Tỉnh phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức hội thảo thúc đẩy tiêu thụ nông sản thời kỳ dịch Covid-19 tháng 10/2021.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, BTV Tỉnh ủy cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém thực hiện nghị quyết "tam nông” của tỉnh. Trong đó, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường còn hạn chế. Theo đồng chí Chủ tịch UBND huyện Cao Phong Quách Văn Ngoan, thực hiện nghị quyết "tam nông”, đến nay, huyện có 4/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt 44,44% số xã. Theo lộ trình đến năm 2025, huyện phấn đấu về đích NTM. Việc xây dựng NTM ở huyện còn gặp khó khăn như: Nguồn lực đầu tư hạn chế, chủ yếu tập trung cho xây dựng cơ sở hạ tầng; chế biến nông, lâm, thủy sản phát triển chậm, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, huyện đang gặp khó trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm chủ lực là cam dù đã có chỉ dẫn địa lý, giá cam liên tục giảm, hiện huyện cũng bắt tay với một số đơn vị đưa sản phẩm cam lên sàn thương mại điện tử, dự kiến chỉ tiêu thụ được khoảng 5.000 tấn, bằng 1/4 sản lượng của huyện. Đời sống Nhân dân dù cải thiện nhiều nhưng còn nghèo, thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp thuần túy, giá trị gia tăng thấp, tích lũy để phát triển không được nhiều, khả năng đóng góp của Nhân dân hạn chế…, rất cần hỗ trợ về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho địa phương.
Câu chuyện liên kết tiêu thụ sản phẩm khó khăn còn diễn ra ở nhiều địa phương khác. Kết cấu hạ tầng KT-XH ở nhiều địa phương trong tỉnh còn thấp kém, lại luôn đứng trước rủi ro thiên tai, mưa lũ, trượt sạt. Đời sống của người dân dù đã cải thiện, song tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thiếu bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, đòi hỏi phải có những chính sách đồng bộ, hiệu quả về đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất...
Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế T.Ư về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh đã kiến nghị với T.Ư có cơ chế đặc thù cho nông thôn miền núi (NTMN), phát triển KT-XH ở những vùng khó khăn nhằm vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng, vừa phát triển KT-XH và đảm bảo sinh kế vùng đồng bào dân tộc; có chính sách mạnh mẽ hơn khuyến khích hỗ trợ các hoạt động đầu tư vào phát triển nông nghiệp, NTMN, hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi trong thực hiện các dự án phát triển kinh tế NTMN, tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, sản xuất cho NTMN…
Đảng bộ tỉnh đang tập trung triển khai các chương trình hành động thực hiện NQĐH Đảng lần thứ XIII, NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt mục tiêu: Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường. Phát huy lợi thế của mỗi tiểu vùng để tiếp tục phát triển các vùng chuyên canh tập trung. Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm đạt 4,5 - 5%; đến năm 2025, cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 15% cơ cấu kinh tế; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng cây hàng năm bình quân đạt 150 - 200 triệu đồng; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng cây lâu năm bình quân đạt 200 - 220 triệu đồng. Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM trên 70% và 50% huyện đạt chuẩn NTM. Tỷ lệ hàng hóa qua chế biến đạt trên 30%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 50 triệu đồng/năm...
BTV Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, ngành chức năng và địa phương quán triệt, thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW phù hợp điều kiện của tỉnh. Theo đó, chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM; phát triển nông nghiệp hàng hoá theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đẩy mạnh cơ giới hóa và phát triển công nghiệp chế biến; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ tại nông thôn; chủ động, tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp...
Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, phát huy tối đa sự năng động của cả hệ thống chính trị; nâng cao nhận thức người dân, doanh nghiệp để tập trung thực hiện chương trình xây dựng NTM. Tích cực huy động tổng hợp các nguồn lực phục vụ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, nhất là nguồn lực xã hội hóa. Củng cố kiện toàn các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thực hiện Chương trình OCOP; hình thành điểm, trung tâm, cửa hàng quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thành phố. Lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình cấp nước sạch tập trung cho các xã, cụm xã, khu đông dân cư. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng KT-XH nông thôn; phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho cư dân nông thôn.
Lê Chung