(HBĐT) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết trong vụ đông xuân 2021-2022 bị tác động của biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, có thể đi kèm nhiều đợt rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, chăn nuôi. Do đó, người chăn nuôi (NCN) cần chủ động dự trữ thức ăn, thực hiện các biện pháp để bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông.

 


Để chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn bò của gia đình, anh Bùi Văn Thản, xóm Rẽ Vơng, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) đã tích trữ rơm, trồng thêm cỏ voi và tiêm phòng đầy đủ cho bò.  

Hòa Bình là tỉnh miền núi nên mùa đông, thời tiết thường khắc nghiệt, đặc biệt ở một số xã vùng cao thuộc các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn. Thực tế, trước đây đã có những năm khi nhiệt độ xuống thấp dưới 100C xảy ra tình trạng trâu, bò bị chết rét, gây thiệt hại không nhỏ cho NCN. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ý thức bảo vệ vật nuôi trong mùa giá rét của người dân ngày càng được nâng lên. Nổi bật là NCN đã quan tâm đến trồng cỏ, dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và thú y (CN&TY) tỉnh, trong vụ đông xuân 2020-2021, toàn tỉnh trồng được trên 1.645 ha cỏ và ngô đông; dự trữ được trên 45 nghìn cây rơm. Do đảm bảo được nguồn thức ăn nên số lượng vật nuôi chết vì đói, rét giảm đáng kể so với những năm trước đây. Năm ngoái, toàn tỉnh chỉ có trên 20 con trâu, bò bị chết rét (chủ yếu là bê, nghé và trâu, bò già yếu), tập trung ở huyện Đà Bắc. 

Quyết Thắng là xã vùng sâu của huyện Lạc Sơn, có dãy núi Trường Sơn chạy qua nên thời tiết vào mùa đông khá khắc nghiệt. Đồng chí Bùi Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Chăn nuôi là một trong những hướng phát triển kinh tế đem lại thu nhập chính cho người dân trên địa bàn. Hiện, xã có tổng đàn trâu, bò trên 6 nghìn con; lợn 9,3 nghìn con và 146 nghìn con gia cầm. Để phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, UBND xã tăng cường tuyên truyền đến người dân, nhất là việc thu gom, dự trữ rơm rạ của vụ hè thu vừa qua. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất vụ đông, nhất là trồng ngô đông trên các cánh đồng để làm thức ăn cho gia súc khi thời tiết chuyển sang rét đậm, rét hại. Đến thời điểm này, diện tích sản xuất vụ đông của xã khoảng 80 ha. Ngoài ra, bà con cũng quan tâm đến việc trồng cỏ voi, với diện tích gần 38 ha.  

Gia đình anh Bùi Văn Thản, xóm Rẽ Vơng là hộ chăn nuôi có số lượng lớn so với bà con ở xã Quyết Thắng. Cách đây vài tháng, anh Thản đầu tư xây dựng chuồng trại khá rộng, quy mô nuôi 60 con. Hiện đã vào đàn hơn 10 con bò, gồm bò thịt và bò sinh sản. Để đảm bảo thức ăn cho bò, gia đình anh trồng 2 ha cỏ voi. Anh Thản cho biết: Vào mùa đông, cỏ voi phát triển chậm hơn nên để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò, gia đình tôi đã thu mua rơm rạ, cho ăn thêm thức ăn tinh, tiêm phòng đầy đủ cho bò để tăng sức đề kháng, phát triển tốt trong điều kiện thời tiết lạnh giá của mùa đông. 

Đồng chí Nguyễn Thị Phương Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY tỉnh cho biết: Để phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, mỗi hộ chăn nuôi trâu, bò cần có ít nhất một cây rơm, lượng thức ăn dự trữ đảm bảo bình quân 20 - 30 kg thức ăn thô xanh hoặc 5 - 7 kg rơm, cỏ khô/con/ngày. Bổ sung thức ăn tinh, các loại khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe cho đàn vật nuôi trong những ngày giá rét. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, tập trung phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Vận động NCN nuôi vỗ béo và bán thải loại những con gia súc già, yếu; di chuyển đàn trâu, bò thả rông trên rừng về nuôi nhốt tại chuồng trong những ngày giá rét. Khi nhiệt độ xuống dưới 12°C không nên cho trâu, bò làm việc hoặc chăn thả tự do mà nuôi nhốt tại chuồng để quản lý, chăm sóc. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin định kỳ, tẩy ký sinh trùng để nâng cao sức đề kháng, tạo miễn dịch phòng bệnh cho vật nuôi trước khi bước vào vụ đông.

 Viết Đào

Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục