(HBĐT) - "Thời gian qua, nông nghiệp trở thành trụ đỡ trong bối cảnh suy giảm kinh tế do tác động của dịch bệnh Covid-19. Sản xuất được đẩy mạnh, cung ứng đủ lương thực, thực phẩm, góp phần quan trọng ổn định kinh tế đất nước và đời sống người dân". Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương bàn về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho SX-KD... vừa được tổ chức. Đây cũng là thực tế ở tỉnh ta khi nhiều ngành, lĩnh vực chịu thiệt hại lớn, có những ngành dự báo mức tăng trưởng âm do ảnh hưởng của dịch bệnh, thì ngành nông nghiệp lại có mức tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước.

 


Mô hình trồng cam trứng tại thôn Đồng Huống, xã Thống Nhất (Lạc Thủy) cho giá trị kinh tế cao, được chứng nhận sản phẩm OCOP. 

Trong quý I/2020, tốc độ tăng trưởng của ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,65%. Tổng giá trị sản xuất theo giá so sánh toàn ngành đạt 2,21 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Trong đó, nông nghiệp đạt 1,84 nghìn tỷ đồng, lâm nghiệp 304 tỷ đồng, thủy sản 64 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng tương ứng 3,3%, 4,5%, 6%. Giá trị tăng tập trung vào các sản phẩm: mía ăn tươi tăng 6,3%, cam V2 tăng 4,3%, cam đường canh tăng 3,1%; gia cầm tăng 10,1%, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 6,6%, gỗ và lâm sản tăng 5,6%.

Đánh giá về tình hình sản xuất nông nghiệp vụ xuân, đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Ngay từ đầu vụ, Sở đã tổ chức các đoàn kiểm tra, qua đó thấy địa phương nào sản xuất thuận lợi thì khuyến khích phát triển. Địa phương nào gặp khó khăn cùng tập trung tháo gỡ, theo hướng những lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Sở thì chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp. Lĩnh vực nào lớn, thuộc tỉnh, Sở tích cực tham mưu để có biện pháp tháo gỡ. Vụ xuân là vụ quyết định cho quá trình sản xuất của các địa phương nên Sở chú trọng chỉ đạo sản xuất. Đặc biệt là cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chỉ đạo cơ sở đi vào sản xuất chủ động.

Dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản hàng hóa. Trong bối cảnh đó, nhằm hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch, Sở NN&PTNT đã kịp thời ban hành văn bản, chủ động phối hợp với ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các biện pháp canh tác kỹ thuật; phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi. Các địa phương chú trọng chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả kinh tế hơn. Đồng thời xây dựng kế hoạch chống hạn, sử dụng tiết kiệm nguồn nước, không để hạn hán ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lương thực cũng như sản phẩm trồng trọt khác.

Có thể nói, ngành nông nghiệp đang phát triển đi vào chiều sâu, theo hướng bền vững. Mới đây, tại buổi làm việc với Sở NN&PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh đánh giá: Trong những năm qua, tư duy phát triển ngành nông nghiệp có những thay đổi tích cực, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Nông nghiệp từng bước phát triển toàn diện, có giá trị gia tăng cao và hiệu quả, an ninh lương thực được đảm bảo. Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc.

Minh chứng thuyết phục cho sự phát triển với vai trò trụ đỡ nền kinh tế là tỉnh đã mở rộng, hình thành các vùng trồng cây ăn quả có múi tập trung với tổng diện tích trên 10.500 ha. Tính riêng trong quý I, diện tích cây ăn quả có múi cho thu hoạch trên 1.000 ha, sản lượng 24.435 tấn, tăng 910 tấn so với cùng kỳ năm trước; giá trị thu nhập từ 300 - 350 triệu đồng/ha. Ngoài ra, toàn tỉnh có 5,5 nghìn ha rau, đậu các loại trong vụ xuân; giá trị thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/ha/vụ. Hiện, trong tỉnh hình thành hơn 30 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; có 27 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3-4 sao; gần 30% nông sản chủ lực của tỉnh tiêu thụ thị trường ngoài tỉnh... qua đó giúp tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt cao.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 chưa dự báo được thời điểm kết thúc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh. Ngành nông nghiệp bên cạnh những thuận lợi, cơ hội cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là: Tác động biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra giông lốc, mưa đá, mưa vừa đến rất to, đã ảnh hưởng tới ngành trồng trọt. Dịch tả lợn châu Phi tuy giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn, gây khó khăn cho việc tái đàn; thị trường nhiều hàng nông sản có xu hướng giảm... Theo đó, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp những tháng cuối năm 2020 trong điều kiện dịch Covid-19, UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản nhằm đảm bảo các mục tiêu đề ra. Cụ thể là đảm bảo diện tích gieo trồng cây hàng năm theo kế hoạch. Nâng cao giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha canh tác đất trồng trọt. Mở rộng diện tích, tăng cường thâm canh cây ăn quả có múi...

Tăng quy mô tổng đàn vật nuôi, đảm bảo các yêu cầu về: tổng sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng; tỷ lệ cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm an toàn dịch bệnh; tỷ lệ thịt hơi được chăn nuôi theo hình thức trang trại, công nghiệp... Đồng thời, đẩy mạnh thâm canh nuôi trồng thủy sản, đảm bảo sản lượng nuôi trồng, khai thác. Phát triển nuôi cá lồng trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Đẩy mạnh hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cá sông Đà.

Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố chú trọng đảm bảo nước tưới cho cây trồng; tưới tiêu chủ động cho 85% diện tích cây hàng năm; 1,2 nghìn ha mặt nước kết hợp nuôi trồng thủy sản. Thực hiện đồng bộ các giải pháp chống hạn, tưới nước tiết kiệm, hiệu quả. Phát triển mạnh hơn cơ giới hóa và công nghiệp chế biến, tăng cường ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Quan tâm phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Trong đó triển khai hiệu quả kế hoạch xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản. Chú trọng phát triển thị trường nội địa. Ưu tiên phát triển sản phẩm lợi thế từng địa phương theo chương trình OCOP, hướng đến mỗi xã có một sản phẩm đặc trưng được thị trường ưa chuộng...

Để bù đắp cho sự sụt giảm của ngành dịch vụ do tác động từ dịch bệnh, đảm bảo tăng trưởng cả năm 2020 đạt kế hoạch đề ra là 9,5%, UBND tỉnh đã xây dựng kịch bản tăng trưởng từng quý. Theo đó, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đảm bảo tốc độ tăng trưởng đạt 5,1% (Nghị quyết HĐND tỉnh là 5%), tương ứng với giá trị tăng thêm là 6.466 tỷ đồng. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế lúc khó khăn của ngành nông nghiệp.


 Bình Giang

Các tin khác


Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh kiểm tra tiến độ Dự án tái định cư hồ chứa nước Cánh Tạng

(HBĐT) - Sáng 21/4, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã kiểm tra tình hình triển khai Dự án tái định cư hồ chứa nước Cánh Tạng, huyện Lạc Sơn. Cùng tham gia đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo và chuyên viên các sở, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền huyện Lạc Sơn.

 Sản phẩm OCOP 4 sao của Cường Thịnh Fish

(HBĐT) - Là đơn vị đầu tiên của tỉnh tiên phong nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP, Công ty TNHH Cường Thịnh đã xây dựng thành công thương hiệu "Cá sông Đà – Cường Thịnh Fish". Với chất lượng sản phẩm ưu việt, Cường Thịnh Fish đã vào được các siêu thị như Big C, Vinmart, Lottemart… Năm 2019, sản phẩm cá lăng đen sông Đà file và cá rô phi sông Đà file của Cường Thịnh Fish được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Theo đánh giá của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh giai đoạn 2019 – 2020, đây là 2 sản phẩm OCOP tiềm năng nhất của tỉnh.

Sở NN&PTNT kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa tại huyện Kim Bôi, Lương Sơn

(HBĐT) - Ngày 20/4, đoàn công tác Sở NN&PTNT đã đi kiểm tra, nắm bắt tình hình sâu bệnh hại trên đối với diện tích lúa trên địa bàn 2 huyện Lương Sơn, Kim Bôi.

 85 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

(HBĐT) - Quý I, toàn tỉnh có 85 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2019, số lượng doanh nghiệp cấp mới giảm 13 doanh nghiệp, tỷ lệ giảm 16,9%, số vốn đăng ký giảm 19,62%. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh có 11 doanh nghiệp đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện; cấp thay đổi, bổ sung nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 645 lượt doanh nghiệp, so với cùng kỳ tăng 271 đơn vị.

Thành phố Hòa Bình: Quý I, giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước đạt 1.738 tỷ đồng

(HBĐT) - Theo thống kê của UBND thành phố Hòa Bình, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) tháng 3 ước đạt 568 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế từ đầu năm đến nay, giá trị sản xuất CN-TTCN của thành phố ước đạt 1.738 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp đạt 630 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể đạt 336 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 722 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ.

Vận tải biển "nghiêng ngả" trong “sóng” Covid-19

Dịch Covid-19 như trận bão tố khiến "con tàu” vận tải biển – cảng biển nghiêng ngả, điêu đứng khi sản lượng hàng hóa qua cảng biển sụt giảm nghiêm trọng, giá cước vận tải cũng lao dốc. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của "anh cả đỏ” Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đứng trước nguy cơ "vỡ kế hoạch”. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, trong quý II này, Công ty Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) buộc phải cho một số tàu nằm bờ để giảm gánh nặng chi phí.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục