Nông dân xã Mỵ Hòa (Kim Bôi) phá bỏ vườn tạp, trồng cây ăn quả có múi cho hiệu quả kinh tế cao.
Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chia sẻ: Trong 5 năm qua (2015 - 2020) là quãng thời gian cao điểm ngành nông nghiệp tỉnh hiện thực hóa quyết tâm đẩy mạnh tái cơ cấu (TCC) nông nghiệp. Mục tiêu hướng tới là xây dựng ngành nông nghiệp toàn diện, phát triển bền vững, chất lượng, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tỉnh đã quy hoạch, ban hành, triển khai thực hiện có hiệu quả một số nghị quyết chuyên đề và chính sách phát triển sản phẩm nông nghiệp lợi thế của tỉnh như: Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng sản xuất cây có múi tập trung của tỉnh đến năm 2020; quy hoạch chi tiết vùng nuôi thủy đặc sản tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030…
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương, phong trào thi đua trên lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp được đẩy mạnh. Trong giai đoạn 2015 - 2020 nổi lên các phong trào: "Nông dân tỉnh Hòa Bình thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, "Thi đua thâm canh tăng vụ”, "Tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển các sản phẩm lợi thế”... Từ khí thế thi đua này đã góp phần mở rộng diện tích gieo trồng cây lương thực bình quân hàng năm đạt 77 nghìn ha; sản lượng lương thực cây có hạt trung bình đạt 36 vạn tấn/năm. Diện tích nhóm cây ăn quả có múi, mía ăn tươi, rau an toàn cũng không ngừng được mở rộng. Hiện, diện tích cây trồng được chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ đạt khoảng 2.000 ha, chiếm 18% diện tích sản xuất nông nghiệp. Đã xây dựng được một số mô hình cánh đồng lớn, sản xuất tập trung quy mô lớn, có liên kết sản xuất như: vùng sản xuất tập trung cây có múi (cam, bưởi) ở huyện Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; nhãn thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/năm tại huyện Kim Bôi; mía nguyên liệu ở huyện Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy; sản xuất rau hữu cơ, rau sạch tại huyện Lương Sơn, Tân Lạc, Mai Châu; duy trì, phát triển vùng chè xanh ở các huyện: Lạc Thủy, Yên Thủy, Lương Sơn; vùng chè Shan tuyết ở huyện Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc; liên kết trồng ớt xuất khẩu và liên kết sản xuất, tiêu thụ dưa chuột Nhật... Giá trị thu nhập trung bình trên 1 ha canh tác đạt trung bình 129,6 triệu đồng.
Để nâng cao giá trị gia tăng ngành nông nghiệp, lĩnh vực chăn nuôi được chú trọng. Trên cơ sở quy hoạch, định hướng của tỉnh, huyện, xã, người dân tập trung phát triển 5 loài vật nuôi lợi thế là trâu, bò, lợn, gia cầm, dê theo mô hình trang trại. Theo thống kê, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 119 nghìn con trâu, sản lượng đạt 4 nghìn tấn; 86 nghìn con bò thịt, sản lượng đạt 3 nghìn tấn; 500 nghìn con lợn, sản lượng đạt 45 nghìn tấn; 7 triệu con gia cầm, sản lượng đạt 12,6 nghìn tấn; 51,3 nghìn con dê, sản lượng đạt 300 tấn. Hiện, toàn tỉnh có 3 trang trại chăn nuôi bò quy mô 500 - 5.000 con bò sinh sản và bò thịt; 37 trang trại chăn nuôi lợn nái và hậu bị quy mô khép kín từ 300 - 3.000 con; 71 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô từ 1.500 - 10.000 con gà thương phẩm/chuồng/lứa, 561.000 con/lứa, sản xuất đạt 2.805.000 con/năm; gà giống, đẻ trứng và hậu bị với tổng số 356.000 con, sản xuất 10 triệu con gà giống/năm và khoảng 16 triệu quả trứng/năm; 14 gia trại chăn nuôi dê quy mô từ 60 - 200 con; 3 trang trại chăn nuôi bò quy mô trên 8 nghìn con. Ước tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng từ 25,1% năm 2015 lên 30% năm 2020.
Từ phong trào thi đua sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần hình thành nhiều chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản hướng ra thị trường lớn. Theo đại diện ngành NN&PTNT tỉnh, những kết quả đạt được là nền tảng vững chắc để tạo sức bật cho nông nghiệp, hướng tới những giá trị bền vững trong giai đoạn 2020 - 2025.
Lam Nguyệt