩm OCOP tại 2 xã. Song song với đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển toàn diện KT-XH.
Hồng Trung