Vùng trồng bí xanh thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) thu sản phẩm chính vụ, giá bán bình quân 6.000 đồng/kg.
Vào thời điểm này, ở những chân ruộng bí xanh của xóm Bảo Yên, xã Bảo Hiệu (Yên Thủy), việc thu hái, bán mua khá tấp nập. Tư thương và nông dân giao dịch tại ruộng. Xe tải, xe máy hối hả bốc xếp, vận chuyển bí về các thị trường trong và ngoài tỉnh. Ông Bùi Viết Cường, một trong những nông dân trồng bí điển hình của xóm cho biết: Đầu vụ, bí xanh có giá bán khá cao, bình quân 11.000 đồng/kg. Song, qua kinh nghiệm trồng bí xanh nhiều năm nay, giá bí lên, xuống thất thường. Hiện nay, khi thu hoạch rộ, giá thu mua bí xanh giảm còn một nửa, bình quân 5.000 - 6.000 đồng/kg. Chúng tôi cũng e ngại là hiện nay có nhiều vùng khác trong, ngoài tỉnh cùng trồng bí xanh, tiêu thụ sẽ chậm đi, giá bán có thể còn xuống nữa.
Cuối tháng 4, đầu tháng 5 cũng là thời điểm vào vụ thu hoạch các loại hoa quả tươi ở nhiều xã trên địa bàn huyện Kim Bôi, nhiều nhất là các loại dưa (dưa hấu, dưa lê, dưa bở, dưa chuột). Theo đồng chí Vũ Thị Ngọc, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, có gần 600 ha rau, củ, quả được các xã trồng ở vụ xuân. Về tình hình tiêu thụ nông sản đang thu hoạch cơ bản thuận lợi. Dưa hấu, dưa bở đầu vụ có giá dao động 13.000 - 15.000 đồng/kg, dưa chuột 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nông dân không khỏi lo lắng, vì cứ đến chính vụ thu hoạch, nông sản bị kéo giảm giá do nguồn cung trên thị trường dồi dào, việc tiêu thụ cũng bấp bênh hơn, phụ thuộc vào tư thương. Điều này sẽ được hạn chế, khắc phục nếu sản phẩm do bà con làm ra được bao tiêu.
Bao tiêu sản phẩm, liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân với doanh nghiệp để giải quyết cung - cầu thị trường hàng hóa, đảm bảo lợi ích giữa các bên liên quan cũng đang là vấn đề cần được tiếp tục tăng cường thúc đẩy, giúp sản xuất nông nghiệp ổn định, bền vững. Theo kết quả tổng hợp sản xuất vụ xuân năm 2020, toàn tỉnh triển khai gieo trồng 6.000 ha rau các loại. Ở các địa phương: Lạc Thủy, Yên Thủy, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lương Sơn, Kim Bôi vẫn phát huy hiệu quả hoạt động của một số chuỗi giá trị, liên kết sản xuất, tiêu thụ như: liên kết trồng rau quả sạch của HTX rau, quả Mường Pa (Mai Châu); liên kết trồng bí đỏ, mướp đắng lấy hạt chất lượng cao giữa Công ty Tân Lộc Phát với nông dân các huyện Lạc Sơn, Yên Thủy... Đến thời điểm này, các địa phương tập trung thu hoạch các loại rau ăn lá, bí đỏ, bí xanh, dưa, dứa... Vụ thu hoạch mới chỉ bắt đầu, nên gần như không bị ảnh hưởng của cao điểm thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trước đó.
Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định: Hoạt động giao thương, vận chuyển diễn ra thuận lợi, đúng thời điểm thu hoạch nông sản tại các địa phương. Điều kiện thời tiết đầu mùa mưa bão cũng có ảnh hưởng nhưng không đáng kể, đổi lại giá cả một số sản phẩm như rau, đậu các loại sẽ được đẩy lên. Tại các thị trường lớn như Hà Nội, nhu cầu về rau, củ, quả rất lớn. Việc cần làm hiện nay là người làm nông nghiệp phải nắm bắt thông tin thị trường, lên kế hoạch sản xuất hợp lý, đặc biệt lưu ý thực hiện sản xuất rải vụ, cân đối diện tích, giống để thu hoạch theo phân khúc, giãn cách, không tập trung vào cùng thời điểm. Có như vậy, sản phẩm làm ra không bị ứ đọng, giá cả chắc chắn ổn định hơn.
Đặc biệt, nông dân cần tích cực tham gia sản xuất theo hợp đồng, theo liên kết sản xuất, tiêu thụ, áp dụng quy trình an toàn thực phẩm, sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường tiêu dùng, gắn với tem nhãn, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Mặt khác, với vai trò cầu nối, các sở, ngành liên quan cần đẩy mạnh thông tin hướng dẫn, kết nối với các doanh nghiệp, HTX trong, ngoài tỉnh xúc tiến tiêu thụ nông sản cho nông dân.