(HBĐT) - Tận dụng tiềm năng, lợi thế có 6/8 xóm tiếp giáp với vùng lòng hồ Hòa Bình, diện tích mặt nước khoảng 1.600 ha, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá lồng, nhằm giảm nghèo bền vững. Đến nay, toàn xã có gần 600 lồng cá, với 320 hộ dân tham gia phát triển mô hình. Tuy nhiên, tính đến hết quý II/2020, sản lượng tiêu thụ cá chỉ đạt khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước. Hiện, các hộ dân chăn nuôi thủy sản đang gặp khó trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, loay hoay tìm đầu ra.
Hộ anh Lý Quang Hoàng, thôn Lau Bai, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) chăm sóc, vệ sinh hệ thống lồng bè.
Được thành lập năm 2019 với 15 thành viên, HTX Nông nghiệp Vầy Nưa tập hợp các hộ nuôi cá nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất; liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, HTX Nông nghiệp Vầy Nưa đã mở rộng quy mô lên 36 lồng, củ yếu là các giống cá: trắm cỏ, lăng, chiên…
Từ đầu năm đến nay, HTX gặp rất nhiều khó khăn trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, chưa ký kết và phối hợp được với các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Phần lớn lượng khách hàng là tư thương nhỏ lẻ, nhà hàng, quán ăn… Giá thành sản phẩm cũng giảm hơn so với cùng kỳ năm trước từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Cụ thể, cá lăng đen có giá 50.000 đồng/kg, trong khi năm 2019 dao động từ 70.000 - 80.000 đồng/kg; trắm cỏ 65.000 - 70.000 đồng/kg, hiện bán giá 50.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người hỏi mua.
Ông Bùi Văn Luân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Vầy Nưa chia sẻ: "Hiện tại, HTX có trên 3 tấn cá lồng đến kỳ kinh doanh nhưng vẫn chưa tiêu thụ được. Nguyên nhân khó tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến hồ Hòa Bình giảm mạnh, việc cung cấp cá cho các nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên lòng hồ gặp nhiều khó khăn. Số lượng lồng cá tăng theo hàng năm, tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng. Cá lồng Vầy Nưa chưa được quảng bá rộng rãi, nhiều doanh nghiệp chưa biết đến”.
Khảo sát thực tế tại các xóm Tham, Nưa, Lau Bai…, khu vực tập trung nhiều hộ phát triển nghề nuôi cá lồng, giống cá chủ lực được nuôi nhiều như chiên, lăng, trăm đen, diêu hồng... Hộ anh Lý Quang Hoàng, thôn Lau Bai phát triển mô hình nuôi cá lồng từ năm 2018. Qua chia sẻ được biết, vợ chồng anh Hoàng đã bỏ vốn gần 100 triệu đồng để lắp đặt hệ thống lồng bè, mua giống. Dự kiến trong năm 2020 có thể xuất bán cá lồng ra thị trường.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, gia đình anh chỉ bán được khoảng 50 kg cá lăng với giá 60.000 đồng/kg, thấp hơn 20.000 đồng so với dự kiến. Anh Hoàng trăn trở: Hiện tại, gia đình gặp rất nhiều khó khăn khi không xuất bán được cá ra thị trường. Bán đắt thì không ai mua, rẻ quá thì lỗ vốn. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp tạo mối liên kết với doanh nghiệp thu mua sản phẩm. Tạo điều kiện giúp người dân tiêu thụ sản phẩm cá lồng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Thực hiện Quyết định số 10/2015/QĐ-UBND về việc hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình, xã Vầy Nưa đã được hỗ trợ đầu tư 389 lồng cá, kinh phí 3,9 tỷ đồng. Hàng năm, xã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án lồng ghép để phát triển quy mô, chất lượng lồng cá. Bên cạnh đó, xã nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện tổng dư nợ trên 25 tỷ đồng, nhiều hộ dân đã sử dụng nguồn vốn để đầu tư, phát triển nghề nuôi cá lồng. Mỗi năm, xã tổ chức 3 - 4 buổi tập huấn, chuyển giao KHKT về chăn nuôi thủy sản.
Đồng chí Bùi Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa cho biết: Nghề nuôi cá lồng phát triển hiệu quả, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để bền vững cần có định hướng phát triển lâu dài, tích cực áp dụng KHKT vào quá trình nuôi trồng thủy sản. Mở rộng quy mô tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết, cung ứng cho các thành phố lớn, khu công nghiệp và hướng tới xuất khẩu. Qua đó, tiếp tục xây dựng thương hiệu cá lòng hồ sông Đà, tạo thu nhập ổn định cho Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH địa phương.
Đức Anh
(HBĐT) - Hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, nổi bật là vùng trồng cây ăn quả có múi và vùng trồng mía tím theo phương pháp nuôi cấy mô. Trên đà thắng lợi đó, kinh tế nông nghiệp huyện Cao Phong tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm.
Quá trình hồi phục kinh tế sẽ rất chậm do cung và cầu đều đứt gãy, vì vậy cần có các giải pháp đặc biệt mới có thể phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V.
(HBĐT) - LTS: Đề án xây dựng mô hình "Làng, bản văn hóa - quốc phòng (VH-QP)” ở địa bàn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trong khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh được Bộ CHQS tỉnh triển khai từ năm 2009. Hơn 10 năm qua, hiệu quả của đề án đã được khẳng định, đó là một trong những đóng góp tích cực của LLVT tỉnh trong sự phát triển của các xã ĐBKK; đồng thời, tạo thêm động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhìn lại hơn 10 năm thực hiện đề án quan trọng này, phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Triệu Kim Thắng, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh.
(HBĐT) - Các khu công nghiệp trong tỉnh có 95 dự án đầu tư đã được cấp phép; trong đó, có 24 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 499,85 triệu USD và 71 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 7.268,56 tỷ đồng.
(HBĐT) - Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Yên Thủy luôn quan tâm tạo điều kiện để kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) phát triển. Nhờ vậy, hoạt động của HTX có nhiều khởi sắc, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân.
(HBĐT) - Trong tháng 6, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký 592,01 tỷ đồng.