(HBĐT) - Dịch Covid-19 làm nhiều ngành nghề kinh doanh bị ảnh hưởng, hoạt động không hiệu quả, đồng thời lãi suất tiết kiệm giảm, do đó, dòng tiền dần đổ về các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, tiền số và chứng khoán. Đón nhận sóng đầu tư ồ ạt, thời điểm cuối năm 2021 - đầu năm 2022, thị trường chứng khoán tăng mạnh với đỉnh điểm phiên 20/11 có tổng khối lượng giao dịch kỷ lục lịch sử đạt 56,3 nghìn tỷ đồng (2,4 tỷ USD), đến nay vẫn tiếp tục tăng, đem lại nhiều cơ hội phát tài cho các nhà đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, tâm lý đám đông đã kéo theo nhiều người thiếu kinh nghiệm, hiểu biết về thị trường dốc hết tài sản để rồi ôm "trái đắng", thậm chí có người "cháy” sạch tài khoản chỉ sau vài tuần.
Rủi ro với những nhà đầu tư "nửa mùa”
Ngày 10/1/2022, thị trường chứng khoán cả nước chứng kiến một phiên giao dịch khốc liệt khi chỉ số và thanh khoản của hầu hết các mã đều giảm mạnh sau vụ lùm xùm bán "chui” cổ phiếu của tập đoàn FLC. Tiếp đó, thị trường tiếp tục bị giáng đòn mạnh với việc bỏ cọc lô đất vàng của tập đoàn T.H.M. Trước đó, thị trường đã quá "nóng” do nhóm cổ phiếu bất động sản đầu cơ nên lực bán ra kích hoạt trên diện rộng khiến thị trường chứng khoán chao đảo, nhà đầu tư (NĐT) hoảng loạn bán tháo, ngay cả những nhóm cổ phiếu an toàn như blue-chips (loại cổ phiếu của công ty có uy tín và tình hình tài chính vững chắc). Lượng margin (khoản vay từ công ty chứng khoán và thế chấp bằng chính cổ phiếu đã mua) cao chưa từng có khiến thị trường khi giảm mạnh, một số cổ phiếu mất thanh khoản, bán không ai mua. Có những mã chứng khoán như Fxx, Cxx… rơi xuống giá sàn 10 ngày liên tiếp, giá trị cổ phiếu giảm 70 - 80%. Thị trường chứng khoán hỗn loạn, ngay cả những "tay to” cũng thiệt hại không ít thì đối với những người mới đầu tư, còn non kinh nghiệm mất hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng chỉ sau vài ngày là điều bình thường. Thậm chí, nhiều người phải "cháy” tài khoản, nhất là các NĐT đã trót "đu đỉnh”.
Đáng chú ý, nhiều người chưa hiểu biết về thị trường chứng khoán, nghe nhiều viễn cảnh mơ hồ về tăng gấp 2, gấp 3, thậm chí gấp 10 lần tài sản trong thời gian ngắn theo kiểu "không phải làm gì mà vẫn giàu” đã vội bán đất, bán xe, dốc hết tiền tiết kiệm nhiều năm tích cóp để "xuống tiền” vào mã chứng khoán của một vài công ty, tập đoàn mà thậm chí chưa biết tình hình tài chính, kinh doanh của họ ra sao, kỹ thuật phân tích biểu đồ, dòng tiền thị trường vận động và những mánh khóe, rủi ro như thế nào. Nhiều học sinh trung học, "bà mẹ bỉm sữa”, ông bán trà đá cũng lập tài khoản, dốc hết tiền tiết kiệm tranh thủ đầu tư mong đổi đời. Tất nhiên, tài sản tăng nhiều lần là điều có thể xảy ra nhưng đó là với các NĐT dày dặn kinh nghiệm, còn đối với những NĐT "nửa mùa” thì viễn cảnh hầu như tay trắng. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường có tín hiệu hồi phục nhưng đã để lại nhiều bài học đắt giá cho nhà đầu tư.
Anh T.T.H, phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) cho biết: "Tình hình dịch Covid-19 phức tạp, kinh doanh ế ẩm, thấy nhiều người kiếm bộn tiền nhờ chứng khoán, tôi mạnh dạn rút toàn bộ tiền gửi ngân hàng và dồn vốn sang thị trường này với mong muốn tìm kiếm lợi nhuận ổn định hơn. Thiếu kinh nghiệm, hiểu biết về chứng khoán, đồng thời nóng vội không tìm hiểu kỹ, tôi đã đầu tư đúng mã chứng khoán đang lao dốc, kinh doanh bết bát, sau một tuần chịu lỗ tôi đã bán tháo cổ phiếu, thiệt hại hơn 80 triệu đồng”.
Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, số lượng NĐT chứng khoán toàn quốc tăng từ 2,5 triệu lên 3,7 triệu, trở thành nơi hút vốn quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp, cũng là kênh sinh lời hiệu quả đối với các NĐT. Việc tiếp cận thị trường chứng khoán cũng dễ dàng hơn thông qua giao dịch trực tuyến từ các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, hệ quả cũng xuất hiện nhiều NĐT "ăn xổi” với cái đầu "nóng”, bỏ bê kinh doanh, công việc văn phòng ngồi ôm bảng.
Cảnh giác với chiêu trò "lùa gà” từ các nhóm đầu tư
Thời gian qua, nhiều người đã nhận được hàng chục cuộc gọi điện thoại, email, tin nhắn kêu gọi đầu tư chứng khoán từ các môi giới, chào mời tham gia các hội nhóm. Nhiều hội, nhóm được tạo ra trên mạng xã hội làm nơi trao đổi, tham khảo thông tin, hỗ trợ NĐT ra quyết định mua, bán trên thị trường chứng khoán. Trong đó, đã xuất hiện hiện tượng lợi dụng các diễn đàn, nhóm mạng xã hội zalo, facebook… để tung tin đồn, phát tán tài liệu giả mạo, thông tin sai sự thật nhằm "lùa gà” làm lợi cho các nhà đầu cơ hoặc NĐT phải đổ vốn vào mã cổ phiếu khó thanh khoản, "chôn” tiền tại các doanh nghiệp tài chính yếu kém. Do đó, NĐT cần cẩn trọng, cân nhắc kỹ để tránh bị lôi kéo, cuốn theo các luồng thông tin trên không gian mạng.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc tung tin đồn sai sự thật, cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán là các hành vi bị cấm theo quy định tại Luật Chứng khoán. Do đó, việc đưa thông tin về chứng khoán được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giám sát rất nghiêm ngặt, phát hiện và xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm quy định nếu cố tình làm trái.
Bên cạnh đó, các nhóm "lái” thị trường có số vốn hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng kéo các mã chứng khoán với tiềm năng kinh doanh, tài chính có hạn lên một mức giá cao vô lý rồi bất ngờ rút vốn, đánh sập khiến NĐT khác gánh lỗ, "đu đỉnh". Bởi vậy, NĐT cần tìm hiểu, trao đổi thông tin liên quan đến thị trường chứng khoán dựa trên các kênh chính thống của cơ quan chức năng, doanh nghiệp, đơn vị có chức năng tư vấn; trang bị nhiều kiến thức về chứng khoán, thị trường chứng khoán, tài chính doanh nghiệp, nắm bắt đầy đủ các quy định pháp luật. Đồng thời, việc đầu tư cần phải xem xét thấu đáo dựa trên đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh, tiềm năng phát triển của doanh nghiệp để tránh tâm lý nóng vội kiếm lời, khi thị trường có độ "nóng” nhất định trong ngắn hạn.
Hoàng Anh