Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, chủ đầu tư dự án và các nhà thầu, tiến độ của các gói thầu dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đến nay cơ bản đáp ứng yêu cầu của dự án. Tuy nhiên, vẫn còn những "điểm nghẽn”, nếu không được giải quyết triệt để dự án sẽ khó hoàn thành đúng tiến độ.
Thi công cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 đoạn qua tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Ảnh: Đặng Tiến
Tiến độ và chất lượng phải song hành
Dự án Cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 có tổng chiều dài 63,37km (đoạn qua tỉnh Ninh Bình dài 14,41km và đoạn qua tỉnh Thanh Hóa dài 48,96km) với tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ dự kiến là 12.111 tỉ đồng. Dự án được chia làm 5 gói thầu xây lắp và đã khởi công triển khai đồng loạt thi công xây dựng.
Theo Giám đốc quản lý dự án (Ban Quản lý dự án Thăng Long - đại diện chủ đầu tư) - ông Lương Văn Long, cao tốc Bắc-Nam là dự án trọng điểm quốc gia, là công trình mẫu. Do đó, trong quá trình thực hiện, ngoài đảm bảo tiến độ, dự án cũng phải đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu và hiện đã hoàn thành đền bù được 59/63,37km (đạt 93,15%). Trong đó, tỉnh Ninh Bình còn lại 3,33km, đang tích cực giải quyết các vướng mắc còn lại. Dự kiến trong tháng 3.2021, tỉnh sẽ bàn giao được 2,4km; còn lại khoảng 900m sẽ tiếp tục thực hiện bàn giao sớm nhất cho nhà thầu thi công.
Tại tỉnh Thanh Hóa, mặt bằng còn lại 1,5km chưa bàn giao, Ban quản lý dự án Thăng Long đang tích cực phối hợp cùng các hội đồng giải phóng mặt bằng và các cơ quan ban ngành địa phương để giải quyết các vướng mắc, sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho các nhà thầu thi công.
Cũng theo ông Long, mặc dù các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa đã hết sức nỗ lực trong việc bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, tuy nhiên, trong trường hợp hết quý I/2021 mà không bàn giao mặt bằng thì dự án sẽ chậm tiến độ và khó có thể hoàn thành trong năm 2022. Để tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) - ông Hoàng Mạnh Hùng - cho biết, sẽ cố gắng bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu thi công cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 trước ngày 31.3.2021.
Ghi nhận tại các gói thầu, đơn vị nhà thầu đã huy động máy móc và nhân công, chia ca kíp để đẩy nhanh tiến độ thi công đắp nền đất, khoan hầm Tam Điệp, hầm Thung Thi... Ông Lý Ngọc Lâm - Trưởng Tư vấn giám sát cầu vượt Quốc lộ 12B - nói rằng, dự án đã triển khai 10 mũi thi công đào đắp nền đường, cầu, hầm chui Tam Điệp, dự kiến đến tháng 6.2022 sẽ hoàn thành.
Ông Lâm cho biết, những khó khăn đã được chủ đầu tư, chính quyền địa phương và các đơn vị thi công tháo gỡ xong. Cùng đó, chỉ huy trưởng thi công đường dẫn và hầm Tam Điệp - ông Đỗ Quốc Tuấn - cho hay, ngoài bố trí đủ lượng phương tiện máy móc, để đẩy nhanh tiến độ, công trường bố trí 100 lao động chia 3 ca làm việc bình quân mỗi ngày khoan 4-5m hầm. Qua khoan khảo sát, địa chất đá phía ngoài hầm chưa tốt, khi đào sâu vào trong sẽ tiếp tục theo dõi và đưa ra các biện pháp xử lý.
Khan hiếm nguồn cung vật liệu bị thổi giá
Đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long nói rằng, dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 đang đứng trước vướng mắc bởi nguồn vật liệu thi công khan hiếm trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ của dự án. Theo tính toán, dự án cần tổng khối lượng vật liệu dự kiến khoảng 8,2 triệu mét khối, trong đó đoạn đi qua Thanh Hóa có nhu cầu khoảng 5,9 triệu mét khối đất đắp nền, 1,8 triệu mét khối đá và 1,7 triệu mét khối cát.
Kết quả điều tra, khảo sát và danh sách nguồn cung cấp vật liệu đã được tỉnh Thanh Hóa thỏa thuận, thống nhất cơ bản đáp ứng nhu cầu. Khó khăn do nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh này là rất lớn và công suất khai thác của các mỏ chưa thể đáp ứng được nhu cầu do Thanh Hóa có 3 dự án cao tốc được triển khai là Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu. Trong khi đó, nhiều mỏ dù nằm trong quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép nên vẫn bị "treo”. Các mỏ đang khai thác cũng trữ lượng ít, công suất nhỏ nên nguồn cung thiếu trầm trọng, dẫn đến khó khăn cho nhà thầu thi công về vật liệu đất đắp và ảnh hưởng tới tiến độ. Cũng do tiến độ thi công, một số mỏ đất do tư nhân quản lý đẩy giá vật liệu lên cao gấp 2 đến 3 lần so với giá khảo sát ban đầu.
Theo Chỉ huy trưởng công trường thi công gói 11-XL của Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng) - ông Trần Đình Ngân - trước đây, giá vật liệu đất đắp nền từ 20.000-22.000 đồng/m3 nhưng hiện nay giá đã lên tới 35.000-37.000 đồng/m3 mà vẫn chưa đủ vật liệu để mua. Để có nguồn vật liệu thi công, nhà thầu loay hoay tìm khảo sát mỏ khác nằm trong quy hoạch và được địa phương cấp phép để đáp ứng nguồn vật liệu cho gói thầu. Hiện tại, với giá mua chủ mỏ ngoài và khoảng cách xa từ 17km đến 20km, chưa kể giá cao, các nhà thầu đứng trước nguy cơ phải bù lỗ hàng trăm tỉ đồng.
Để tháo gỡ khó khăn, Bộ Giao thông - Vận tải đã làm việc với các địa phương nơi dự án đi qua xem xét, bổ sung các mỏ vật liệu, mở rộng diện tích, tăng công suất khai thác đối với mỏ vật liệu đất đắp và bổ sung quy hoạch, cấp phép khai thác. Như tại tỉnh Ninh Bình, có các mỏ Đồi Giàng (trữ lượng khoảng 1 triệu mét khối), mỏ Sòng Vặn (khoảng 3,5 triệu mét khối); tỉnh Thanh Hóa có mỏ Đồi Ao (trữ lượng 900.000m3) và các điều kiện cần thiết khác như giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng đường tiếp cận vào mỏ...
Ngoài việc thiếu nguồn vật liệu, các nhà thầu cũng đang gặp khó khăn khi chưa có bãi đổ thải. Đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long cho hay, tỉnh Thanh Hóa mới cấp phép 2 bãi nên rất khó khăn trong công tác vận chuyển và tập kết vật liệu. Hiện tại, Bộ Giao thông - Vận tải đang làm việc với địa phương để kiểm tra, rà soát để báo cáo UBND các tỉnh phối hợp giải quyết sớm.
Theo Báo Lao động
(HBĐT) - Nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế, nhất là những điểm còn hạn chế, các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực "trải thảm” thu hút nhà đầu tư (NĐT) với quyết tâm tạo môi trường thuận lợi, an toàn, đáng tin cậy cho doanh nghiệp (DN).
(HBĐT) - Tận dụng diện tích đất đồi, 20 năm qua, người dân xóm Mỹ Tân, xã Cao Dương (Lương Sơn) đã duy trì trồng và phát triển cây bưởi Diễn. Bưởi Diễn đã trở thành sản phẩm chủ lực đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, đem lại giá trị kinh tế cao. Đây là điều kiện thuận lợi để xã tiếp tục phát triển cây bưởi Diễn theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng.
(HBĐT) - Theo báo cáo của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đà Bắc, doanh số cho vay trong tháng 2 của huyện đạt hơn 16,3 tỷ đồng, cho hơn 500 khách hàng vay vốn; lũy kế cho vay từ đầu năm 2021 đến hết tháng 2 đạt trên 21 tỷ đồng.
(HBĐT) - Thời gian qua, tình hình sản xuất CN - TTCN trên địa bàn TP Hòa Bình diễn ra tương đối ổn định, một số doanh nghiệp đã tăng công suất hoạt động. Các sản phẩm tập trung chủ yếu vào: May mặc, phụ kiện, linh kiện điện tử. Các ngành nghề truyền thống của địa phương như: Sản xuất vật liệu xây dựng, gạch các loại, sản xuất chổi chít, chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất đồ mộc dân dụng, may mặc, gia công cơ khí... tiếp tục được duy trì phát triển, giải quyết việc làm cho người lao động.
(HBĐT) - Ngày 19/3, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát tình hình chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, sử dụng đất thực hiện dự án đảm bảo chỉ tiêu đất trồng lúa theo Nghị quyết của Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Hòa Bình tại UBND tỉnh. Đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch TT HĐND tỉnh chủ trì cuộc giám sát.
(HBĐT) - Ngày 19/3, tại huyện Cao Phong, UBND tỉnh tổ chức hội nghị bàn giải pháp để hoàn thành kế hoạch huyện Cao Phong đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) các chương trình MTQG tỉnh chủ trì hội nghị.