Siêu thị Vinmart, Trung tâm thương mại Vincom Plaza (TP Hòa Bình) đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân trên địa bàn thành phố không còn tâm lý hoang mang, lo lắng thiếu lương thực, thực phẩm như đợt bùng phát dịch đầu tiên. Tại 14 chợ dân sinh, 5 siêu thị, 3 trung tâm thương mại, 865 cửa hàng bán lẻ thực phẩm, tạp hóa nguồn hàng phong phú, dồi dào. Bên cạnh đó, hiện người dân hạn chế mua trực tiếp tại siêu thị, chợ dân sinh mà dần chuyển sang mua bán online nhằm hạn chế tập trung đông người, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch (PCD).
Chị N.T.Q, tổ 12, phường Tân Thịnh chia sẻ: Trước đây, do tâm lý hoang mang, nghe dịch bùng phát là tôi ra chợ mua gạo, thịt, rau… về dự trữ. Kết quả đến ngày hôm sau hàng hóa tại chợ, siêu thị vẫn dồi dào, giá cả ổn định; lương thực, thực phẩm mua dự trữ ăn cả tuần ăn không hết. Từ đó, tôi rút kinh nghiệm, dù dịch diễn biến phức tạp, tại các địa phương lân cận phát hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2, tôi cũng chỉ mua đủ dùng chứ không mua nhiều như trước, hết lại đi mua hoặc gọi điện siêu thị có nhân viên giao hàng tới tận nhà với nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trên cơ sở số dân, nhu cầu tiêu dùng, thói quen mua sắm và đặc điểm hệ thống phân phối, UBND thành phố đã đánh giá tình hình thị trường, cung ứng hàng hóa theo 5 cấp độ của dịch bệnh theo chỉ đạo của Sở Công Thương. Phòng Kinh tế ký hiệp đồng về cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn với 2 đơn vị cung ứng lớn là Công ty CP thương mại Định Nhuận và Công ty CP đầu tư Sơn Anh để cung ứng kịp thời hàng hóa, giá bán ổn định. UBND thành phố xây dựng kịch bản đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân trong thời gian có dịch và đảm bảo hàng hóa phục vụ khu vực cách ly. Theo đó, kịch bản trong thời gian có dịch cần chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm khoảng 30% so với nhu cầu bình thường của người dân trong 30 ngày, cụ thể: Gạo 2,52 nghìn tấn, thịt tươi sống 609 tấn, trứng gia cầm 2,1 triệu quả, dầu ăn 126 nghìn lít… Dự kiến đảm bảo hàng hóa phục vụ Nhân dân khu vực bị cách ly, theo giả định tình huống trong thời gian 14 ngày với định mức cho 1 người trong 14 ngày là: Gạo 8,4 kg, thịt tươi sống các loại 2,03 kg, trứng gia cầm 7 quả, muối ăn, bột canh 0,07 kg, rau xanh 4,48 kg, nước uống 28 lít…
Cùng với đó, thành phố chủ động đánh giá tình hình sản xuất, nguồn cung hàng hóa thiết yếu của thành phố. Nội lực của thành phố có thể cung cấp khoảng 1,6 nghìn tấn gạo/tháng, 2,1 nghìn tấn rau xanh/tháng, 466 tấn thịt lợn/tháng, 150 tấn gia cầm/tháng, 418 nghìn quả trứng/tháng, 142 tấn thủy sản/tháng. Đối với các mặt hàng mắm, muối, bột canh, dầu ăn, sản phẩm ăn liền tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn đã có kế hoạch dự trữ tăng khoảng 30%.
Đồng chí Bùi Quang Điệp, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình nhấn mạnh: UBND thành phố đã làm việc với UBND các xã, phường, cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, HTX nông nghiệp xác định nguồn hàng cung ứng và ký thỏa thuận nguyên tắc chung. Đồng thời, phối hợp các ngành chức năng điều tra, thống kê nguồn cung thực phẩm từ các tỉnh vào thành phố để hỗ trợ thủ tục trong việc cung cấp, vận chuyển hàng hóa. Điều chỉnh cơ cấu cây trồng vụ đông, chú trọng tới nhóm rau, củ, quả. Bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, phương án cung ứng, các đơn vị cung ứng từ chợ dân sinh tới siêu thị đều nghiêm túc thực hiện quy định PCD. Thành phố thường xuyên phối hợp các ngành, chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, nâng giá để trục lợi; bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thu Thủy