Sản phẩm nhãn Sơn Thủy của HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, xã Xuân Thủy (Kim Bôi) đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương như: Cam Cao Phong, cá sông Đà, gà Lạc Thủy, gà Lạc Sơn… Ngoài ra, dân tộc Mường, Thái, Mông lưu giữ, bảo tồn một số nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở bản Lác (Mai Châu), điểm du lịch cộng đồng Đá Bia (Đà Bắc). Các địa phương và chủ thể nỗ lực chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo theo tiêu chuẩn OCOP.
Để chương trình tạo sức lan tỏa tới từng người dân, Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ thực hiện và chủ thể tham gia. Năm 2020 đã tổ chức 41 lớp tập huấn ở cấp tỉnh, cấp huyện, với gần 2.000 lượt người tham gia.
Anh Bùi Văn Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Huy Chỉ, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) chia sẻ: Sản phẩm dầu sả chanh của HTX đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2020. Quá trình triển khai, HTX được hỗ trợ phát triển và nâng cấp sản phẩm; tư vấn hoàn thiện quy trình sản xuất, quản lý chất lượng; hoàn thiện nhãn mác, bao bì, giấy tờ liên quan, hồ sơ đánh giá, xếp hạng sản phẩm. Kết quả, sản phẩm dầu sả chanh đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, hạng 3 sao. Được công nhận là sản phẩm OCOP mở ra vị thế mới cho sản phẩm dầu sả chanh, tạo cơ hội để người trồng sả nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; khích lệ, động viên người trồng sả đầu tư vốn, kỹ thuật để mở rộng diện tích.
Cùng với việc hỗ trợ chuẩn hóa sản phẩm, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm được tỉnh quan tâm. Sản phẩm OCOP tham gia quảng bá, giới thiệu tại nhiều hội chợ lớn trên cả nước: Hội chợ OCOP quốc gia gắn với sự kiện năm ASEAN do Việt Nam chủ trì; hội chợ thương mại OCOP vùng Tây Bắc Hòa Bình năm 2020; hội chợ nông nghiệp và các sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc tại tỉnh Lào Cai năm 2020… Thông qua hoạt động giới thiệu sản phẩm giúp chủ thể OCOP ký hợp đồng tiêu thụ với các đối tác có uy tín. Người tiêu dùng đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng sản phẩm OCOP của tỉnh.
Đồng chí Hoàng Văn Tuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Chương trình OCOP tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, đây là những năm đầu thực hiện chương trình nên các cấp, ngành chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai, tổ chức thực hiện, một số địa phương còn lúng túng, thiếu chủ động. Kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Kinh phí hỗ trợ đầu tư, chế biến, bảo quản cho chủ thể còn hạn chế. Trong thời gian tới, để Chương trình OCOP đạt hiệu quả, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại hội chợ, trung tâm thương mại…
Thu Thủy