(HBĐT) - Thực hiện chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, giảm bớt ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chế độ, chính sách giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN). Theo đó, dự kiến các khoản giảm thu trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh theo các chính sách so với dự toán giao ước khoảng 311 tỷ đồng.
Cụm công nghiệp Tiên Tiến, xã Quang Tiến (TP Hòa Bình) được đầu tư xây dựng góp phần bổ sung vào nguồn thu ngân sách.
Kết quả thu NSNN 4 tháng qua tuy tăng cao so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn ở mức thấp so với dự toán HĐND tỉnh giao. Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp Cục Thuế và các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kịch bản thu và chi ngân sách, giải pháp bù đắp nguồn hụt thu do giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% và các nguồn hụt thu khác, như thuế bảo vệ môi trường, thuế GTGT thu từ sản xuất thuỷ điện, lệ phí trước bạ…
Ước đến hết tháng 4, tổng thu NSNN của tỉnh đạt 1.760 tỷ đồng, bằng 27,5% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Trong đó, thu xuất, nhập khẩu ước thực hiện 153,5 tỷ đồng, đạt 48,8% dự toán HĐND tỉnh; thu nội địa ước thực hiện 1.606,5 tỷ đồng, đạt 26,4% dự toán HĐND tỉnh (thu từ thuế và phí 861 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất (SDĐ) 745,5 tỷ đồng).
Thực hiện nhiệm vụ giao, các sở, ngành chức năng đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp triển khai. Cục Thuế đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách thuế mới, chính sách hỗ trợ người nộp thuế (NNT), góp phần tháo gỡ khó khăn để duy trì, phát triển SX-KD. Tăng cường triển khai áp dụng hóa đơn điện tử, phấn đấu đến ngày 31/5 đạt 90% NNT đang hoạt động đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử và đến ngày 30/6 tới đạt 100%. Đồng thời thường xuyên thanh, kiểm tra, chống nợ thuế nhằm đôn đốc thu hồi kịp thời cho NSNN, hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh.
Sở TN&MT đã rà soát, tổng hợp lập kế hoạch định giá đất cụ thể năm 2022 trình UBND tỉnh phê duyệt và trình UBND tỉnh kế hoạch thu tiền SDĐ năm 2022 của các huyện, thành phố; chủ động tháo gỡ vướng mắc về lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng (GPMB) theo thẩm quyền. Sở Xây dựng phối hợp các sở, ban, ngành điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng ký kết với các chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở. Sở Tài chính đã đôn đốc, phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định; tính đến ngày 25/4 đã hoàn thành bán 13 cơ sở nhà đất, đang tiếp tục bán 5 cơ sở và đã trình UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10 cơ sở nhà đất…
Mới đây, tại cuộc họp thường kỳ của UBND tỉnh, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá: Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương có nhiều cố gắng trong thu ngân sách và đạt kết quả khả quan. Tuy vậy, nhìn chung số thu tiền SDĐ chưa cao, nhiều đơn vị đạt tỷ lệ rất thấp, do đó phải đẩy nhanh tiến độ thu. Trong thời gian tới cần tiếp tục cải tiến trong hoạt động đấu giá quyền SDĐ theo hình thức bỏ phiếu và trực tuyến, hạn chế việc đấu giá trực tiếp để tránh sự liên kết, thỏa thuận với nhau làm cho giá không được minh bạch. Đặc biệt đối với các khoản dự kiến hụt thu, Sở Tài chính và Cục Thuế cần bàn bạc có kịch bản, phương án bù đắp để tăng cường chỉ đạo, đôn đốc ngay từ bây giờ mới có thể đảm bảo được dự toán thu của năm nay".
Số hụt thu được dự báo khá cao, song theo thông tin của Sở Tài chính, qua công tác phối hợp, rà soát, các cơ quan chuyên môn đã xác định được một số khoản tăng thu, phát sinh ngoài dự toán khoảng 323 tỷ đồng. Như vậy, các khoản giảm thu cơ bản đã dự kiến được nguồn bù đắp. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động SX-KD chưa hồi phục hoàn toàn, dễ chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố tác động bên ngoài… Do vậy, căn cứ kết quả thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong thời gian tới, Sở Tài chính sẽ kịp thời có phương án tham mưu báo cáo UBND tỉnh điều hành nhiệm vụ chi theo hướng chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả và có các kịch bản tương ứng cho từng trường hợp thu ngân sách không đạt dự toán giao tùy theo mức độ hụt thu.
Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2022, đáp ứng nguồn lực cho các nhiệm vụ chi, UBND tỉnh chỉ đạo: Cục Thuế thường xuyên theo dõi kết quả hoạt động SX-KD, tình hình và khả năng nộp thuế của từng NNT, nhất là NNT lớn, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc hoặc biến động bất thường. Tập trung xử lý thu hồi nợ thuế, thu nợ tiền SDĐ, tiền bảo vệ đất trồng lúa, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền thuế tài nguyên…
Sở TN&MT tập trung rà soát tất cả dự án giao đất, thuê đất đã thực hiện xong thủ tục GPMB, giao đất, cho thuê đất cần định giá để thực hiện các bước định giá đất cụ thể. Chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất rà soát các dự án đấu giá quyền SDĐ năm 2022, tập trung hoàn thiện thủ tục đấu giá các dự án dở dang từ năm 2021 chuyển sang; các dự án dự kiến đấu giá trong năm nay hoàn thành công tác quy hoạch trong quý II và các thủ tục còn lại trong quý III để đấu giá. Chủ động tháo gỡ vướng mắc về lĩnh vực đất đai, GPMB của các huyện, thành phố theo thẩm quyền, những nội dung vượt quá thẩm quyền kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để chỉ đạo, giải quyết.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng đôn đốc chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở chậm tiến độ; phối hợp các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố kịp thời giải quyết khó khăn trong công tác GPMB… đảm bảo hoàn thành dự toán thu tiền SDĐ từ các dự án nhà ở năm 2022 được giao...
Bình Giang
Đến nay, sản xuất tại các trung tâm công nghiệp ở phía bắc đã có dấu hiệu phục hồi tích cực, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng kinh tế của các địa phương nói riêng, của cả nước nói chung. Thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19, từ nay đến cuối năm 2022, các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đưa sản xuất công nghiệp trở thành động lực tăng trưởng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
(HBĐT) - Sản phẩm cây ăn quả có múi (CAQCM) được xác định là 1 trong 9 loại nông sản chủ lực của tỉnh, đây cũng là một trong số ít sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có khả năng chi phối thị trường các tỉnh phía Bắc. Để phát triển bền vững và gia tăng chuỗi giá trị trong sản xuất CAQCM, ngày 16/9/2021, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Là một trong những vùng sản xuất CAQCM chủ lực của tỉnh với tổng diện tích chiếm 30%, huyện Cao Phong đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện "Đề án Tái canh CAQCM trên địa bàn huyện Cao Phong giai đoạn 2021 - 2025” nhằm tổ chức lại sản xuất, khép kín, đồng bộ, bền vững từ phát triển vùng nguyên liệu tới sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm (TTSP).
(HBĐT) - Là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm đa số, cùng với ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng dân tộc và quan tâm chăm lo đời sống người dân, những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa đã được các cấp, ngành chức năng đẩy mạnh. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động đã góp phần tạo sự đồng thuận, tin tưởng của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.
(HBĐT) - Những năm gần đây, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã Yên Trị (Yên Thủy) có chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình cây, con giống mới được đưa vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu khởi sắc, trong đó có mô hình nuôi hươu lấy nhung.
(HBĐT) - UBND huyện Yên Thủy vừa tổ chức hội nghị tổng kết và khen thưởng tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên địa bàn.
(HBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Lâm Sơn (Lương Sơn) lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 xã cơ bản đạt tiêu chí đơn vị hành chính cấp phường. Lâm Sơn là phường có chức năng nhà ở, sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng của đô thị Lương Sơn. Để đạt được mục tiêu trên, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Lâm Sơn phấn đấu thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thiện các tiêu chí từ xã lên phường.