"Đối với kế hoạch đầu tư công năm 2022, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thường xuyên rà soát, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân trong việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công", đó là nội dung chính Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ với Báo Nhân Dân.


Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. (ẢNH: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2021 RẤT TÍCH CỰC

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, sát sao hoạt động đầu tư công nhưng tỷ lệ giải ngân thấp hơn năm trước và không được như kỳ vọng. Vì sao có tình trạng này?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Khác với năm 2020 là năm có tỷ lệ giải ngân vốn cao nhất trong giai đoạn trước, một phần do các điều kiện cho việc thực hiện dự án rất thuận lợi, năm 2021 là năm đầu tiên chúng ta thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Có một số yếu tố đặc thù làm cho giải ngân vốn đầu tư công khó khăn hơn so với các năm còn lại trong giai đoạn do các dự án khởi công mới trong giai đoạn cần thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và thực hiện các hoạt động chuẩn bị đầu tư như như thiết kế lập dự toán, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, chuẩn bị nhân công, máy móc, vật liệu…

Bên cạnh đó, trong năm 2021 dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, kéo dài trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách trong thời gian dài, việc huy động chuyên gia, nhà quản lý và lao động chất lượng cao, nhà thầu nước ngoài, máy móc, thiết bị nhập khẩu phục vụ các dự án đầu tư công bị gián đoạn.

Mặt khác, giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động đầu tư công tăng cao, khan hiếm mỏ nguyên liệu… cũng gây khó khăn đến việc thực hiện dự án, đặc biệt trong các tháng đầu năm.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, Nghị quyết chuyên đề số 63/NQ-CP về thúc đẩy tăng trưởng và giải ngân vốn đầu tư công, các công điện, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; 2 Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải ngân và  hoạt động của các Tổ công tác được thành lập theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ,… tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đã có những bước cải thiện rõ rệt, nhất là những tháng cuối năm 2021 khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại và thay đổi phương thức phòng, chống dịch theo hướng "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả”.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, vốn Ngân sách Nhà nước năm 2021 ước thanh toán đến 31/1/2022 là 431.188,53 tỷ đồng, đạt 93,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó giải ngân 6 tháng cuối năm 2021 đạt 64,45% kế hoạch, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (64,04% kế hoạch) và tăng gấp 2 lần so với 6 tháng đầu năm 2021.

Đây là kết quả rất tích cực, có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo để đạt được mục tiêu đặt ra của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đó là giải ngân bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt trên 90% kế hoạch Quốc hội quyết nghị.

Phóng viên: Tức là đầu tư công vẫn trong tình trạng "đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Khác với chi thường xuyên, chi đầu tư công là hoạt động có tính chất đặc thù, cần thời gian để tích lũy đủ khối lượng thực hiện và nghiệm thu trước khi thực hiện các thủ tục giải ngân. Việc giải ngân đầu tư công thường dồn vào cuối năm khi các dự án đã tích lũy đủ khối lượng để nghiệm thu và giải ngân đã tồn tại từ rất lâu và gần như đã thành quy luật.

Tuy nhiên, những năm gần đây, xu thế này đã dần có những chuyển biến tích cực nhờ thay đổi trong cơ chế quản lý đầu tư công cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ngành, các cấp.

Có thể kể đến năm 2020, là năm đầu tiên Luật Đầu tư công mới có hiệu lực với các thay đổi mạnh mẽ về tư duy quản lý đầu tư công như: phân cấp triệt để trong lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; trong bố trí và điều chuyển kế hoạch vốn hằng năm gắn với quy định trách nhiệm của người đứng đầu; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm…

Bên cạnh đó, các chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tinh thần xem đầu tư công như một trong các mũi nhọn để phục hồi và phát triển nền kinh tế trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã giúp cho các tháng đầu năm 2020 có tỷ lệ giải ngân đạt cao so với các năm trước

Năm 2021, là năm đầu tiên của một chu trình kế hoạch, năm thực hiện theo quy định mới chỉ giải ngân 1 năm và sẽ thực hiện trừ kế hoạch đầu tư công trung hạn của bộ, cơ quan trung ương và địa phương tương ứng với số vốn chưa giải ngân trong năm kế hoạch và không được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài.

Vì vậy, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm mặc dù chưa đạt được như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã nêu ở trên nhưng đã có cải thiện so với các năm trước.

Đối với kế hoạch đầu tư công năm 2022, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thường xuyên rà soát, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân trong việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công.

Phóng viên: Đầu tư công là động lực rất quan trọng cho tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng bất định, khiến nhiều động lực tăng trưởng suy giảm. Công tác quản lý và sử dụng vốn đầu tư công hiện có đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Chúng ta thấy rõ, đặc biệt là năm 2020, năm đầu tiên bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, lúc đó vai trò hỗ trợ cho tăng trưởng của đầu tư công đã được khẳng định.

Năm 2020 đạt kết quả hết sức ấn tượng về giải ngân vốn đầu tư công, đóng góp cho tăng trưởng năm 2020 đạt mức tích cực. Năm 2021, đầu tư công vẫn thể hiện vai trò hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các lĩnh vực về sản xuất kinh doanh và dịch vụ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch Covid-19.

Để đạt được kết quả này, đó là nhờ hệ thống pháp luật đầu tư công đã được hoàn thiện, công tác quản lý đầu tư công đã đổi mới, thay đổi cách tiếp cận từ "tiền kiểm” sang "hậu kiểm” phù hợp với yêu cầu thực tế.

Việc quản lý đầu tư công đã được phân cấp cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động lựa chọn danh mục dự án, giao kế hoạch vốn và điều chỉnh kế hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữ vai trò xây dựng cơ chế chính sách quản lý đầu tư công; định hướng đầu tư công; thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, dự án quan trọng quốc gia; giám sát, kiểm tra, đánh giá kế hoạch đầu tư công. Không thực hiện công tác phân bổ vốn chi tiết cho các dự án.

Nguyên tắc phân bổ giai đoạn 2021-2025 rõ ràng, có tiêu chí tính điểm cụ thể, gắn với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ngành, lĩnh vực. Ngân sách Trung ương tập trung cho dự án quan trọng quốc gia, dự án liên vùng, dự án trọng điểm tạo ra động lực mới, không gian mới phát triển kinh tế, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải đã cơ bản được khắc phục. Tổng số dự án triển khai trong kỳ kế hoạch dưới 5.000 dự án, giảm một nửa so với giai đoạn 2016-2020. Mức vốn trung bình bố trí cho 1 dự án tăng lên.

Công tác chuẩn bị đã được cải thiện bảo đảm các chương trình, dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm phải có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Công tác chỉ đạo về giải ngân vốn đầu tư công quyết liệt, kết quả giải ngân vốn đầu tư công gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, kỷ luật đầu tư công được tăng cường, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Các kết quả đạt được trong thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công của các năm 2020 và năm 2021, mặc dù là những năm nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn đã phần nào minh chứng rằng các thay đổi trong tư duy, định hướng và thể chế quản lý đầu tư công đã có hiệu quả đáng ghi nhận trong việc phát huy vai trò của đầu tư công trong kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.

KHÔNG KÉO DÀI VỐN QUA NĂM SAU

Phóng viên: Trong các cuộc làm việc của 6 Tổ công tác về đầu tư công cuối năm 2021, đã có những kiến nghị xin trả lại vốn hoặc kéo dài sang năm sau vì không tiêu hết tiền. Phải chăng vì Chính phủ "nương tay” nên tình trạng có nguy cơ tái diễn?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Những năm gần đây, một trong giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là các bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ tình hình thực tế thực hiện và giải ngân của các dự án, chủ động điều chuyển vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân tốt hơn và đến một thời hạn nhất định mà dự án của bộ, địa phương không giải ngân thì kiên quyết trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cho dự án của bộ, cơ quan, địa phương khác.  

Năm 2021, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh hơn 3.000 tỷ đồng từ dự án giải ngân chậm sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.

Tuy nhiên, có một lượng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài lớn trên 20 nghìn tỷ đồng không thực hiện điều chỉnh được do khi một đơn vị điều chỉnh giảm, phải có một đơn vị đề nghị điều chỉnh tăng thì mới thực hiện điều chỉnh được từ đơn vị này sang đơn vị khác. Nhưng nếu trong bối cảnh không có đơn vị nào nhận thêm thì chỉ có hủy kế hoạch, không điều chuyển được.

Đối với việc kéo dài sang năm sau, từ năm 2021 sẽ thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, chỉ một số trường hợp bất khả kháng mới được xem xét kéo dài.

Đối với số vốn không được kéo dài, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương sẽ bị trừ tương ứng kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Giai đoạn này sẽ không được tự động kéo dài vốn, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tự chịu trách nhiệm về giải ngân chậm, công tác lập kế hoạch, không thể lập kế hoạch cao đến lúc triển khai không thực hiện được lại đề nghị điều chỉnh giảm.

Phóng viên: Năm 2022, đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, cần rút kinh nghiệm gì trong công tác chỉ đạo, điều hành để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công ở mức 90-95% kế hoạch, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, việc triển khai có hiệu quả kế hoạch đầu tư công có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng góp phần tạo năng lực sản xuất mới, thu hút đầu tư, phục hồi và phát triển kinh tế.

Đây cũng là năm đầu tiên của tiến trình phục hồi, đòi hỏi công tác chỉ đạo, điều hành ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có đầu tư công phải rất quyết liệt.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu có nguyên nhân từ quá trình thực hiện. Thực tế cho thấy, cùng một cơ chế, chính sách nhưng nơi nào người đứng đầu có quyết tâm chính trị thì có kết quả giải ngân cao và ngược lại.

Qua kinh nghiệm của năm 2021, các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý không nên xây dựng quá khả năng giải ngân của đơn vị mình. Chắc chắn năm 2022, công tác điều hành đầu tư công của Chính phủ sẽ rất quyết liệt và sẽ quy trách nhiệm rất rõ ràng, nhất là đối với người đứng đầu.

Phóng viên: Bên cạnh việc bố trí gần 2,8 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2021-2022, Quốc hội vừa quyết định tăng bội chi để hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội để có thêm nguồn cho đầu tư phát triển. Tiền nhiều như vậy có tạo thêm áp lực cho công tác đầu tư công năm nay?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Quốc hội vừa thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, chủ yếu thực hiện trong 2 năm 2022-2023, trong đó bổ sung thêm nguồn lực cho đầu tư công.

Vì vậy, áp lực giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu trong 2 năm 2022-2023 là lớn vì ngoài số vốn Quốc hội quyết định kế hoạch năm 2022-2023 trong kế hoạch đầu tư công trung hạn còn một lượng vốn bổ sung từ nguồn vốn thực hiện Chương trình.

Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lựa chọn dự án có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Đồng thời, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án phân bổ dự toán bổ sung năm 2022 báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định, tổ chức thực hiện linh hoạt giữa Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn của Chương trình. 

Việc triển khai xây dựng danh mục dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình cũng sẽ nhanh chóng được triển khai ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc triển khai thực hiện Chương trình và Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Số vốn 113,55 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin chuyển đổi số, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai... sẽ được ưu tiên phân bổ cho các dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn để đẩy nhanh tiến độ, giải ngân sớm số vốn sẽ được giao theo tiến độ của Kế hoạch trung hạn.

Tương tự như vậy đối với năm 2023, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định chung với Kế hoạch và dự toán của năm 2023. 

Đến năm 2024-2025, Kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ có dư địa nguồn lực do nhiều dự án đã được bố trí, giải ngân trước từ những năm 2022-2023.

Dư địa này sẽ được dùng để bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, số vốn thuộc Nghị quyết số 43/2022/QH15 sẽ được sử dụng, giải ngân hiệu quả, tập trung cho 2 năm 2022, 2023.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Từ 1/2, xe qua trạm BOT được giảm giá

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện việc điều chỉnh mức giá phí dịch vụ bảo đảm đồng bộ, thống nhất.

Tạo sức bật cho ngành công nghiệp

(HBĐT) - Suốt 2 năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến "sức khỏe" nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chịu tác động nặng nề do lưu thông hàng hóa, nguồn cung nguyên liệu đầu vào có thời điểm ngưng trệ, nguồn nhân lực thiếu hụt do thực hiện giãn cách xã hội. Cùng với đó là sản lượng điện sản xuất của Nhà máy thủy điện Hòa Bình sụt giảm mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến mức tăng trưởng của ngành. Khó khăn bao trùm, song với sự bền bỉ vượt khó của doanh nghiệp (DN), cùng những cơ chế, chính sách được triển khai kịp thời giúp sản xuất công nghiệp (SXCN) của tỉnh dần phục hồi, phát triển.

Mở rộng quan hệ hợp tác, phát triển kinh tế đối ngoại

(HBĐT) - Tăng cường mối quan hệ với nước ngoài, tổ chức quốc tế, các tỉnh bạn và các hoạt động ngoại giao nhân dân… để tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho đầu tư phát triển. Xây dựng mối quan hệ gắn bó, hợp tác đối với các đối tác truyền thống, mở rộng quan hệ với đối tác mới, có tiềm năng nhằm mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực du lịch, nông, lâm nghiệp... Đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 chỉ ra, đã và đang được tích cực thực hiện.

Ngọt thơm cam, bưởi Hòa Bình

(HBĐT) - Những ngày cuối năm, khi cái lạnh của mùa đông còn vương vấn, xuân về cũng là lúc ghi dấu thời khắc đất trời bắt đầu một vòng quay mới. Thời tiết còn chưa vội chuyển mình nhưng sắc xuân rực rỡ đã lan tỏa đến mọi nơi trên đất Mường, đặc biệt là ở những vùng trồng cam, trồng bưởi. Từng đoàn người, đoàn xe háo hức trải nghiệm vườn cam, vườn bưởi làm không khí trở nên vui tươi, rộn ràng. Không khí ấy đã sưởi ấm lòng người dân địa phương cũng như những du khách ghé thăm nơi đây.

Xuân hy vọng trên vùng đất khó Yên Thủy

(HBĐT) - Cuối năm 2021, Hữu Lợi là xã vùng đặc biệt khó khăn đầu tiên của huyện Yên Thủy về đích nông thôn mới (NTM). Một trang mới của mảnh đất khó khăn, cằn cỗi này được mở ra đầy hy vọng. Con đường bê tông liên xóm kiên cố đưa chúng tôi đi qua những vườn bưởi Diễn chín vàng tỏa hương thơm, những ngôi nhà sơn sửa khang trang. Một mùa xuân mới mang đến nhiều hy vọng cho mảnh đất vốn là vùng 135 này.

10 thành tựu và kết quả nổi bật tỉnh Hòa Bình năm 2021

(HBĐT) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/1 - 1/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội đã thành công rất tốt đẹp. Tại Đại hội, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy đã trúng cử Ủy viên chính thức BCH T.Ư Đảng khóa XIII với 1.531 phiếu, đạt 96,47%. Trong ảnh: Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục