Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 11 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 43,5 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến cả năm có thể đạt 47 tỷ USD, tăng 5 tỷ USD so với kế hoạch đề ra. Trong khi đó, vượt qua sự bùng phát của các đợt dịch Covid-19, kết nối cung-cầu tiêu thụ nông sản trong nước năm 2021 cũng đạt nhiều thành quả đáng kể.


Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường (Kiên Giang). Ảnh: Trần Tuấn

Năm 2021 đánh dấu sự đổi mới, sáng tạo trong hoạt động chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với việc thành lập hai Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam và phía bắc trong điều kiện dịch Covid-19, kịp thời nắm bắt thông tin và xử lý những khó khăn, vướng mắc trong lưu thông, vận chuyển hàng nông sản, nhất là tại thời điểm nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Đa dạng hình thức kết nối cung-cầu

Ông Trần Minh Hải-Giám đốc Trung tâm Ðào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác (CCD) thuộc Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II, thành viên Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19 (Tổ công tác 970) cho biết: Sau khi được thành lập, Tổ công tác 970 đã ra mắt trang thông tin đăng ký kết nối cung cầu nông sản và hàng hóa các tỉnh phía nam https://htx.cooplink.com.vn với hàng nghìn đầu mối cung cấp nông sản. Tại thời điểm đó, hầu hết các tỉnh phía nam đều đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên các hoạt động giao thương hàng hóa bị đình trệ nghiêm trọng. Nhưng với việc vận hành trang web, ngay vào đỉnh điểm của dịch Covid-19, 300-400 tấn nông sản được tiêu thụ thành công mỗi ngày, cao điểm có ngày kết nối hơn 1.000 tấn nông sản. Thông qua kết nối các đầu mối nông sản, Tổ công tác đã phối hợp các doanh nghiệp, hợp tác xã ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ cung ứng hàng hóa theo yêu cầu của người dân thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương thông qua túi đặt hàng combo. Combo có nhiều mức giá khác nhau, từ 150.000 đến 300.000 đồng, thậm chí cao hơn theo yêu cầu của người đặt hàng. Đây là cách làm mới, sáng tạo, giúp nông dân, hợp tác xã hiểu rõ giá trị của liên kết sản phẩm, đóng gói hàng, chào hàng, chốt đơn hàng và giao hàng…, từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang làm kinh tế nông nghiệp. Cho đến nay, các đầu mối cung-cầu đăng ký vẫn tiếp tục được nhân lên hằng ngày, hằng giờ và gắn kết chặt chẽ hơn, chuyên nghiệp hơn, đưa người bán và người mua đến gần với nhau theo đúng nhu cầu một cách nhanh nhất.

Là người tham gia đăng ký đầu mối cung cấp nông sản ngay từ những ngày đầu, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) Nguyễn Quốc Cường chia sẻ: Vào cao điểm dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi vẫn nhận được khá nhiều đơn hàng, trong đó lớn nhất là đơn giao cách ngày cho một công ty thực phẩm ở tỉnh Đồng Nai, trị giá hơn 100 triệu đồng/đơn hàng, cùng các đơn hàng thường xuyên cho các chuỗi siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bến Tre, Tiền Giang… với trị giá khoảng 130 triệu đồng/ngày. Đồng thời, nhờ các kiến nghị từ Tổ công tác 970 với chính quyền các địa phương, xe vận chuyển hàng hóa cũng được lưu thông thuận lợi hơn, được cấp mã QR lưu thông vào luồng xanh ngay trong tâm dịch... Thông qua trang web, cho đến thời điểm này, chúng tôi đã kết nối được nhiều đầu mối tiêu thụ; đồng thời còn tìm được các nhà cung cấp vật tư nông nghiệp uy tín phục vụ sản xuất; thiết lập nhiều nhóm chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất và kinh doanh nông sản.

Đẩy mạnh kết nối nông sản toàn cầu

Trong đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát mạnh mẽ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp trong lưu thông, vận chuyển vật tư nông nghiệp, bố trí sắp xếp nhân lực hoạt động "ba tại chỗ” để không gián đoạn sản xuất, chế biến trong thời điểm giãn cách xã hội… Thời gian gần đây, ngành nông nghiệp liên tục tổ chức các cuộc họp trực tuyến phổ biến và hướng dẫn thực hiện các quy định mới về xuất, nhập khẩu của các thị trường trọng điểm như EU, Mỹ, Trung Quốc… Tính đến hết tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 43,5 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đã đạt hơn 19,3 tỷ USD, thủy sản đạt hơn 7,9 tỷ USD, lâm sản chính đạt khoảng 14,3 tỷ USD… Giá nông sản tăng là một trong những lý do khiến giá trị xuất khẩu của ngành tăng so với cùng kỳ năm 2020. Tăng cao nhất phải kể đến là hồ tiêu có giá trung bình 3.519,6 USD/tấn, tăng 54,4%; cao-su 1.670,3 USD/tấn, tăng 25,8%; cà-phê đạt 1.931,4 USD/tấn, tăng 10,7%; gạo đạt 528,1 USD/tấn, tăng 6,5%... Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu tăng cũng do các doanh nghiệp đã tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những kết quả đó còn có vai trò đặc biệt quan trọng từ việc ngành nông nghiệp đã chủ động linh hoạt thích ứng với diễn biến dịch Covid-19, duy trì sản xuất, bảo đảm nguồn cung dồi dào cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Thời gian tới, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản dự báo sẽ còn gặp nhiều thách thức, trong đó các hoạt động giao thương trực tiếp vẫn rất hạn chế. Chính vì vậy áp dụng chuyển đổi số vào việc đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các hình thức giao thương trực tuyến cần được tổ chức thường xuyên, đều đặn và hiệu quả hơn nữa. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Hiện Diễn đàn Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970) đang được thực hiện đều đặn hằng tuần. Diễn đàn được thành lập với mục đích hình thành, kết nối các khâu sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản... Qua đó, tạo mối liên kết, hợp tác chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và nông dân. Sau mỗi phiên sẽ tổng hợp kết quả cụ thể, kết nối được bao nhiêu đầu mối, hàng hóa gì, số lượng bao nhiêu hàng. Để đáp ứng yêu cầu về kết nối tiêu thụ, thời gian tới, diễn đàn không chỉ kết nối nông sản với các đơn vị trong nước, mà sẽ có phiên kết nối nông sản toàn cầu, để đưa nông sản Việt Nam tiếp cận rộng rãi hơn với người tiêu dùng quốc tế thông qua các doanh nghiệp có uy tín toàn cầu của Việt Nam. Do đó, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất cùng các doanh nghiệp, nhà bán lẻ phải đồng lòng để nâng cao chất lượng và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu cho nông sản Việt.

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Động lực mới để tạo ra tăng trưởng

Trong chính sách phát triển doanh nghiệp, Chính phủ đã và đang từng bước đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững doanh nghiệp và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Công tác thu ngân sách nhà nước: Thu đủ nhờ chuyển hướng linh hoạt

Báo cáo tình hình kết quả triển khai công tác quản lý thuế 11 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế 11 tháng năm 2021 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 1.180 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so với dự toán pháp lệnh và 7,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Giải phóng sớm nhất lượng xe ùn ứ ở các cửa khẩu phía Bắc

Chiều 26/12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc.

Làm giàu từ mô hình hợp tác xã kiểu mới

(HBĐT) - Với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, bằng vốn kiến thức đã được học ở giảng đường đại học, năm 2018, anh Trần Văn Long mạnh dạn thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Vũ Lâm (Lạc Sơn), trong đó, hướng đi chính là nuôi gà ri kết hợp nuôi hươu và đà điểu.

Sào Báy xây dựng xã nông thôn mới nâng cao

(HBĐT) - Với sự đồng thuận của người dân, sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tháng 6/2020, xã Sào Báy (Kim Bôi) đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đạt được danh hiệu NTM đã khó, để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí lại càng khó hơn, do đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã tiếp tục thực hiện các kế hoạch, giải pháp, ra sức thi đua xây dựng quê hương, phát triển KT-XH bền vững.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục