Tại buổi làm việc, đại diện ADB đã trao đổi về kế hoạch phát triển của ADB, dự án cần đầu tư của Hòa Bình và sự hỗ trợ cần thiết của ADB đối với dự án. ADB nhấn mạnh, phía cơ quan sẽ nỗ lực huy động thêm các nguồn tài trợ để tối ưu hóa nguồn cho vay tại Việt Nam. Đối với dự án phát triển hạ tầng du lịch tỉnh Hòa Bình, ADB đề xuất sẽ đưa ra nhiều hình thức tài trợ cho dự án. Bên cạnh đó, ADB cho rằng, Hòa Bình nên xem xét năng lực vay vốn của tỉnh, cần có chiến lược phát triển KT-XH dài hạn. Phía ADB sẽ xem xét năng lực của các đơn vị vay vốn. Trong việc lập và thực hiện Dự án, ADB đặc biệt nhấn mạnh và coi trọng tính bền vững của các dự án, tác động tích cực của dự án đối với vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu cũng như tác động xã hội tích cực, lâu dài của dự án.
Đối với dự án phát triển hạ tầng du lịch của tỉnh Hoà Bình, ADB cho rằng, tỉnh nên chủ động bố trí vốn đối ứng kịp thời chuẩn bị cho dự án. ADB lưu ý, tỉnh cần xem xét thành lập các tiểu dự án trong chương trình đầu tư công trung hạn; các tiểu dự án phải có mục tiêu rõ ràng, có tính gắn kết, hỗ trợ cho nhau, có tính lan toả và phát triển vì cộng đồng. Bên cạnh đó, khi lập dự án cần chú trọng tới các vấn đề khác như tái định cư, ổn định đời sống dân cư sau di dân tái định cư...
Về phía Hòa Bình, khẳng định đây là dự án quan trọng mà tỉnh đặc biệt quan tâm, ưu tiên thực hiện. Tỉnh mong muốn khi dự án triển khai thực hiện, ADB sẽ dành nguồn đầu tư cho dự án. Dự kiến, trong tháng 4/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sẽ trình dự án của tỉnh Hòa Bình lên Thủ tướng Chính phủ chờ phê duyệt, sau phê duyệt dự án sẽ được đưa vào Chương trình đầu tư công trung hạn để bố trí vốn. Tỉnh sẽ xem xét lựa chọn chủ đầu tư có năng lực tốt để đảm bảo chất lượng, thời gian thực hiện dự án đúng lộ trình. Tỉnh nỗ lực xây dựng và triển khai dự án theo đúng mục tiêu cho vay của ADB.
Thay mặt UBND tỉnh, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng cảm ơn sự quan tâm, trợ giúp, hợp tác của ADB đối với tỉnh. Sau buổi làm việc lần đầu, nghe tỉnh đề xuất về dự án và nhu cầu vay vốn, ADB đã tiếp tục có buổi làm việc tiếp theo để hai bên cùng thống nhất lại các nội dung. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay, tỉnh đã hoàn thiện đề xuất dự án theo ý kiến tham gia của các bộ, ngành liên quan. Tỉnh cũng đã hoàn thiện nội dung giải trình gửi Bộ Tài chính. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ có văn bản gửi Bộ KH&ĐT các nội dung giải trình kèm theo đề xuất dự án. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án, tỉnh sẽ triển khai thực hiện các thủ tục trong bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, nguồn vốn sẽ là nguồn vốn đối ứng của tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn nhận được sự hỗ trợ của ADB để các nội dung dự án đảm bảo theo quy định của Việt Nam cũng như của nhà tài trợ.
Trước đó, vào tháng 10/2020, UBND tỉnh Hòa Bình đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Phát triển châu Á liên quan đến vận động dự án phát triển hạ tầng du lịch tỉnh Hòa Bình nguồn vốn vay ADB. Theo đó, tổng mức đầu tư dự kiến trên 123,8 triệu USD, tương đương 2.881 tỷ đồng, trong đó, vốn vay ưu đãi của ADB trên 74,5 triệu USD, tương đương 1.735 tỷ đồng, vốn đối ứng dự kiến trên 49,2 triệu USD, tương đương 1.146 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục đầu tư bao gồm triển khai xây dựng tuyến đường ven hồ Hòa Bình khoảng 28km; xây dựng cầu Hòa Bình 5 vượt sông Đà và cải tạo, nâng cấp cảng Thung Nai. Thời gian thực hiện dự kiến khoảng 6 năm kể từ ngày Hiệp định vay có hiệu lực.
Hồng Trung