Cần nguồn lực thực hiện sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông sản
Thứ hai, 12/4/2021 | 9:27:18 Sáng
(HBĐT) - Tỉnh ta có nhiều tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông, lâm sản và thủy sản do có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng thích nghi. Thị trường tiêu thụ khá thuận lợi khi gần Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng, đặc biệt là Việt Nam tham gia hội nhập sâu vào các thị trường lớn trên thế giới theo các hiệp định thương mại đã ký kết.
Các loại rau của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Thành An, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và được dán tem truy suất nguồn gốc. Tuy nhiên, hoạt động sơ chế, bảo quản vẫn còn thủ công.
Theo số liệu của Sở NN&PTNT, đến năm 2020, toàn tỉnh có 11,5 nghìn ha cây ăn quả có múi (diện tích kinh doanh 7,4 nghìn ha), sản lượng 19,4 vạn tấn. Diện tích gieo trồng rau các loại trên 11 nghìn ha/năm, sản lượng trên 16 vạn tấn. Diện tích cây mía từ 8 - 9 nghìn ha. Cây lương thực có hạt gieo trồng hàng năm trên 77 nghìn ha. Diện tích trồng nhãn, vải, chuối, na từ 4,5 – 5 nghìn ha. Tổng đàn trâu, bò, lợn, dê 691.800 con, sản lượng đạt 67.500 tấn; đàn gia cầm 8,07 triệu con, sản lượng 23,34 nghìn tấn. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản 2,7 nghìn ha, có 4,7 nghìn lồng nuôi cá, sản lượng thủy sản khoảng 11 nghìn tấn/năm. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 3,7 nghìn ha rừng gỗ lớn, 7,8% diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC, gần 4% gỗ phục vụ xuất khẩu thông qua các doanh nghiệp chế biến.
Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm chỉ đạo khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, sơ chế, bảo quản, xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay, trong tỉnh có trên 1.000 cơ sở sơ chế, bảo quản là các doanh nghiệp, hợp tác xã (DN, HTX), hộ gia đình, chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, hạn chế về công nghệ, sản lượng chưa nhiều, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, không gia tăng được giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường. Một số đề tài khoa học về bảo quản nông sản được tỉnh phê duyệt để hạn chế khi nguồn cung quá cầu, giá cả thấp gây thiệt hại cho người sản xuất nhưng do nguồn lực có hạn nên chưa được áp dụng vào thực tế. Cũng theo thông tin từ Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh có gần 500 cơ sở chế biến nhưng phần lớn là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Hiện đã có một số nhà máy do DN đầu tư ở quy mô vừa, song chủ yếu áp dụng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, hao tổn nguyên nhiên liệu. Một số nhà máy mặc dù đóng trên địa bàn nhưng nguyên liệu từ nguồn sản xuất trong tỉnh không đủ, chỉ đáp ứng từ 20 – 60% công suất thiết kế, thậm chí có nhà máy nhập 100% nguyên liệu từ bên ngoài. Ngoài ra, phát triển công nghiệp chế biến nông sản chưa gắn với các khu, cụm công nghiệp và vùng sản xuất tập trung. Một số nhà máy chế biến dây chuyền sản xuất lạc hậu, chưa có khả năng chế biến sâu, chế biến tinh hay chế biến công nghệ cao…
Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng HB (phường Quỳnh Lâm – TP Hòa Bình) thời gian qua đã chú trọng áp dụng KHKT phát triển nuôi cá lồng tại hồ Hòa Bình và sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cá sông Đà theo chuỗi giá trị. Nhận thấy các sản phẩm chế biến từ cá, nhất là từ cá sông Đà trên thị trường còn ít, thiếu đa dạng, công ty đã sản xuất, cho ra mắt sản phẩm ruốc cá sông Đà, làm từ các loại cá trắm đen, lăng vàng, lăng đen nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Nguyễn Văn Toản, Giám đốc công ty chia sẻ: Quy trình sản xuất ruốc được kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn ISO và HACCP. Để sản phẩm đến với khách hàng, chúng tôi chọn Hà Nội là thị trường đầu tiên, trong đó hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị là đối tượng hướng tới trước. Thành quả ban đầu là sản phẩm ruốc cá đã có mặt tại trên 50 hệ thống cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội và các tỉnh, thành. Tuy nhiên, để có sự phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn nữa, công ty rất mong muốn các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng khu sơ chế đóng gói và sản xuất các sản phẩm chế biến từ thủy sản áp dụng công nghệ cao. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, tạo điều kiện giúp DN tham gia các hội chợ triển lãm sản phẩm; mang sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tới mọi miền đất nước, đặc biệt là định hướng xuất khẩu.
Từ thực tế cho thấy, những năm gần đây, công tác xúc tiến thương mại của tỉnh tuy đã được các cấp, ngành đẩy mạnh nhưng vẫn còn hạn chế. Các hoạt động quảng bá cơ bản quy mô nhỏ, chưa tạo sức lan tỏa lớn cho thương hiệu nông sản của tỉnh. Đã có những DN liên kết với các HTX để thực hiện theo chuỗi khép kín từ sản xuất – chế biến – tiêu thụ nhưng còn thấp so với tiềm năng, lợi thế. Sản phẩm nông sản đã vào được các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối… song còn ít so với sản lượng đầu ra do mẫu mã, chất lượng không đồng đều. Một số mặt hàng đòi hỏi phải áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP, ISO, HACCP… thì DN, HTX chưa đáp ứng được. Có những nông sản đã được các DN, HTX xuất khẩu như: Chuối, thanh long, mía tím, nhãn, chè khô, măng, tinh bột sắn, gỗ vào các thị trường dễ tính Trung Quốc, Trung Đông, Kazatal… nhưng sản lượng rất ít. Thậm chí nhiều DN, HTX phải xuất khẩu qua bên thứ ba nên giá thấp, chưa tạo động lực cho người sản xuất.
Lấy dẫn chứng vừa qua, HTX sản xuất chế biến nông thủy sản Phú Cường - Sông Đà xuất khẩu 20 tấn chuối được cấp mã số vùng trồng sang thị trường Trung Quốc, đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Hoạt động sơ chế, bảo quản sản phẩm không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các nước châu Âu mà mới đến thị trường Trung Quốc, bởi chỉ bảo quản bằng đóng gói nilon. Trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn, hàng năm, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm thấp nên chưa nâng cao được giá trị, chất lượng sản phẩm. Do vậy, ngành nông nghiệp đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án Tăng cường sơ chế, chế biến, bảo quản và xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, để thực hiện nhiệm vụ chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là đưa nông nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và trụ đỡ của nền kinh tế nhằm thực hiện thành công tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
(HBĐT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đưa tư tưởng hợp tác xã (HTX) vào Việt Nam. Ngay từ khi còn đang bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã quan tâm đến tổ chức kinh tế HTX. Trong cuốn "Đường cách mệnh”, viết năm 1927, sau khi phân tích những lợi ích của HTX, Người đã nhấn mạnh: Tục ngữ Việt Nam có câu "Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó” và "Một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, lý luận HTX đều nằm trong đó.
(HBĐT) - Sáng 9/4, Hội LHPN huyện Kim Bôi phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ và trẻ em (DWC) tổ chức khai trương cửa hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, an toàn PGS Kim Bôi. Cửa hàng được đặt tại khu Sào, thị trấn Bo. Tham dự có đại diện lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, huyện Kim Bôi và các thành viên nhóm sản xuất hữu cơ 3 xã thực hiện dự án (Cuối Hạ, Nuông Dăm, Vĩnh Tiến).
(HBĐT) - Sáng 9/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh và tiêm vắc xin vụ xuân – hè cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện Cao Phong.
(HBĐT) - Năm 2015, thôn Niếng, xã Hưng Thi (Lạc Thủy) là 1/36 thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh. Từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, diện mạo nông thôn tại đây đã từng bước "thay da, đổi thịt". Theo thống kê năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,6%. Đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.