Nhiều năm nay, gia đình bà Bùi Thị Chỉm, xóm Tre Báng cùng nhiều hộ dân khác ở xã Miền Đồi (Lạc Sơn) phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hình thức nuôi nhốt vỗ béo, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Lần đầu tiên chúng tôi đặt chân lên xã Miền Đồi cách đây 5 năm. Khi đó, Miền Đồi gây ấn tượng với những ruộng bậc thang rộng lớn. Nhưng thời điểm đó, Miền Đồi vẫn còn nhiều rào cản trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là hệ thống đường giao thông vẫn khá trắc trở. Còn hôm nay, Miền Đồi đã đổi khác nhiều. Hệ thống đường giao thông liên thôn, xóm đã, đang được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân. Những thửa ruộng bậc thang không chỉ còn độc canh cây lúa, mà đã có trên 10 ha chuyển sang trồng cỏ voi để chăn nuôi trâu, bò. Chăn nuôi trâu, bò chính là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn ở xã vùng cao này.
Đồng chí Bùi Văn Bích, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Với địa hình đồi núi, Miền Đồi có điều kiện thuận lợi về bãi chăn thả gia súc, nên từ lâu, gia đình nào trong xã cũng nuôi trâu, bò. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, khi bãi chăn thả bị thu hẹp, các hộ dân dần chuyển sang chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt vỗ béo, bán chăn thả. Hiện nay, tổng đàn trâu, bò của xã gần 2.000 con, trong đó, trâu chiếm số lượng lớn với trên 1.300 con. Khi chuyển sang nuôi nhốt, để đảm bảo thức ăn, từ năm 2013, bà con chuyển đổi một số diện tích ruộng lúa sang trồng cỏ voi. Đến nay, cả xã có trên 10 ha đất ruộng chuyển sang trồng cỏ. Nhờ chăn nuôi mà thu nhập của bà con từng bước được nâng cao, năm 2019 đạt 25 triệu đồng/người, dự kiến năm 2020 đạt trên 28 triệu đồng/người.
Ở xã Miền Đồi, trâu, bò được nuôi ở tất cả các xóm. Vôi Thượng, Vôi Hạ là 2 xóm nuôi nhiều nhất. Đây là những xóm vẫn có nhiều diện tích đồi, rừng bà con có thể chăn thả gia súc, nhiều hộ đang sở hữu hàng chục con trâu, bò. Như hộ ông Bùi Văn Cừ, xóm Vôi Hạ; Bùi Văn Chính, xóm Vôi Thượng đang nuôi đàn trâu trên 20 con. Đa số các hộ nuôi từ 1 - 3 con, theo hình thức nuôi nhốt vỗ béo, hoặc bán chăn thả. Tre Báng là xóm ở gần trung tâm UBND xã, hầu như hộ nào cũng có chuồng trại nuôi trâu, bò tách khỏi nhà ở, được xây bằng gạch, làm bằng cây, gỗ, không còn để trâu dưới gầm sàn như trước.
Cũng như nhiều hộ dân trong xóm, nhiều năm nay, gia đình bà Bùi Thị Chỉm, xóm Tre Báng không còn chăn thả trâu vào rừng. Gia đình bà xây chuồng kiên cố, trồng cỏ voi, duy trì nuôi trâu vỗ béo nhiều năm qua. Hiện, gia đình bà đang nuôi 1 con trâu đực, 1 con trâu cái sinh sản. Bà Chỉm chia sẻ: "So với chăn nuôi thả rông như trước đây, nuôi nhốt trâu lớn nhanh, béo tốt hơn, vì gia đình chủ động về thức ăn cho trâu. Từ khi mua con giống đến khi xuất bán khoảng 2 năm, bán lứa này, gia đình lại mua con giống về nuôi lứa tiếp theo. Để trâu phát triển tốt, ngoài đảm bảo thức ăn đầy đủ, gia đình thực hiện tiêm phòng bệnh định kỳ theo kế hoạch của UBND xã”.
Theo đồng chí Bùi Văn Bích, tỷ lệ tiêm phòng bệnh cho gia súc và các vật nuôi ở Miền Đồi luôn đạt gần 100%. Nhiều năm nay, xã không có trâu, bò chết vì đói, rét, hay dịch bệnh. Hàng năm, Trung tâm Học tập cộng đồng xã phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật cho bà con. "Trong nghị quyết về phát triển kinh tế, chăn nuôi trâu, bò là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của xã. Chúng tôi sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn về kỹ thuật cho bà con, làm tốt công tác tiêm phòng bệnh, đẩy mạnh việc chuyển đổi một số diện tích đất ruộng kém hiệu quả sang trồng cỏ voi để chăn nuôi trâu, bò” - đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Miền Đồi nhấn mạnh.