Nhân viên Viettel Post Hòa Bình hướng dẫn thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, xã Xuân Thủy (Kim Bôi) những kỹ năng cần thiết khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
"Bệ đỡ” cho ngành nông nghiệp
Là tỉnh có thế mạnh để phát triển nông nghiệp, trong đó nông nghiệp có vai trò là trụ đỡ nền kinh tế của tỉnh. Vì vậy, việc phát triển HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, gắn với tiêu thụ sản phẩm; hướng đến mục tiêu tăng thu nhập cho nông dân trong tỉnh trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tạo động lực để HTX nông nghiệp phát triển, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch mang tính chiến lược, gồm: Kế hoạch số 142/KH-UBND, ngày 7/11/2018 về triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả”; Kế hoạch số 148/KH-UBND, ngày 21/11/2018 về phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đến năm 2020; Kế hoạch số 169/KH-UBND, ngày 26/12/2018 về phát triển HTX kiểu mới liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực quy mô lớn, có sức lan tỏa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025.
Để thực hiện hiệu quả các kế hoạch của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở NN&PTNT chủ động phối hợp Liên minh HTX tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đổi mới toàn diện cả về nội dung, hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản; phát triển đa dạng hình thức tổ chức hợp tác của nông dân, phù hợp với từng cơ sở, từng lĩnh vực. Đặc biệt, ngành nông nghiệp quan tâm gắn đổi mới và phát triển kinh tế tập thể với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Trung Huân, Giám đốc HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động (Kim Bôi) chia sẻ: Trước năm 2016, các hộ trồng cây ăn quả có múi tại xã Tú Sơn và một số xã khác của huyện Kim Bôi sản xuất riêng lẻ, không liên kết với nhau dẫn tới chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế chưa cao. Xuất phát từ nhu cầu liên kết giữa các hộ trồng cây ăn quả có múi đến từ nhiều xã của huyện Kim Bôi, tháng 9/2016, HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động được thành lập. HTX đẩy mạnh phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, xác định đây là phương thức sản xuất tốt nhất để thực hiện vai trò liên kết giữa HTX và các cửa hàng, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, HTX phát triển được trên 147 ha cây ăn quả có múi, trong đó, diện tích kinh doanh chiếm 50%; trên 77 ha được cấp chứng nhận VietGAP, 3,2 ha được chứng nhận hữu cơ. Ngoài ra, HTX xây dựng 1 nhà lưới để nhân giống cây với diện tích 1.000 m2. HTX quan tâm đầu tư trang thiết bị, dụng cụ thu hoạch, sơ chế sản phẩm, sọt đựng sản phẩm, giá, kệ hàng. Đặc biệt, HTX quan tâm tới hoạt động xúc tiến thương mại. Trung bình mỗi năm đón khoảng 120 đoàn khách tới thăm quan. Năm 2020, bưởi của HTX trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh, có tem truy xuất nguồn gốc, bao bì hấp dẫn người tiêu dùng.
Từ năm 2018 - 2020, toàn tỉnh có 12 HTX nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả phải giải thể hoặc chuyển sang hình thức khác; thành lập mới khoảng 100 HTX (vượt mức 100%). Số lượng HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt trên 66,89%. Toàn tỉnh có 75 HTX thực hiện liên kết với doanh nghiệp, 19 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 1 liên hiệp HTX nông nghiệp. Đa số các HTX hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt (chiếm 94,6%), còn lại là các HTX hoạt động về chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, một số HTX hoạt động mở rộng thêm các ngành nghề phi nông nghiệp và tổng hợp. Hiệu quả hoạt động của HTX không ngừng tăng, đến nay đạt trên 300 triệu đồng, thu nhập bình quân 1 lao động thường xuyên đạt 38 triệu đồng/năm.
Các dịch vụ HTX nông nghiệp cung ứng chủ yếu là vật tư, phân bón cho sản xuất; làm đất, thủy lợi, khuyến nông; cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, một số HTX tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, những HTX tiêu thụ trên 60% sản phẩm cho thành viên như: HTX nông nghiệp hữu cơ Lương Sơn, HTX Đà Giang… Bên cạnh đó, nhiều HTX bắt đầu thực hiện dịch vụ chế biến, bảo quản sản phẩm (HTX Hà Phong, HTX 3T nông sản Cao Phong, HTX Đà Giang). Các dự án tham gia chuỗi giá trị đã hình thành vùng tập trung đem lại năng suất, giá trị kinh tế cao, tiêu biểu là cam Cao Phong doanh thu khoảng 350 - 400 triệu đồng/ha; cá sông Đà, gà Lạc Sơn, gà Lạc Thủy, ngô ngọt Kim Bôi thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Nổi bật, các HTX nông nghiệp là chủ thể quan trọng trong thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Theo đánh giá của Sở NN& PTNT, các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò trong tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, thực hiện tốt vai trò liên doanh, liên kết, đảm bảo đầu vào, đầu ra ổn định cho nông dân, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập gắn với xây dựng NTM bền vững, tập trung hoàn thành các tiêu chí NTM về thu nhập, hộ nghèo, hạ tầng thủy lợi, tổ chức sản xuất.
Những rào cản cần tháo gỡ
Bên cạnh những kết quả đạt được, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều HTX nông nghiệp hoạt động chưa tương xứng với tiềm năng, nhiều HTX gặp khó khăn. Được biết, hiện nay, đa số HTX nông nghiệp cơ sở vật chất, kỹ thuật lạc hậu, xuống cấp trầm trọng. HTX nông nghiệp chiếm hơn 70% tổng số HTX, tuy nhiên, số lượng các HTX có trụ sở làm việc, hệ thống máy móc, thiết bị đảm bảo phục vụ các hoạt động giao dịch lại rất ít.
Ông Bùi Văn Miển, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy (Kim Bôi) trăn trở: Để hỗ trợ HTX mở rộng kênh tiêu thụ nhãn, vừa qua, Liên minh HTX tỉnh phối hợp Viettel Post Hòa Bình tổ chức hướng dẫn các thành viên HTX một số kỹ năng bán hàng online trên sàn giao dịch điện tử VOSO.vn, như: Cách thức tạo gian hàng trên sàn VOSO.vn, cập nhật thông tin sản phẩm và giá bán; quy cách đóng gói theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; cách chăm sóc khách hàng trên sàn thương mại điện tử. Song, để tiếp cận với công nghệ số, các thành viên của HTX còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Từ khi thành lập đến nay, do thiếu vốn nên HTX chưa có trụ sở, tất cả hoạt động giao dịch, ký hợp đồng kinh doanh với các đối tác đều thực hiện tại nhà hộ thành viên. Vì vậy, chúng tôi phải tổ chức họp trực tuyến tại sân vườn nhà hộ thành viên. Một số thành viên chưa có điện thoại thông minh để livestream bán hàng, số thành viên có thì kỹ năng sử dụng chưa thành thạo. Những khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại ảnh hưởng lớn tới việc tiếp cận công nghệ số trong bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh đó, đa số HTX nông nghiệp quy mô sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ, thiếu sự đột phá, không có tính bền vững, khả năng thích nghi với thiên tai, dịch bệnh kém. Số ít HTX còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Trình độ quản lý và điều hành của đội ngũ cán bộ HTX yếu, kinh nghiệm, kiến thức tổ chức sản xuất, nghiệp vụ kinh doanh kém. Nhiều HTX chưa thực hiện đầy đủ quy định của Luật HTX năm 2012 phải giải thể, hoặc hoạt động theo kiểu "bình mới rượu cũ”, không đáp ứng được nhu cầu hội nhập. Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lượng HTX thực hiện liên kết theo chuỗi rất ít. HTX nông nghiệp còn bị động trong tìm kiếm thị trường, thiếu sự phối hợp, liên kết với doanh nghiệp nên nông sản phải đối mặt với điệp khúc "được mùa mất giá”.
Những hạn chế trong phát triển HTX nông nghiệp dẫn tới khả năng thích ứng với những biến động của thiên tai, dịch bệnh còn kém. Dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều HTX nông nghiệp lúng túng trong thích nghi để vừa đảm bảo sản xuất, vừa phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, dịch bệnh làm các kênh tiêu thụ truyền thống qua tư thương bị tắc nghẽn dẫn tới nhiều nông sản gặp khó khăn trong tiêu thụ, giá thành giảm. Số lượng HTX nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử còn ít nên sức lan tỏa hàng hóa chưa cao.
Theo đồng chí Trần An Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp cần thường xuyên rà soát, đánh giá để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc. Đối với những HTX không đủ khả năng hoạt động thì phải giải thể. Khuyến khích tích tụ ruộng đất, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn để phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao giá trị sản phẩm bản địa, nhất là sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, sản xuất theo quy chuẩn, quy trình an toàn dịch bệnh, tiêu chuẩn VietGAP, định danh vùng trồng, chính danh hóa nhà sản xuất. Qua đó, vừa khai thác được lợi thế, tiềm năng vùng miền, vừa khai thác được lợi thế thích ứng của cây trồng, vật nuôi tại địa phương.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như: QR Code, sàn giao dịch điện tử, bán hàng online. Hệ thống hóa cơ sở dữ liệu kinh tế tập thể, sản phẩm của HTX, xây dựng phần mềm báo cáo, thông tin trực tuyến từ HTX đến Liên minh HTX tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam...
Thu Thủy
NHÓM Ý KIẾN:
* Thúc đẩy chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp
Trong quá trình hội nhập, chuyển đổi số (CĐS) là giải pháp quan trọng, là xu hướng tất yếu để HTX nông nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị. Đặc biệt, CĐS giúp HTX nông nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất và bán được sản phẩm nhanh nhất, giá cao nhất. Song, hiện nay tại tỉnh, quá trình thực hiện CĐS trong các HTX nông nghiệp diễn ra rất chậm. Vì vậy, thời gian tới, để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của HTX nông nghiệp, các cấp, ngành cần tập trung tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức về quá trình CĐS trong phát triển HTX nông nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể; cán bộ chủ chốt, thành viên HTX nông nghiệp, tổ chức các chuyên đề, hội thảo về CĐS. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, để HTX nông nghiệp thực sự là cầu nối, dẫn dắt nông dân trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến và tiêu thụ sản phẩm.
Hoàng Đình Chính
Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy
* Tăng nguồn lực vốn hỗ trợ
Sản phẩm mật ong của HTX ong mật Lâm Sơn đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. HTX đang có kế hoạch đầu tư trang thiết bị hiện đại, cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm và xây dựng trụ sở HTX; đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, HTX đang thiếu vốn do gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Ngân hàng bắt buộc phải có tài sản thế chấp, trong khi đó, tài sản của HTX không có gì, trụ sở chưa có, máy móc phục vụ sản xuất không đủ giá trị để thế chấp. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành có nhiều kênh cho HTX vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, để HTX đầu tư phát triển. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, trang bị kiến thức về tài chính, kế toán cho thành viên HTX, qua đó giúp tất cả thành viên nắm rõ những yêu cầu khi tiếp cận với các nguồn vốn vay ngân hàng, nguồn vốn hỗ trợ từ những chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước.
Lê Đình Khuê
Giám đốc HTX ong mật Lâm Sơn (Lương Sơn)