(HBĐT) - Tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh được phân công trình bày Báo cáo (tóm tắt) bổ sung kết quả thực hiện KT - XH năm 2020; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH 6 tháng đầu năm; điều chỉnh kế hoạch phát triển KT - XH năm 2021. Báo Hòa Bình xin trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo (tóm tắt).



Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021.

Kính thưa chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa các đại biểu dự họp,

Thưa toàn thể đồng chí, cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Được sự phân công của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, tôi xin trình bày tóm tắt Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021; Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2021 và Tờ trình về việc điều chỉnh kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 tỉnh Hòa Bình như sau:

PHẦN THỨ NHẤT:
Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2020; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021

A. Bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH năm 2020

Sau khi rà soát, cập nhật kết quả thực hiện thực tế các tháng cuối năm 2020, về tổng quan, trong 22 chỉ tiêu chủ yếu thì có 15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; có 7 chỉ tiêu không đạt kế hoạch (gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế; GRDP bình quân đầu người; tổng đầu tư toàn xã hội; tổng thu ngân sách Nhà nước; số doanh nghiệp, HTX đăng ký thành lập mới; tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế). 

Đối với các chỉ tiêu chủ yếu, so với Báo cáo số 399/BC - UBND ngày 19/11/2020 trình tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa XVI, có 6 chỉ tiêu đạt kết quả cao hơn so với số đã báo cáo, trong đó có 5 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, còn 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra; 10 chỉ tiêu không đổi và 6 chỉ tiêu giảm so với số đã báo cáo đồng thời không đạt kế hoạch đề ra. Chi tiết kết quả thực hiện các chỉ tiêu và nguyên nhân của sự thay đổi số liệu cũng như nguyên nhân các chỉ tiêu không đạt kế hoạch được nêu tại báo cáo đầy đủ, đề nghị các đại biểu nghiên cứu. 

B. Tình hình KT - XH 6 tháng đầu năm 2021

6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh kinh tế trong nước có dấu hiệu phục hồi mặc dù dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, tình hình KT - XH của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, một số lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng khá. Kết quả đạt được cụ thể trên các lĩnh vực như sau:

 I. Tình hình kinh tế

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tính tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,57%; công nghiệp - xây dựng tăng 32,22% (trong đó công nghiệp tăng 39,26%); dịch vụ tăng 5,51%; thuế sản phẩm tăng 8,09%. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 19,92%; công nghiệp - xây dựng 44,45%; dịch vụ 30,55%; thuế sản phẩm 5,08%.

2. Kết quả thực hiện trên một số ngành, lĩnh vực chủ yếu 

2.1. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản và xây dựng nông thôn mới 

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ước đạt 8.631,7 tỷ đồng, tăng 7,12% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 64 nghìn ha, bằng 100% kế hoạch. Cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển đổi theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao; tình hình chăn nuôi nhìn chung phát triển ổn định; tại các địa phương, các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn có đầu tư tái đàn nhưng số lượng còn hạn chế. Công tác chăm sóc, khoanh nuôi và phát triển rừng được quan tâm; đã trồng được trên 451 nghìn cây phân tán và cây ăn quả các loại phục vụ Tết trồng cây và trên 4,845 nghìn ha rừng tập trung, đạt 85,7% kế hoạch năm. Tiếp tục nuôi trồng thủy sản trên 2,7 nghìn ha diện tích mặt nước và trên 4,7 nghìn lồng nuôi cá;  sản lượng thu hoạch ước đạt 3,88 nghìn tấn.

Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay đã có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 46 khu dân cư kiểu mẫu, 151 vườn mẫu; có 58/131 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 44,3% tổng số xã), 9 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 64 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 15,4 tiêu chí/xã, không có xã dưới 10 tiêu chí nông thôn mới. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được triển khai theo kế hoạch.

2.2 Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 

6 tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 25,89% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 22.344,6 tỷ đồng, tăng 24,29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã từng bước phục hồi và sản xuất ổn định, một số sản phẩm chủ yếu như đồ uống các loại, thép, sản phẩm điện tử, may mặc tiếp tục có kết quả tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Đối với nhóm sản xuất và phân phối điện, sản lượng điện sản xuất ước đạt 4.096,25 triệu KWh, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm trước, bằng 42,23% so với kế hoạch năm. 

 2.3. Thương mại, giá cả, các dịch vụ khác

Đây là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ dịch Covid-19, đặc biệt là các hoạt động lưu trú, ăn uống và du lịch, tuy nhiên các hoạt động thương mại điện tử, dịch vụ bưu chính viễn thông, bảo hiểm lại có bước phát triển vượt bậc, phát huy được lợi thế trong tình hình dịch bệnh khi các hình thức thương mại truyền thống gặp phải nhiều khó khăn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước đạt 21.657 tỷ đồng, tăng 14,93% so với cùng kỳ năm trước, bằng 48,71% kế hoạch năm. 

Kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt kết quả tích cực. Giá trị xuất khẩu ước đạt ước đạt 578,88 triệu USD, tăng 29,64% so với cùng kỳ năm trước, bằng 47,54% so với kế hoạch năm; nhập khẩu ước đạt 506,05 triệu USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước, bằng 51,64% so với kế hoạch năm.

Tổng khách du lịch đến tỉnh Hoà Bình trong 6 tháng đầu năm ước đạt 690.000 lượt khách, bằng 20,1% kế hoạch năm (trong đó, khách quốc tế 51.000 lượt; khách nội địa 639.000 lượt); tổng doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng, bằng 24,1% kế hoạch năm.

2.4. Đầu tư phát triển 

Kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao 3.781,4 tỷ đồng; số vốn đã được HĐND  tỉnh thông qua là 4.086 tỷ đồng, trong đó số vốn đã phân bổ, giao chi tiết 3.313 tỷ đồng. Tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến ngày 30/6/2021 được 969,4 tỷ đồng, đạt 25,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 35% kế hoạch vốn đã được giao chi tiết cho các dự án.

2.5. Tài chính, ngân hàng

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.029 tỷ đồng, bằng 47% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 40% so với Nghị quyết HĐND tỉnh, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 5.667,4 tỷ đồng, bằng 48% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 45% so với Nghị quyết HĐND tỉnh.

Đến ngày 30/6/2021, tổng vốn của các tổ chức tín dụng đạt 31.285 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cuối năm 2020; trong đó vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư ước đạt 24.172 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cuối năm 2020. Tổng dư nợ toàn địa bàn đạt 26.781 tỷ đồng, tăng 8,8% so với thời điểm 31/12/2020; dư nợ cho vay theo các chương trình tín dụng đạt 21.749 tỷ đồng. Nợ xấu toàn địa bàn là 350 tỷ đồng, chiếm 1,31% tổng dư nợ. Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng dịch Covid-19. 

2.6. Phát triển các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, thu hút đầu tư

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 260 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 6.480 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp cấp mới tăng 9,3%, số vốn đăng ký tăng 24,4%; 120 doanh nghiệp quay trở lại thị trường; còn 115 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, 40 doanh nghiệp giải thể tự nguyện. 

Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cho 12 dự án, trong đó, có 11 dự án trong nước với số vốn đăng ký là 252,39 tỷ đồng và 1 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 6,5 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có tổng số 607 dự án; trong đó, 102 dự án đầu tư trong các khu công nghiệp.

2.7. Công tác quản lý về xây dựng, quy hoạch kiến trúc, quản lý nhà và thị trường bất động sản, công tác phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật được đẩy mạnh; đến nay, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 28,99%. Công tác quản lý đầu tư xây dựng và quản lý các công trình giao thông được chú trọng; công tác quản lý vận tải đường bộ, đường thủy và quản lý phương tiện, đào tạo sát hạch lái xe tiếp tục được tăng cường. Công tác quản lý về tài nguyên - môi trường tiếp tục được thực hiện tốt.

II. Tình hình Văn hóa - Xã hội 

1. Công tác giáo dục và đào tạo 

Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, trường học tập trung triển khai thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện đúng chương trình dạy và học theo quy định. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường năm học 2020 - 2021 đối với cấp THCS và cấp THPT; chỉ đạo các đơn vị, trường học xây dựng kế hoạch và tổ chức cho giáo viên hướng dẫn học sinh, sinh viên, học viên học tập tại nhà trong thời gian nghỉ học để phòng tránh dịch Covid-19.

2. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tiếp tục được đảm bảo. Tích cực triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ động giám sát các bệnh truyền nhiễm gây dịch trên địa bàn, đặc biệt là trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19; đã khẩn trương triển khai rà soát, xác minh, truy vết, tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm đúng quy định các trường hợp trở về từ ổ dịch, vùng dịch theo thông báo khẩn của Bộ Y tế, các địa phương và người liên quan. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ địa bàn. Triển khai thực hiện tiêm vắcxin Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên trên địa bàn tỉnh (1). Tính đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận 51 trường hợp dương tính với viruts SARS-CoV-2, trong đó có 37 trường hợp đã được điều trị khỏi, cho ra viện, còn 14 trường hợp đang được cách ly, điều trị.

3. Hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao 

Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, cổ động, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhất là các hoạt động, chương trình mừng Đảng - mừng Xuân, kỷ niệm các ngày lễ lớn và phục vụ các sự kiện chính trị của đất nước, địa phương như tổ chức thành công Ngày hội Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình tại Hà Nội chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các chương trình với chủ đề bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; công tác thể dục - thể thao, lĩnh vực gia đình tiếp tục được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm. 

4. Lao động việc làm, đảm bảo an sinh xã hội

6 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm trong nước cho 8.327 người, đạt 52% kế hoạch năm; xuất khẩu lao động được 107 người, đạt 33,4% kế hoạch năm; đã tuyển sinh đào tạo được 4.299 người, đạt 28,66% kế hoạch năm.

Các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa; các chính sách trợ cấp thường xuyên và trợ cấp một lần đối với người có công đảm bảo được giải quyết kịp thời; kế hoạch. Thực hiện đầy đủ các chính sách đối với các đối tượng chính sách xã hội và người nghèo.

Công tác cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết các chế độ, chính sách cho người tham gia kịp thời. Ước đến hết ngày 30/6/2021, tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) là 86.100 người; tổng số người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) là 821.000 người (đạt 94,8% dân số toàn tỉnh); tổng số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 64.500 người.

5. Hoạt động thông tin và truyền thông, phát thanh và truyền hình được tăng cường, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được triển khai ứng dụng mạnh mẽ, có hiệu quả, góp phần phục vụ cải cách hành chính của các cấp, các ngành.

6. Công tác quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được triển khai tích cực. Các hoạt động sáng kiến, sáng tạo, sở hữu trí tuệ và quản lý công nghệ vào sản xuất tiếp tục được quan tâm.

7. Các lĩnh vực văn hóa xã hội khác đều có bước phát triển so với cùng kỳ năm trước, đời sống tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao. 

III. Xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, thanh tra, tư pháp 

1. Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức và xây dựng chính quyền 

Tổ chức bộ máy và hoạt động của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và các huyện, thành phố cơ bản ổn định. Tiếp tục triển khai sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức thực hiện giải thể Sở Ngoại vụ.

Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được các cấp, các ngành quan tâm. Nhìn chung, diễn biến của cuộc bầu cử diễn ra thuận lợi, đúng quy định. Tỷ lệ cử tri đã đi bầu cử trên toàn tỉnh đạt 99,05%, trong đó có 5/10 huyện, thành phố đạt 100%.

Tổ chức công bố, triển khai thực hiện Nghị quyết số 1189/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  thành lập phường Quỳnh Lâm và phường Trung Minh thuộc thành phố Hòa Bình. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai thực hiện Dự án "Thành lập Bản đồ hành chính tỉnh Hòa Bình”.

2. Công tác cải cách hành chính 

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt và toàn diện, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong tỉnh. 

3. Công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo 

Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 33 cuộc thanh tra hành chính, 9 cuộc thanh tra, 52 cuộc kiểm tra về việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn, kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của sở,  ngành; đã kết thúc 7 cuộc thanh tra, ban hành 7 kết luận thanh tra hành chính và kết thúc 4 cuộc thanh tra, 51 cuộc kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện sai phạm về tiền 52,21 tỷ đồng, trong đó quyết định thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 27,32 tỷ đồng, giảm trừ khi thanh toán 24,89 tỷ đồng; tiến hành lập 111 biên bản vi phạm hành chính và quyết định xử phạt với số tiền 833,8 triệu đồng.

Đã có 388 đoàn với 427 lượt người đến Trụ sở tiếp dân để khiếu nại, tố cáo, đề nghị, phản ánh (trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức tiếp 9 đoàn với 15 lượt người); tại nơi tiếp công dân công tác giữ gìn an ninh trật tự được đảm bảo an toàn.

IV. Quốc phòng, an ninh và đối ngoại

Các lực lượng chức năng luôn thực hiện nghiêm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu. Công tác xây dựng lực lượng tiếp tục được nâng cao. Tổ chức  lễ giao quân năm 2021 theo đúng kế hoạch, hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao. 

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các phương án, kế hoạch đảm bảo an toàn các mục tiêu, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội. Tình hình an ninh chính trị ổn định, về tình hình tội phạm đã xảy ra 374 vụ phạm pháp hình sự, khám phá làm rõ 349 vụ, đạt tỷ lệ 93,32%. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông và tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm an toàn giao thông. 

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại và mở rộng quan hệ quốc tế đã góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại; hợp tác đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Báo cáo cũng chỉ ra 11 khó khăn, hạn chế, nguyên nhân và 18 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2021; trong đó một số giải pháp chủ yếu cần thực hiện đó là:

1. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021. 

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh. Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

 2. Tập trung xây dựng Quy hoạch tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Triển khai quyết liệt các biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tiếp tục theo dõi, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. 

3. Thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, thủ tướng chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Tập trung xử lý các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh. 

4. Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nhằm tăng thu  ngân sách Nhà nước, trong đó tập trung huy động các nguồn thu từ thuế, phí, nguồn thu từ đất; khai thác hiệu quả nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản; quan tâm và đôn đốc thu nợ đọng thuế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ các khoản chi. 

Ngoài ra, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ số 63/NQ-CP, ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

PHẦN THỨ HAI:
Tình hình thực hiện nhiệm vụ thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2021

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ THU, CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 6 THÁNG ĐẦU NĂM

1. Thu ngân sách Nhà nước (NSNN)

Thực hiện thu NSNN 6 tháng đầu năm đạt 2.029 tỷ đồng; bằng 47% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 40% Nghị quyết HĐND tỉnh, tăng 44% so với thực hiện cùng kỳ, trong đó, thu nội địa đạt 1.801,1 tỷ đồng; bằng 43% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; đạt 37% Nghị quyết HĐND tỉnh, bằng 139% so với thực hiện cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu đạt 227,8 tỷ đồng; bằng 114% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 91% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, bằng 206% so với cùng kỳ. 

Thu NSNN khối huyện, thành phố đạt khá, đến ngày 30/6/2021, nhiều đơn vị thực hiện đạt kết quả cao so với dự toán UBND tỉnh giao, như huyện Lạc Thủy đạt 72%, huyện Cao Phong bằng 60%; thành phố Hòa Bình đạt 55%. Nếu chỉ tính thu từ khoản thuế, phí thì tính đến hết tháng 6/2021, huyện Lạc Thủy bằng 127%; huyện Yên Thủy 103%; huyện Tân Lạc 84%; huyện Cao Phong 74%; thành phố Hòa Bình 70%..., tuy nhiên, tiến độ thu tiền sử dụng đất còn chậm, mới đạt 21% dự toán giao, trong đó, huyện Mai Châu chưa phát sinh thu tiền thu sử dụng đất, huyện Lạc Sơn đạt 1%, huyện Tân Lạc bằng 3%...

2. Thu ngân sách địa phương

Thực hiện thu ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm đạt 5.679,2% tỷ đồng, bằng 48% so với dự toán TTCP giao, đạt 45% Nghị quyết HĐND tỉnh, bằng 99% so với cùng kỳ, bao gồm: 

- Thu điều tiết hưởng theo phân cấp 1.632,9 tỷ đồng, bằng 41% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và 35% Nghị quyết HĐND tỉnh, bằng 146% so với thực hiện cùng kỳ. 

- Thu bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương 2.950 tỷ đồng, bằng 58% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và Nghị quyết HĐND tỉnh. 

- Thu bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương 679,1 tỷ đồng, bằng 24% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và nghị quyết HĐND tỉnh.

- Thu chuyển nguồn từ năm 2020 sang 414,3 tỷ đồng.

- Thu ngân sách cấp dưới nộp lên 2,3 tỷ đồng. 

3. Chi ngân sách địa phương

Thực hiện 6 tháng đầu năm đạt 5.667,3 tỷ đồng, bằng 48% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 45% Nghị quyết HĐND tỉnh, bằng 93% so với thực hiện cùng kỳ, trong đó: chi đầu tư phát triển 466 tỷ đồng, chi thường xuyên 4.174,9 tỷ đồng, chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu 1.024,5 tỷ đồng, chi bổ sung Quỹ Dự trữ tài chính 1,3 tỷ đồng, chi trả nợ lãi vay 0,7 tỷ đồng.

Chi ngân sách đã đáp ứng được nhu cầu chi hoạt động của các cấp, các ngành, kinh phí thực hiện một số chế độ chính sách an sinh xã hội.

Ngân sách các cấp đã bố trí khoảng 40 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; từ nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương cùng với ngân sách địa phương đã bố trí kinh phí phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp hơn 40,5 tỷ đồng; phối hợp với Cục Dự trữ nhà nước khu vực Hà Nội hỗ trợ hơn một nghìn tấn gạo cho hơn 14 nghìn học sinh khu vực khó khăn…

4. Tình hình sử dụng nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh

Nguồn dự phòng ngân sách tỉnh được giao đầu năm là 83,9 tỷ đồng, trong những tháng đầu năm được quản lý chặt chẽ, số đã sử dụng tính đến hết ngày 30/6/2021 là 32 tỷ đồng, bằng 38% dự toán giao, bao gồm:

- Chi phòng, chống dịch Covid-19 (mua vật tư hóa chất, thực hiện giãn cách xã hội, chi trả phụ cấp trực…) 25,7 tỷ đồng. 

- Chi phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm 2,9 tỷ đồng.

- Chi khắc phục hậu quả thiên tai 3 tỷ đồng.

- Chi tập luyện đi biểu diễn động viên bộ đội Trường Sa, Nhà Giàn DK1 300 triệu đồng.

II. ƯỚC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ THU, CHI CẢ NĂM 2021

Qua đánh giá tình hình thực hiện trong những tháng đầu năm, có thể thấy việc thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Thu NSNN ở mức khá, tăng 44% so với cùng kỳ, nhiều chỉ tiêu sắc thuế đạt mức cao. Riêng thu tiền sử dụng đất đạt thấp so với kế hoạch, bằng 20% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 17% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh.

Với kết quả thực hiện thu, chi ngân sách những tháng đầu năm, trên cơ sở những thuận lợi, khó khăn đã phân tích ở trên, với sự nỗ lực triển khai thực hiện của các ngành, các cấp, sự quyết liệt của BCĐ đôn đốc thu nộp ngân sách trong giải quyết vướng mắc liên quan đến thu tiền sử dụng đất, dự kiến thu chi ngân sách cả năm 2021 sẽ đạt 100% kế hoạch được giao tại Nghị quyết số 333/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh khóa XVI, Kỳ họp thứ 18 về quyết định dự toán ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2021. 
PHẦN THỨ BA: 
Tờ trình về việc phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 tỉnh Hòa Bình.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh Hòa Bình được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 331/NQ -HĐND ngày 9/12/2020 với 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu; trong đó các chỉ tiêu liên quan đến GRDP của tỉnh (gồm: tốc độ tăng trường GRDP, GRDP bình quân đầu người, tổng đầu tư toàn xã hội, năng suất lao động) được xây dựng trên cơ sở số liệu ước tính tăng trưởng năm 2020 của tỉnh. 

Thực hiện quy định tại Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 23/4/2021, Tổng cục Thống kê đã thông báo số liệu tăng trưởng GRDP năm 2019 và sơ bộ năm 2020; tuy nhiên số liệu GRDP năm 2020 tại kỳ công bố này đã có sự khác biệt tương đối lớn so với số liệu ước tính (số liệu dùng để xây dựng kế hoạch năm 2021, trình HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ 18), cụ thể kết quả tốc độ tăng trưởng GRDP có tăng từ 3,59% lên 3,7%, tuy nhiên tổng GRDP giá so sánh và giá hiện hành đều giảm mạnh, tương ứng từ 31.214,93 tỷ đồng xuống 29.350,8 tỷ đồng và từ 55.601,8 tỷ đồng xuống 51.962,3 tỷ đồng. Qua đó kết quả các chỉ tiêu liên quan đến GRDP đều giảm so với số đã báo cáo (nội dung này đã được trình bày chi tiết tại báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020).  Với việc số liệu năm gốc 2020 đã có sự thay đổi như vậy nên việc điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021, đặc biệt là một số chỉ tiêu kinh tế liên quan đến số liệu GRDP để đảm bảo tính khả thi là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng tiếp tục phải chịu tác động tiêu cực từ dịch  Covid-19.

Cụ thể các nội dung điều chỉnh như sau: 

1. Về các chỉ tiêu kinh tế

- GRDP bình quân đầu người 65,6 triệu đồng/người (số đã giao tại Nghị quyết số 331 là 69,7 triệu đồng/người).

- Tổng đầu tư toàn xã hội 18.230 tỷ đồng (số đã giao tại NQ số 331 là 19.390 tỷ đồng).

- Năng suất lao động đạt 102,3 triệu đồng/lao động (số đã giao tại NQ số 331 là 108,8 triệu đồng/lao động).

2. Cân đối vốn đầu tư phát triển

Dự báo tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 18.230 tỷ đồng, tăng 3,2% so với thực hiện năm 2020 và bằng khoảng 32%GRDP theo giá hiện hành. 

Chi tiết tại Tờ trình số 139/TTr-UBND, ngày 13/7/2021 của UBND tỉnh, đề nghị các đại biểu nghiên cứu.

UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

Xin trân trọng cảm ơn!

(1) Đã thực hiện tiêm được cho 1.855 lượt người đợt 1, 6.171 lượt người đợt 2 và 20.196 lượt người đợt 3.
 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục