(HBĐT) - Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, mặt hàng thực phẩm tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh đa dạng về chủng loại, mẫu mã, không xảy ra hiện tượng khan hiếm, giá bán tương đối ổn định.


Cá là một trong những thực phẩm tươi sống được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn sau Tết Nguyên đán. Ảnh chụp sáng mùng 5 Tết tại chợ Nghĩa Phương (TP Hòa Bình).

Từ sáng mùng 2 Tết (ngày 2/2), tại các chợ dân sinh, nhiều tiểu thương đã mở hàng lấy may và đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Đến ngày mùng 5, mùng 6 Tết, hàng hóa được bày bán đa dạng, nhất là mặt hàng rau, củ, quả, giá cả hợp lý. Theo khảo sát, tại các chợ trên địa bàn TP Hòa Bình, giá bán các loại rau xanh như mồng tơi, cải cúc, rau muống, rau bí từ 8.000 - 10.000 đồng/mớ; xu hào 5.000 đồng/củ; bắp cải 10.000 đồng/cây; măng tươi 25.000 - 30.000 đồng/kg, quả đậu 20.000 đồng/kg; nấm từ 100.000 - 150.000 đồng/kg. Gà ta ngon 150.000 - 170.000 đồng/kg, thịt bò 280.000 - 330.000 đồng/kg; các loại cá từ 75.000 - 100.000 đồng/kg; tôm 280.000 - 450.000 đồng/kg.

Đa số người tiêu dùng đánh giá sau Tết Nguyên đán, thực phẩm tươi sống được bán phong phú, đa dạng tại các chợ; giá cả tương đối ổn định so với trước Tết. Vài năm gần đây không còn xảy ra tình trạng "ăn rau đắt hơn ăn thịt”, giá cả leo thang như nhiều năm trước. Một số thực phẩm giá bán tăng hơn so với trước Tết khoảng 10 - 15% như nấm, tôm, thịt bò do nhu cầu đổi bữa nấu lẩu của người tiêu dùng cao, cộng với đầu xuân số lượng tiểu thương bán hàng chưa nhiều.

Chị Nguyễn Huyền Trang, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) chia sẻ: Trước đây, mỗi khi Tết đến xuân về, các gia đình thường tích trữ thực phẩm vì sợ sau Tết khó mua. Do đó, giá thực phẩm tươi sống như rau xanh, cá thường bị đẩy lên cao gấp đôi. Song, hiện nay, người tiêu dùng dần bỏ tâm lý tích đồ ăn ngày Tết, chỉ mua đủ lượng thực phẩm phục vụ nhu cầu trong dịp Tết nhằm đảm bảo chất lượng, vì từ sáng mùng 2 Tết, các chợ đã bán đầy đủ các mặt hàng, giá cả cơ bản hợp lý, có tăng cũng không đáng kể. Năm nay, từ mùng 2 Tết, sáng nào tôi cũng đi chợ như ngày thường để lựa chọn những thực phẩm tươi sống, giàu chất dinh dưỡng chuẩn bị bữa ăn cho gia đình trong những ngày đầu xuân.

Năm nay, mặc dù dịp Tết Nguyên đán thời tiết rét nhưng các mặt hàng rau, củ, quả phong phú, đa dạng do nguồn cung đảm bảo nên không chỉ tại các chợ trên địa bàn TP Hòa Bình mà ở các huyện, giá rau xanh tương đối ổn định so với dịp trước Tết. Cùng với rau xanh, cá là một trong những thực phẩm được nhiều gia đình ưu tiên lựa chọn sau Tết Nguyên đán nhưng giá bán cơ bản ổn định. Chị Nguyễn Thị Son, tiểu thương chuyên kinh doanh cá sông Đà tại chợ Nghĩa Phương cho biết: Mấy năm nay, giá các loại cá như trắm đen, trắm trắng, cá lăng sau Tết không tăng. Nguyên nhân chính là do nguồn hàng dồi dào được nhập từ các cơ sở nuôi cá lồng trên sông Đà. Các hộ và HTX nuôi cá lồng sông Đà luôn cân đối sản lượng cá phục vụ trước, trong và sau Tết. Tiểu thương chúng tôi không gặp khó khăn trong khâu nhập hàng.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng để cân đối số lượng hàng hóa nhập vào, bán ra trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Sau Tết, thị trường dồi dào nguồn hàng, giá bán ổn định, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả giá cả hợp lý, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, khan hiếm hàng hóa, không có hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá đột biến. Từ mùng 2 Tết, các chợ dân sinh, một số cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi mở cửa trở lại. Hoạt động mua sắm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Năm nay tình trạng bày hàng hóa tràn lan trên vỉa hè, vi phạm hành lang giao thông đã hạn chế. Để ổn định thị trường sau Tết, Sở Công Thương tăng cường phối hợp với các cấp, ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến, vi phạm về buôn bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.

 Thu Thủy

Các tin khác


Nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu nông sản

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Cùng với sự phục hồi của nhiều nền kinh tế trên thế giới khi dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, cũng như lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do phát huy hiệu quả ngày một rõ nét, lĩnh vực xuất khẩu nông sản đang đứng trước nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm 2022.

Dòng tiền tiếp tục chảy vào thị trường hàng hóa trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán

Theo thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 31/1- 6/2, sắc xanh phủ kín 4 nhóm hàng hóa đang liên thông trực tiếp với thế giới tại Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, giúp chỉ số MXV-Index tăng mạnh 2,56% lên mức 2.573,82 điểm, cao nhất kể từ khi được công bố đến nay.

Đổi mới sáng tạo: Để Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn tại Đông Nam Á

Dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của cuộc sống, nhưng tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong những năm qua không hề suy giảm, trái lại đã tạo ra sức ảnh hưởng lớn, đóng góp vào sự phát triển và phục hồi kinh tế.

Triển khai Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội

Ngay trước kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành đã chủ động thực hiện một số nhiệm vụ để đưa nghị quyết vào cuộc sống một cách nhanh nhất và có hiệu quả.

Đầu tư công sẽ sôi động cùng quá trình phục hồi kinh tế

"Đối với kế hoạch đầu tư công năm 2022, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thường xuyên rà soát, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân trong việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công", đó là nội dung chính Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ với Báo Nhân Dân.

Tận dụng khung chuyển đổi số để tăng tốc, bứt phá sau đại dịch COVID-19

Hiện cả nước có khoảng 870.000 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 97% doanh nghiệp ở quy mô nhỏ và vừa (doanh nghiệp SMEs).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục