Hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy đã bị gián đoạn do dịch Covid-19, nguy cơ mất đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng với doanh nghiệp (DN) đã cận kề. Chính vì vậy, cộng đồng DN khẩn thiết kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, ưu tiên đẩy nhanh tiêm vaccine cho lực lượng lao động (NLĐ) tại các nhà máy, khu công nghiệp, thiết lập các "vùng xanh sản xuất”, tạo điều kiện cho DN duy trì hoạt động thông suốt, an toàn và tiếp tục trụ vững qua khó khăn trước mắt.
Công nhân Công ty TNHH Stronics Việt Nam, Khu công nghiệp Đình Trám (Bắc Giang) sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử. (Ảnh chụp trước ngày 27/4)
Nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng
Theo kiến nghị của các DN, hiệp hội, đẩy nhanh tiêm vaccine cho NLĐ là giải pháp căn cơ nhất để thực hiện "mục tiêu kép” vừa kiểm soát dịch Covid-19, vừa duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm và thu nhập cho NLĐ. Đặc biệt, trong bối cảnh DN đang phải đối mặt với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng thì việc tiêm vaccine lại càng cấp bách.
Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội DN điện tử Việt Nam (VEIA) Đỗ Thị Thúy Hương chia sẻ: Nhiều năm nay, ngành công nghiệp điện tử giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế khi chiếm tỷ trọng gần 18% toàn ngành công nghiệp, đồng thời đóng góp 30 đến 40% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2020, xuất khẩu điện tử đạt gần 92 tỷ USD, chiếm 34,05% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và xuất siêu 17,7 tỷ USD. Sáu tháng đầu năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, xuất khẩu điện tử vẫn đạt gần 49 tỷ USD, dẫn đầu trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ngành điện tử cũng phải đối mặt với nguy cơ lớn đứt gãy chuỗi cung ứng. Hàng loạt cứ điểm sản xuất của các DN đứng đầu chuỗi cung ứng toàn cầu tại khu vực phía nam (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai) đã phải đóng cửa do dịch bệnh lây lan mạnh.
Trong khi đó, hoạt động của các cứ điểm tại phía bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh) dù đang dần hồi phục, nhưng cũng không bảo đảm được năng suất theo yêu cầu và vẫn đối mặt với nguy cơ dịch bệnh rình rập tái phát. Trước khả năng chậm hồi phục sản xuất, các DN đầu chuỗi đang có xu hướng tìm kiếm và dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia khác.
Thí dụ, Apple đang tiếp tục tìm đối tác sản xuất mới dù nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất của tập đoàn này đã có nhà máy hoạt động tại Bắc Giang từ cuối năm 2020. Samsung cũng có dấu hiệu tìm kiếm đối tác gia công mới ngoài Việt Nam. Nếu tình hình sản xuất bị tê liệt kéo dài và chậm hồi phục trở lại, DN sẽ mất những đơn hàng trị giá hàng chục tỷ USD và nguy hại hơn là khả năng bị loại dần khỏi chuỗi cung ứng. Khi đó, bao nhiêu công sức thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao, có giá trị lan tỏa mạnh mẽ sẽ "đổ xuống sông, xuống biển”. "Để cứu lấy DN cũng như chuỗi cung ứng, giải pháp căn cơ nhất lúc này là cho NLĐ ngành điện tử được tiêm vaccine sớm và nhanh nhất có thể”, bà Hương kiến nghị.
Diễn biến tương tự cũng đang xảy ra với ngành dệt may. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm, nguy cơ nhiều DN không thực hiện được đơn hàng, giao hàng chậm hoặc bị khách hủy đơn rất lớn. Nếu không kiểm soát được dịch bệnh, từ nay đến cuối năm, ngành dệt may có thể sẽ mất 5 đến 6 tỷ USD doanh thu. DN sẽ vừa tổn thất cả về kinh tế lẫn uy tín khi nhiều khách hàng chuyển đơn sang nước khác.
Do đó, DN kiến nghị Chính phủ xem xét ưu tiên tiêm vaccine cho NLĐ trong các nhà máy, khu công nghiệp, đội ngũ lái xe vận tải,… bên cạnh ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu. DN sẵn sàng đóng góp chi phí để đẩy nhanh việc khai thác nguồn cung cũng như tiến độ tiêm chủng.
Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT Technology) - Hà Nội (Ảnh chụp trước ngày 27/4). Ảnh: THANH HÀ
Mở rộng "vùng an toàn”
Tổng hợp đề xuất từ hơn 30 hiệp hội DN, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính) cũng kiến nghị, tiêm vaccine là giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay để hỗ trợ DN vượt qua thách thức dịch bệnh. Ban IV đề xuất quan điểm quy trách nhiệm về mở rộng "vùng an toàn”, thay vì quy trách nhiệm về mức độ lây lan dịch bệnh cho địa phương.
Trong bối cảnh dịch xuất hiện trên diện rộng, lây lan mạnh ở nhiều địa phương thì nên thiết lập, mở rộng "vùng xanh” sản xuất để duy trì nhịp độ sản xuất, kinh doanh, bảo vệ nguồn lực xã hội, duy trì đời sống cho người dân. Chính phủ có thể giao chỉ tiêu cho các địa phương về tỷ lệ mở rộng "vùng bình thường” (đã được tiêm vaccine ở tỷ lệ cao).
Trên cơ sở đó, chính quyền các địa phương sẽ chủ động hơn trong việc tính toán, sử dụng hiệu quả nguồn lực để tổ chức tiêm cho NLĐ trong các nhà máy, cho đội ngũ lái xe vận tải,… rồi tiến tới mục tiêu tiêm diện rộng để bình thường hóa các hoạt động đời sống, kinh tế - xã hội. Đây là cách làm hiệu quả thay vì phân bổ "chia đều mũi tiêm cho từng cấp hành chính” như hiện nay.
Vừa qua, Chính phủ ưu tiên tiêm vaccine cho một số DN tại Bắc Giang, Bắc Ninh kịp thời, tuy nhiên, số lượng NLĐ được tiêm còn thấp, tỷ lệ trong từng DN cũng không cao nên hiệu quả vẫn hạn chế. Theo thống kê của VEIA, tỷ lệ NLĐ ngành điện tử được tiêm vaccine mới đạt dưới 1%. Thời gian tới, cần áp dụng nguyên tắc tiêm đến đâu gọn đến đấy để nhanh chóng thiết lập được các "vùng xanh” sản xuất. Khi công nhân được tiêm vaccine, việc tổ chức sản xuất của DN sẽ an toàn và thuận lợi hơn rất nhiều, đóng góp hiệu quả "mục tiêu kép”.
Cách phân bổ vaccine kiểu "xôi đỗ” hiện nay rất khó để tạo ra các "vùng xanh” sản xuất cần thiết. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tiêm chủng để quá trình này diễn ra nhanh, rộng và khoa học hơn. Nhiều nơi, người dân đi tiêm vẫn phải xếp hàng dài để khai báo trên giấy dẫn đến việc triển khai vừa chậm, khó quản lý lại tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao. Các nền tảng công nghệ chống dịch mới được phát triển cần được ứng dụng rộng rãi hơn nữa, thậm chí trở thành yêu cầu bắt buộc các địa phương phải thực hiện.
Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) Nguyễn Phúc, tại Bình Dương hiện có nhiều DN đang thực hiện tốt "Ba tại chỗ” và giữ vững được "trận địa” (không có ca F0 trong nhà máy). Đáng mừng hơn, Bình Dương cũng bắt đầu phân bổ tiêu chuẩn tiêm vaccine cho các DN. Tuy nhiên, công nhân vẫn phải đến các điểm tiêm tập trung hàng nghìn người, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm chéo.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, việc giữ vững hoạt động sản xuất an toàn với hàng trăm công nhân là quá trình hết sức gian nan. Những "công nhân sạch” là tài sản quý báu nhất, nguồn nuôi sống các DN.
Do đó, ông Phúc nêu quan điểm, các địa phương tổ chức nhân lực, trang thiết bị để triển khai đội tiêm chủng lưu động đến từng nhà máy. Nếu không đủ, có thể huy động y tế tư nhân tham gia và DN sẵn sàng chi trả các khoản chi phí cần thiết; hoặc tổ chức các điểm tiêm tập trung, nhưng chia thời gian cụ thể để từng DN lần lượt đưa công nhân đến tiêm dứt điểm. Việc phân bổ cho mỗi DN chỉ tiêu nhỏ lẻ như hiện nay đem lại hiệu quả rất thấp.
Cơ quan quản lý nên ưu tiên, dồn lực tiêm dứt điểm từng DN để hình thành các "nhà máy xanh” (tất cả công nhân đều được tiêm vắc-xin), tiến tới mở rộng thành các "khu sản xuất, khu công nghệ xanh”, tạo điều kiện giúp DN tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất hiệu quả, an toàn trong trạng thái bình thường mới.
Theo Báo Nhân Dân
(HBĐT)- Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển và khuyến khích phát triển doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, trong giai đoạn 2018-2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực để thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng như triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy DN hoạt động hiệu quả, qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong hoạt động khởi nghiệp, kinh doanh.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là hiệp định toàn diện, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và Liên hiệp châu Âu (EU). Nhìn lại một năm thực thi EVFTA, hiệp định này đã mang đến những trái ngọt trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và EU, đồng thời tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ song phương phát triển trong thời gian tới.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông nghiệp qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 11/8, trả lời báo chí về vấn đề lãi suất, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo giảm lãi suất, năm 2020 giảm lãi suất cho vay cho cả hệ thống là 1,2% - 1,5% so với mức trước đó và đầu năm 2021 giảm thêm 0,5%.
(HBĐT) - Thời điểm này, một số nông sản chủ lực của tỉnh bước vào vụ thu hoạch. Để nông sản được tiêu thụ nhanh, đúng thời điểm, đảm bảo sản lượng, chất lượng và giá cả, ngành NN&PTNT đang nỗ lực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tư thương trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết tiêu thụ nông sản (TTNS) phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch (PCD) Covid-19.
(HBĐT0 - Dự án Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng (NMTĐHB) đang trong giai đoạn chạy đua với thời gian, trên công trường, hàng trăm phương tiện ô tô, xe lu, máy xúc ngày đêm hoạt động với kế hoạch đề ra bắt buộc phải hoàn thành một số hạng mục trong khoảng hơn 10 ngày tới, trước khi hồ Hoà Bình tích nước, nếu chậm tiến độ, thiệt hại đối với công trình rất lớn.