Các mặt hàng thiết yếu luôn đảm bảo để cung cấp cho người dân trên địa bàn huyện Tân Lạc trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Ảnh chụp tại xã Gia Mô.
Đồng chí Bùi Văn Nhỏ, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 -2025. Để hiện thực hóa những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện xác định nhiệm vụ trước mắt là tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các biện pháp PCD Covid-19. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh hoạt động để phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ; tăng cường công tác quản lý, thu NSNN; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm đảm bảo tiến độ đề ra.
Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thị trấn Mãn Đức xuất hiện ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Đó là thời điểm toàn huyện phải trải qua những ngày căng thẳng với nỗ lực cao nhất để ngăn chặn không để dịch lây lan ra. Các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an và các xã, thị trấn chủ động phối hợp truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Huyện chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, bảo đảm sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân thực hiện các biện pháp PCD, nhất là thông điệp "5K" của Bộ Y tế. Các ngành chức năng từ huyện tới xã, thị trấn tổ chức ra quân tuần tra lưu động, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về PCD.
Sự chủ động trong công tác PCD Covid-19 góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế của huyện. 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng lương thực ước đạt 23.019 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2020; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 533,8 tấn, tăng 25,7% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 979,13 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ; thu NSNN ước đạt 22,8 tỷ đồng, đạt 37,68% kế hoạch giao, bằng 132,2% so với cùng kỳ. Lĩnh vực CN-TTCN do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giảm hơn so với cùng kỳ, giá trị sản xuất đạt 538,76 tỷ đồng.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ và giá thu mua các mặt hàng nông sản như bí xanh, rau su su giảm so với các năm trước nhưng sản xuất nông nghiệp tiếp tục được duy trì và ổn định. Sự chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện về giống, vật tư nông nghiệp đã giúp nông dân huyện làm nên vụ lúa chiêm xuân thắng lợi trên mọi mặt. Năng suất lúa bình quân đạt 56,8 tạ/ha, bằng 103,8% so với cùng kỳ. Chăn nuôi cơ bản ổn định, dịch tả lợn châu Phi được khống chế, đàn lợn từng bước phục hồi.
Sản xuất CN-TTCN được duy trì với một số sản phẩm chủ yếu như: Đá xây dựng, gạch nung, điện thương phẩm, nước máy và một số sản phẩm khác. Trên địa bàn huyện hiện có một số dự án đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư như: Nhà máy dệt kim Supertex (tổng mức đầu tư 8 triệu USD); nhà máy sản xuất ván bóc, ván ép và dăm gỗ xuất khẩu; cụm công nghiệp Phong Phú (phạm vi thực hiện 75 ha). Công tác quản lý đầu tư được quan tâm chỉ đạo. 6 tháng đầu năm, tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư đạt 109,452/221,193 tỷ đồng, đạt 49,48% kế hoạch.
Huyện luôn đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt đối với các xã vùng sâu, vùng xa. Toàn huyện có 264 doanh nghiệp, 859 hộ kinh doanh, 10 chợ đang hoạt động trong quy hoạch được xếp hạng, 13 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, mức lưu chuyển hàng hóa của doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh chiếm chủ yếu giá trị hàng hóa bán lẻ.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng 6 tháng qua, huyện đã tạo việc làm mới cho 600 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 5,3%. Các chế độ, chính sách, an sinh xã hội được triển khai theo đúng quy định, nhất là gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Thu Thủy