(HBĐT) - Sao OCOP là đại lượng thể hiện chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường. Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh có 70 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 và 4 sao. Tuy nhiên, đến nay, duy nhất 1 sản phẩm được nâng hạng từ 3 lên 4 sao là sản phẩm cam quả quà tặng cao cấp của HTX 3T nông sản Cao Phong (Cao Phong). Đặc biệt, tỉnh chưa có sản phẩm đạt 5 sao (cấp quốc gia).


Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong trồng cam theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.

Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong chia sẻ: HTX chúng tôi xác định sao OCOP là thước đo đánh giá chất lượng, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Hạng sao càng cao người tiêu dùng càng tin tưởng. Vì vậy, ngay sau khi sản phẩm cam quà tặng cao cấp đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, HTX đã quyết tâm nâng cấp sản phẩm để tham gia đánh giá, phân hạng lại. Trong đó, HTX ký hợp đồng kinh tế với các đối tác tiêu thụ sản phẩm là siêu thị Lotte; hoàn thiện hợp đồng hợp tác dây chuyền sơ chế, bảo quản sau thu hoạch với trường Đại học Khoa học tự nhiên. Ngoài ra, cam quả được trồng hoàn toàn theo hướng hữu cơ; mẫu mã, bao bì cải tiến, bắt mắt người tiêu dùng… Các tiêu chuẩn được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của sản phẩm OCOP hạng 4 sao nên tại hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020, sản phẩm cam quà tặng cao cấp của HTX đủ điều kiện nâng lên hạng 4 sao cấp tỉnh.

Sự nỗ lực nâng sao cho sản phẩm cam quà tặng cao cấp của HTX 3T nông sản Cao Phong được Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá cao. Chất lượng tốt, mẫu mã, bao bì đẹp là lợi thế để cam quà tặng cao cấp chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Năm 2021, HTX 3T nông sản Cao Phong làm thêm hồ sơ hợp đồng kinh tế tiêu thụ với hệ thống siêu thị Vinmart, đầu tư dây chuyền rửa cam …

Mặc dù nâng sao cho sản phẩm OCOP góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, đa số các chủ thể OCOP chưa chủ động trong việc nâng sao OCOP. Theo chia sẻ của các chủ thể, nguyên nhân chính để nâng sao các cơ sở cần nhiều vốn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, cải tiến quy trình sản xuất, cải thiện mẫu mã, bao bì theo tiêu chuẩn cao. Mặt khác, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, giá cước vận chuyển cao nên chủ thể còn e ngại, sợ đầu tư không thu hồi được vốn. Ngoài ra, các chủ thể OCOP thiếu sự liên kết vùng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử còn ít.

Năm nay, cùng với việc khuyến khích các địa phương lựa chọn những sản phẩm tiềm năng, đặc trưng, sản phẩm truyền thống đăng ký tham gia Chương trình OCOP, tỉnh khuyến khích các chủ thể tích cực nâng sao cho sản phẩm đã được chứng nhận OCOP trong những năm qua. Tuy vậy, trong 33 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm nay chỉ có 2 sản phẩm đăng ký nâng cấp sao từ 2 lên 4 sao, gồm: Cao cà gai leo Yên Thủy, chủ thể HTX nông lâm nghiệp Bảo Hiệu; nước uống Mường Động của Công ty TNHH Namiwa Kim Bôi. Vẫn chưa có sản phẩm OCOP đề nghị T.Ư xem xét, công nhận đạt 5 sao.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 80 danh mục sản phẩm, dịch vụ tham gia chương trình được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 5 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 20 sản phẩm đạt 4 sao. Để đạt được mục tiêu, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chương trình; củng cố, phát triển các tổ chức kinh tế tham gia; ứng dụng khoa học công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử. Các cấp, ngành cần có chính sách cụ thể hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của chủ thể. Các chủ thể sản xuất cũng cần chủ động, mạnh dạn huy động nguồn lực để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, nâng cao chất lượng, cải tiến bao bì, mẫu mã… Sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 5 sao góp phần khẳng định thương hiệu, đưa sản phẩm tới những thị trường lớn, tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Thu Thủy


Các tin khác


Những người lính cựu tiên phong làm kinh tế ở huyện Lạc Sơn

(HBĐT) - Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Lạc Sơn hiện có 25 cơ sở Hội (có 1 Hội khối 487), 255 chi hội với trên 8.000 hội viên. Phần lớn CCB hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội trở về địa phương hoàn cảnh gia đình đều khó khăn, ít người có lương, thiếu vốn sản xuất, thiếu việc làm, không có nghề nghiệp, sức khỏe yếu, bệnh tật, vết thương tái phát.

Huyện Lương Sơn: Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản cho nông dân

(HBĐT) - Huyện Lương Sơn đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 nên việc lưu thông, tiêu thụ nông sản (TTNS) bị hạn chế. Huyện đang nỗ lực tìm giải pháp tiêu thụ một số nông sản như nhãn, lợn hơi cho nông dân.

Thiết lập “vùng xanh” cho sản xuất

Hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy đã bị gián đoạn do dịch Covid-19, nguy cơ mất đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng với doanh nghiệp (DN) đã cận kề. Chính vì vậy, cộng đồng DN khẩn thiết kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, ưu tiên đẩy nhanh tiêm vaccine cho lực lượng lao động (NLĐ) tại các nhà máy, khu công nghiệp, thiết lập các "vùng xanh sản xuất”, tạo điều kiện cho DN duy trì hoạt động thông suốt, an toàn và tiếp tục trụ vững qua khó khăn trước mắt.

Ưu tiên tạo ''luồng xanh'' để đẩy nhanh lưu thông, tăng cung ứng thực phẩm

Ưu tiên tạo "luồng xanh” để đảm bảo cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa được lưu thông thuận lợi; kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hóa do hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi cung ứng, nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội vẫn là những giải pháp đang được các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện.

Huyện Lương Sơn chú trọng công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị

(HBĐT) - Xác định công tác quy hoạch luôn đi trước trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, trong những năm qua, công tác quy hoạch, phát triển đô thị trên địa bàn huyện Lương Sơn luôn được các cấp,  ngành và Nhân dân quan tâm, nhất là sau khi thị trấn Lương Sơn và khu vực mở rộng được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV năm 2019. Kết cấu hạ tầng đô thị được tập trung đầu tư xây dựng cùng với việc phát triển hạ tầng xã hội, hệ thống dịch vụ công cộng và nhà ở đã góp phần mang lại diện mạo khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu đời sống tốt hơn cho Nhân dân trong huyện.

Mô hình trồng na Thái mang lại hiệu quả kinh tế cao

(HBĐT) - Sinh ra và lớn lên tại xã vùng 135 của huyện Yên Thủy, anh thanh niên Bùi Văn Chựng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây na Thái về đất đội 3, xã Bảo Hiệu - một loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục