Nhờ được ưu tiên bố trí nguồn vốn, Dự án đường nối từ QL6 đến đường Chi Lăng (TP Hòa Bình) đang được gấp rút thi công, đảm bảo hoàn thành theo tiến độ.
461,7 tỷ đồng; vốn nước ngoài (ODA), gồm cả CTMT ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh 734,5 tỷ đồng; vốn CTMT quốc gia 754,1 tỷ đồng. Đến hết tháng 6, số kế hoạch vốn đầu tư công (VĐTC) năm 2020 đã được UBND tỉnh giao chi tiết đến các dự án là 3.832 tỷ đồng, đạt 97% tổng kế hoạch vốn giao; số chưa được giao chi tiết 117 tỷ đồng.
Kết quả giải ngân VĐTC có vai trò hết sức quan trọng đối với việc tạo đà tăng trưởng kinh tế cũng như thu NSNN. Chính vì vậy, nhiệm vụ này được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo sát sao; kịp thời nắm bắt tình hình giải ngân, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có sự chỉ đạo, tháo gỡ. Tuy nhiên, kết quả giải ngân kế hoạch VĐTC năm 2020 của tỉnh trong 6 tháng đầu năm chưa cao. Còn nhiều chương trình, dự án tỷ lệ giải ngân dưới 50% hoặc chưa giải ngân. Đặc biệt, các dự án ODA có tỷ lệ giải ngân thấp so với cả nước.
Tính đến ngày 30/6, số vốn đã giải ngân là 1.149 tỷ đồng, mới đạt 29,1% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao. Cụ thể, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh giải ngân 690,4 tỷ đồng, đạt 34,5% kế hoạch; vốn ngân sách T.Ư thực hiện các CTMT giải ngân 133,8 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch; vốn CTMT quốc gia giải ngân 283,2 tỷ đồng, đạt 37,5% kế hoạch; vốn ODA giải ngân 41,8 tỷ đồng, đạt 5,7% kế hoạch.
Theo Sở KH&ĐT, kết quả giải ngân VĐTC 6 tháng đầu năm nay cao hơn 3% so với cùng kỳ năm 2019 và chỉ thấp hơn 1,22% so với số ước giải ngân đến hết 30/6 của cả nước đã được Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ. Một số chương trình, dự án đạt tỷ lệ giải ngân khá, như: CTMT phát triển KT - XH vùng đạt 73%; CTMT QP - AN trên địa bàn trọng điểm đạt 74%; CTMT tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư đạt 63%; CTMT hỗ trợ hạ tầng khu, cụm công nghiệp đạt 63%. Tuy nhiên, còn nhiều chương trình, dự án giải ngân đạt tỷ lệ thấp hoặc chưa giải ngân. Cụ thể, có 32 dự án giải ngân dưới 50% (chiếm 16,2%); 67 dự án chưa giải ngân (chiếm 34%), trong đó có 11 dự án ngân sách tỉnh được bố trí vốn thanh toán nợ xây dựng cơ bản nhưng chưa giải ngân. Đặc biệt, một số dự án được bố trí vốn để hoàn trả vốn tạm ứng ngân sách tỉnh, ngân sách T.Ư, nhưng chưa thực hiện các thủ tục tại KBNN để thanh toán, hoàn trả vốn ứng trước...
Cũng theo Sở KH&ĐT, ngoài nguyên nhân về cơ chế, chính sách thì tỷ lệ giải ngân thấp là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội nên các dự án gặp nhiều vướng mắc trong việc đẩy nhanh thi công, làm chậm tiến độ. Một số dự án mua thiết bị, vật tư ở nước ngoài, do dịch bệnh, các đơn hàng chưa thể thanh toán, dẫn đến khó khăn giải ngân kế hoạch vốn năm 2020.
Ngoài ra, vốn đầu tư từ thu SDĐ và nguồn thu xổ số kiến thiết giải ngân phụ thuộc vào nguồn thu, tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, nguồn thu đạt thấp nên chưa có vốn cấp cho các dự án theo kế hoạch giao để thực hiện. Đến cuối tháng 6, nguồn thu từ SDĐ giải ngân được 272,7 tỷ đồng, mới đạt 23% kế hoạch vốn giao; nguồn thu từ xổ số kiến thiết giải ngân 1,3 tỷ đồng, chỉ đạt 9% kế hoạch. Vì vậy, các chủ đầu tư không thể chủ động thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn được giao từ các nguồn này.
Công tác GPMB, tái định cư còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách, người dân chưa đồng thuận, ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Một số dự án được bổ sung vốn từ nguồn dự phòng chung kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và nguồn 10.000 tỷ đồng điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia chưa được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn, vì vậy, chưa có cơ sở giao chi tiết số vốn 116,8 tỷ đồng cho các dự án thực hiện.
Bên cạnh đó, việc chậm giải ngân VĐTC cũng do các dự án được bố trí kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư và khởi công mới, các dự án thuộc CTMT quốc gia chậm hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định, nên chưa giải ngân kế hoạch vốn giao. Đồng thời, có những chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm, đôn đốc đẩy mạnh giải ngân VĐTC được giao. Một số dự án chuyển tiếp đang triển khai thực hiện, có khối lượng nhưng chủ đầu tư chưa làm thủ tục nghiệm thu, thanh toán tại KBNN, còn có tâm lý để dồn thanh toán vào cuối năm.
Trước sự chậm trễ trong công tác giải ngân, đồng chí Lương Huy Sơn, Phó Giám đốc KBNN tỉnh cho rằng, KBNN sẵn sàng chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC. Tuy nhiên, các chủ đầu tư, các BQL phải rà soát tất cả các dự án, có kế hoạch, lộ trình, thời gian, trách nhiệm cụ thể trong giải ngân, như vậy mới có thể đạt hiệu quả và đảm bảo được kế hoạch đề ra.
Về vấn đề này, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố cần tăng cường chỉ đạo giải ngân VĐTC các chương trình, dự án đã được giao vốn, bởi đây là giải pháp hết sức quan trọng góp phần vực dậy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trước tác động nặng nề của dịch Covid-19. Các tổ công tác của tỉnh được giao nhiệm vụ từng dự án phải nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo, đôn đốc để tăng tỷ lệ giải ngân. Đồng thời, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố cần làm hết trách nhiệm, công trình nào đã có khối lượng thì khẩn trương làm thủ tục nghiệm thu thanh toán. Hàng tháng, UBND tỉnh tổ chức giao ban, kiểm điểm tiến độ giải ngân để đôn đốc thực hiện. Cơ quan tham mưu phải báo cáo định kỳ tiến độ giải ngân từng dự án, trên cơ sở đó nêu cao trách nhiệm của các chủ đầu tư.
Hoàng Nga