(HBĐT) - Sản phẩm cam Cao Phong nổi tiếng ngon, đang đứng trước sức ép cạnh tranh, giá giảm mạnh, tiêu thụ khó hơn. Tuy nhiên, theo các nhà vườn và cơ quan quản lý, nếu kiên trì thực hiện quản lý tốt quy hoạch, thực hiện nghiêm túc các quy trình sản xuất an toàn, giữ thương hiệu sản phẩm, cây cam vẫn có thể phát triển hiệu quả, mang lại cơ hội làm giàu cho người nông dân.


Hàng năm, cam Cao Phong rải vụ thu hoạch từ tháng 9năm trước đến tháng 5 năm sau.

Năm nay là năm tiêu thụ cam chật vật ở vùng thủ phủ cam Cao Phong. Khác hẳn năm ngoái, vào thời điểm chính vụ, thị trấn Cao Phong không có tư thương lấy hàng số lượng lớn, chủ yếu người buôn bán nhỏ lẻ cắt cam với số lượng ít, giá bán tại vườn trung bình từ 10.000 - 13.000 đồng/kg, so với cùng kỳ năm ngoái giảm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Tại chợ nông sản và chợ Bóp (thuộc thị trấn Cao Phong), các hộ trồng cam nhỏ lẻ từ các xã, địa phương khác tới bán nên giá cả không ổn định, dao động từ 5.000 - 12.000 đồng/kg, so với cùng kỳ năm ngoái giảm từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.

Nguyên nhân khiến giá cam sụt giảm mạnh, khó tiêu thụ được lý giải do sự phát triển "nóng” diện tích cam cũng như cây ăn quả có múi. Trong tỉnh, không chỉ vùng cam Cao Phong, nhiều địa phương cũng mở rộng diện tích trồng cam. Nhiều tỉnh khu vực miền Bắc cũng tập trung phát triển loại cây này. Trong khi việc chế biến, tổ chức thị trường còn nhiều bất cập...

Đến nay, diện tích cây ăn quả có múi toàn huyện Cao Phong khoảng 2.815,21 ha, trong đó, diện tích cây thời kỳ kinh doanh 2.016,77 ha, thời kỳ kiến thiết 798,44 ha; sản lượng niên vụ 2020-2021 dự kiến trên 30.000 tấn. Hiện đã tiêu thụ khoảng 40% sản lượng cả vụ.

Dù giá cam giảm thấp, song tại các nhà vườn, tổ chức sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả có múi uy tín như: HTX Mạnh Khoa, HTX Hùng Lợi, HTX 3T nông sản Cao Phong, các cửa hàng cam sạch Thanh Loan, Huế 338, Thanh Đăng, Nhiên Đăng, Năm Thủy... sản lượng đã tiêu thụ ước đạt 10%, xấp xỉ 1.000 tấn, giá bán trung bình từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, so với cùng kỳ năm ngoái giá không tăng cũng không giảm. Sản phẩm cam Cao Phong chính hiệu vẫn được tiêu thụ khá tốt ở thị trường Hà Nội, giá bán dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Những ngày áp Tết chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Quốc Toản, hộ trồng cam lâu năm ở khu 8, thị trấn Cao Phong khi cam đã cơ bản được đặt hàng tiêu thụ hết. Gia đình ông có 2 ha cam, một nửa là cam Canh, phần còn lại là cam lòng vàng, năng suất đạt khoảng 25 tấn/ha. Cam Canh giá 22.000 đồng/kg; cam lòng vàng bán giá trung bình tại vườn 16.000 đồng/kg. Tính cả vụ, trừ chi phí thu được vài trăm triệu đồng. Ông Toản là người có trình độ thâm canh trồng cam hiệu quả ở thị trấn Cao Phong, thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ thương hiệu, phát triển chỉ dẫn địa lý theo định hướng của huyện, đẩy mạnh ứng dụng KHKT, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP, theo hướng xanh, sạch.

Đồng chí Phạm Thanh Trưởng, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết: Không so với thời điểm giá cao, nhưng với giá bán như hiện tại, nếu tuân thủ nghiêm túc quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, người trồng cam có năng lực, tổ chức sản xuất tốt, cam vẫn là sản phẩm chủ lực, mang lại cơ hội làm giàu cho người trồng cam.

Trong bối cảnh tiêu thụ cam khó khăn, trước áp lực của các loại cam trà trộn, gắn mác đã ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm cam Cao Phong. Theo UBND huyện, việc giữ gìn thương hiệu cam Cao Phong càng trở nên cần thiết và cấp bách. Huyện thực hiện rà soát, quy hoạch phát triển từng loại giống đảm bảo rải vụ hợp lý, định hướng giai đoạn 2020-2025 ổn định diện tích cam, quýt 2.500 ha, sản lượng đạt 30.000 tấn. Huyện định hướng thực hiện giải pháp quản lý chặt các khâu sản xuất, từ khâu chọn giống mang tính rải vụ, không chín tập trung vào cùng một thời điểm, tập trung sản xuất cây ăn quả có tính chất đặc sản như cam Canh nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Thực hiện quản lý tốt chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong; tổ chức cho các tổ chức, cá nhân buôn bán cam, quýt Cao Phong ký cam kết không nhập cam, quýt từ nơi khác vào địa bàn, trà trộn với cam Cao Phong để tiêu thụ, làm ảnh hưởng đến thương hiệu cam, quýt Cao Phong. Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Quy hoạch, xây dựng chợ đầu mối thu gom tập trung, trong đó có các kho bảo ôn để chứa sản phẩm. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo quy trình sản xuất khép kín, hướng tới chuỗi tiêu thụ sản phẩm như các siêu thị, khách sạn, nhà hàng và xuất khẩu, mang tính ổn định, bền vững.


Lê Chung


Các tin khác


Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của tỉnh

(HBĐT) - Chỉ tiêu về đô thị hóa (ĐTH) được xác định là một trong những chỉ tiêu khó đạt trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Thế nhưng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kết thúc nhiệm kỳ, tỷ lệ ĐTH trên địa bàn tỉnh không những đạt mà còn vượt chỉ tiêu đề ra.

PC Hòa Bình điều chỉnh lịch ghi chỉ số công tơ trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu

(HBĐT) - Nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh và thực hiện tốt công tác dịch vụ khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, đồng thời chủ động ứng phó với dịch Covid-19, Công ty Điện lực Hòa Bình thực hiện điều chỉnh lịch ghi chỉ số (GCS) công tơ trong thời gian trùng lịch nghỉ Tết. 

Đảm bảo an toàn công trình lưới điện cao áp

(HBĐT) - Thời gian qua, công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp (ATCTLĐCA) được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt. Nhờ đó, ít xảy ra trường hợp vi phạm nghiêm trọng, không làm mất điện trên diện rộng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ ATCTLĐCPA còn xảy ra, ảnh hưởng đến vận hành ổn định hệ thống lưới điện, gây tai nạn, thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Huyện Yên Thủy huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Đúng vào dịp khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 25/1, UBND huyện Yên Thủy đã tổ chức Lễ công bố xã Lạc Thịnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2020. Với kết quả đó, đến nay, toàn huyện 6/10 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục