Huyện Lương Sơn hiện có 48 dự án đầu tư trong các khu công nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương. Ảnh chụp tại Công ty TNHH Midori Apparel Việt Nam Hòa Bình - khu công nghiệp Lương Sơn.
Từ tiềm năng, lợi thế đã được khẳng định, những năm gần đây, thu hút đầu tư vào tỉnh có sự khởi sắc. Nhiều nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước, trong đó có những NĐT lớn, chiến lược đã đến với tỉnh. Theo số liệu của UBND tỉnh, tính đến giữa tháng 6/2021, toàn tỉnh có 629 dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài NSNN còn hiệu lực hoạt động. Trong đó có 40 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 619,362 triệu USD; 589 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 92.218 tỷ đồng. Có 419 dự án đầu tư vào lĩnh vực CN-XD; 142 dự án lĩnh vực dịch vụ - thương mại; 57 dự án lĩnh vực nông nghiệp và 11 dự án đầu tư các lĩnh vực xây dựng cơ sở đào tạo, văn hóa...
Trong 629 dự án, có 345 dự án đầu tư đã hoàn thành, đi vào SX-KD; 284 dự án chưa hoàn thành, đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục về đất đai, đầu tư xây dựng và các thủ tục pháp lý khác. Bên cạnh các dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép đầu tư, hiện nay, trong tỉnh có khoảng 20 dự án được các NĐT đề xuất nghiên cứu, khảo sát.
Đối với dự án sử dụng vốn NSNN, tính đến ngày 31/5/2021, UBND tỉnh đã giao chi tiết số kế hoạch vốn 3.079 tỷ đồng, gồm 2.095 tỷ đồng bố trí thực hiện các dự án và 984 tỷ đồng thực hiện các hạng mục chi phí khác. Trong đó, 14 dự án đã hoàn thành; 40 dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong năm 2021; 28 dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2021; 22 dự án đối ứng ODA; 9 dự án đối ứng ngân sách T.Ư; 22 dự án chuẩn bị đầu tư và 56 dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu cho huyện, thành phố theo Nghị quyết số 310/2020/NQ-HĐND, ngày 11/11/2020 của HĐND tỉnh.
Kế hoạch vốn năm 2021 được bố trí tập trung cho một số ngành, lĩnh vực, như: Giao thông 73 dự án, giáo dục 25 dự án, y tế 18 dự án, nông nghiệp 17 dự án, đầu tư hạ tầng 10 dự án, lĩnh vực quản lý nhà nước, trụ sở 9 dự án, du lịch 4 dự án. Số vốn còn lại bố trí cho các lĩnh vực về văn hóa, KH-CN, thông tin truyền thông, cấp thoát nước... với 23 dự án và các hạng mục chi phí khác.
Để thu hút đầu tư, tạo điều kiện giúp các dự án sớm triển khai hoạt động, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc làm việc, gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp (DN), NĐT để nắm bắt tình hình hoạt động, chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cùng Tổ công tác chỉ đạo triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách và các dự án trên địa bàn tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, NĐT thường xuyên tổ chức họp, kiểm tra thực địa, kiểm điểm những công việc đã và chưa thực hiện, thực hiện chậm tiến độ, khó khăn, vướng mắc cần tập trung xử lý, giải quyết. Sau các buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh đều kết luận, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và NĐT.
Cùng với việc chỉ đạo tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án, đẩy mạnh lập quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) cấp huyện, UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn NĐT thực hiện dự án đầu tư có SDĐ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quy định các điều kiện, tiêu chuẩn lựa chọn NĐT có đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm và có tiến độ triển khai nhanh. Không xem xét giải quyết cho các NĐT có dự án chậm tiến độ trên địa bàn.
Lương Sơn là địa phương có dự án đầu tư ngoài NSNN nhiều nhất tỉnh, với 137 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp (K-CCN), 4 dự án trong CCN, 48 dự án trong KCN, 21 dự án nhà ở thương mại. Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện tích cực triển khai xây dựng quy hoạch chung của huyện và lập quy hoạch SDĐ giai đoạn 2021 - 2030. Kế hoạch SDĐ năm 2021 đã được cập nhật, bổ sung các nội dung, làm cơ sở triển khai thu hút đầu tư và giải quyết vướng mắc cho NĐT trên địa bàn. Huyện chủ động công khai các loại quy hoạch khi có quyết định phê duyệt kế hoạch SDĐ năm 2021, các đồ án quy hoạch, quy hoạch chung để các tổ chức, cá nhân có điều kiện nghiên cứu. Đồng thời, chú trọng tổ chức đối thoại với các NĐT, nhất là vấn đề liên quan đến GPMB. Những dự án trên địa bàn nằm trong danh mục trọng điểm của tỉnh, huyện đã mời NĐT đến làm việc để nắm bắt tình hình, chủ yếu về công tác thu hồi đất, GPMB. Huyện đã cập nhật vào quy hoạch, kế hoạch SDĐ, quy hoạch chung xây dựng và có kế hoạch chuyên đề cho các dự án trọng điểm. Theo đó, về cơ bản các dự án đang được NĐT triển khai theo tiến độ".
Cũng như Lương Sơn, thời gian qua, huyện Tân Lạc được nhiều NĐT quan tâm. Hiện, trên địa bàn huyện có 30 dự án đầu tư trong nước. Đồng chí Đinh Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy chia sẻ: "Huyện xác định, để thu hút được các NĐT lớn, có tiềm năng, tạo động lực phát triển phải hết sức quan tâm thực hiện tốt các quy hoạch do tỉnh, huyện triển khai trong giai đoạn 5 năm tới. Quan tâm đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông. Bên cạnh đó, huyện luôn xác định trách nhiệm của lãnh đạo Huyện ủy, UBND, các phòng, ban và các xã, thị trấn phải làm tốt hơn việc hoàn thiện thủ tục hành lang pháp lý, giúp các NĐT, DN có cơ hội tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng hơn các dịch vụ, thể chế do tỉnh và huyện ban hành. Đồng thời chú trọng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cơ quan và những cán bộ được phân công, giao nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp làm việc với các NĐT, DN, người dân để giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả". Với cách làm này, huyện Tân Lạc đã, đang triển khai nhiều dự án đầu tư có hiệu quả.
Cùng với "trải thảm" thu hút đầu tư, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt giải quyết dứt điểm đối với các dự án đầu tư chậm tiến độ, SDĐ không hiệu quả và vi phạm các quy định khác của pháp luật về đầu tư, đất đai... Xem xét hỗ trợ tháo gỡ khó khăn các dự án chậm tiến độ nhưng do nguyên nhân khách quan, như vướng mắc trong thỏa thuận, bồi thường GPMB, dự án không tiêu thụ được sản phẩm do biến động của thị trường, thiếu nguồn lực, do ảnh hưởng dịch Covid-19. Chỉ xem xét, chấp thuận cho điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với NĐT thực hiện các cam kết và đáp ứng đầy đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định.
Đối với các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong K-CCN chậm tiến độ, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị làm rõ về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi xem xét điều chỉnh tiến độ, đồng thời nghiên cứu các biện pháp xử lý trong trường hợp dự án không đảm bảo theo tiến độ đã cam kết. Rà soát, đánh giá lại sự phù hợp của các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các K-CCN đối với Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của địa phương, thực hiện điều chỉnh quy hoạch nếu không còn phù hợp...
Bình Giang