Những năm qua, Công ty TNHH Midori Apparel Việt Nam - Hòa Bình là một trong những doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài hoạt động SX-KD hiệu quả tại Khu công nghiệp Lương Sơn.
Địa bàn trọng điểm
Huyện Lương Sơn được cho là hạt nhân vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, du lịch…, hiện là địa phương ở top đầu trong thu hút đầu tư của tỉnh. Khu công nghiệp Lương Sơn là ví dụ điển hình, có quy mô lớn nhất tỉnh trong thu hút đầu tư với hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài nước, giải quyết việc làm cho hơn 1,5 vạn lao động. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có hàng trăm nhà máy, khu du lịch, sân golf, dự án bất động sản tầm cỡ đã, đang hoạt động cũng như trong quá trình đầu tư xây dựng.
Theo thống kê, đến ngày 31/5/2022, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn huyện trên 389 tỷ đồng, đạt 56,2% dự toán UBND tỉnh giao, đạt 27,8% dự toán HĐND huyện giao. Đáng nói, năm 2021, số thu NSNN của huyện đạt chưa đầy 500 tỷ đồng thì đến năm 2022, trong dự toán thu NSNN giao đến 1.394 tỷ đồng, trong đó thu từ đất khoảng 1.200 tỷ đồng, thuế phí khoảng 196 tỷ đồng. Tính đến nay, theo Chi cục Thuế huyện Lương Sơn, riêng số thu về thuế của huyện đã đạt 250 tỷ đồng, cao hơn 1/2 số thu cả năm trước.
Đối với kết quả năm 2021, ngoài tập trung cải cách thủ tục hành chính (TTHC), thu hút đầu tư, huyện quan tâm nâng cao vai trò của Hội Doanh nghiệp huyện. Trong đó, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Doanh nghiệp làm tốt nhiệm vụ là đầu mối kết nối chính quyền địa phương với các doanh nghiệp, hỗ trợ hội viên nắm bắt được cơ chế, chính sách, quy hoạch, định hướng phát triển KT-XH của huyện. Thông tin kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; kịp thời giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện, an toàn, minh bạch.
Trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), năm 2021, huyện triển khai công tác bồi thường, GPMB 32 dự án với tổng diện tích 207,65 ha, 1.044 hộ và 35 tổ chức bị ảnh hưởng, tổng số tiền chi trả 88,4 tỷ đồng. Trong đó, 10 dự án hoàn thành; thực hiện chi trả tổng số tiền 9,2 tỷ đồng cho 105 hộ gia đình, cá nhân và 10 tổ chức trên tổng diện tích đất thu hồi và bàn giao 40,46 ha.
Tại cuộc họp mới đây với đoàn công tác của tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch UBND huyện cho biết, năm 2022, Lương Sơn dự kiến thực hiện GPMB để triển khai các dự án lên đến 2.000 ha. Trong khi lực lượng thực hiện nhiệm vụ cho công tác này hiện có 7 cán bộ, đây cũng là một áp lực của huyện. Đến nay, huyện đã chi trả và thu hồi được gần 100 ha đất và đang biên tập lại bản đồ để bàn giao diện tích đất sạch cho các chủ đầu tư triển khai dự án.
Lý giải vị trí DDCI của lương sơn
Năm 2021, trong chỉ số DDCI, huyện Lương Sơn đứng thứ 7/10 huyện, thành phố với 71,59 điểm, trong đó, kết quả chỉ số thành phần gồm: Chi phí gia nhập thị trường và hoạt động cấp phép với 8,16 điểm; hiệu lực thực thi pháp luật, thiết chế pháp lý và ANTT với 7,81 điểm; chi phí thực hiện TTHC và tuân thủ pháp luật 7,76 điểm; tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh 7,25 điểm; chất lượng dịch vụ công và bộ phận một cửa 7,13 điểm; hỗ trợ sản xuất, kinh doanh 6,77 điểm; chi phí không chính thức 6,69 điểm; tính năng động của chính quyền địa phương 6,62 điểm; tính minh bạch trong tiếp cận thông tin và đối xử công bằng 6,24 điểm. Lương Sơn có 3 chỉ số thành phần cao hơn so với bình quân chung cả tỉnh: Chi phí gia nhập thị trường và hoạt động cấp phép; chi phí thực hiện TTHC và tuân thủ pháp luật; hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Theo đánh giá, đặc thù của Lương Sơn khác khá xa so với các địa phương trong tỉnh. Huyện là địa bàn trọng điểm trong thu hút đầu tư. Hàng loạt dự án bất động sản, du lịch, lĩnh vực công nghiệp đã, đang tập trung vào huyện những năm gần đây. Chính vì vậy tạo nên những áp lực trong cải cách TTHC, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là về lĩnh vực liên quan đến đất đai hơn các địa phương khác trong tỉnh.
Đơn cử tại dự án xi măng Hoàng Long đang triển khai trên địa bàn huyện. Ngoài các thủ tục khác, riêng vấn đề đền bù chuyển nhượng 66 thửa đất của 60 hộ dân cho công ty đến nay qua nhiều tháng mới gần hoàn tất. Trong khi đó, hàng loạt các thủ tục để dự án có thể triển khai tiếp đều liên quan đến việc sang tên này. Theo ông Vương Đức Nhật, Phó Tổng giám đốc Công ty CP xi măng Hoàng Long Hòa Bình lý giải, mặc dù huyện Lương Sơn đã khá nỗ lực trong triển khai nhưng do TTHC quá nhiều quy trình dẫn đến chậm thực hiện. Như để thực hiện sang tên quyền sở hữu đối với 66 thửa đất từ 60 hộ sang tên doanh nghiệp, theo quy định được ban hành, UBND huyện phải làm thủ tục cấp mới cho các hộ dân nói trên, tiếp đó mới thực hiện sang tên doanh nghiệp. Ngoài mất thời gian về thủ tục, trong quá trình thực hiện chắc chắn còn có sai sót về số liệu dẫn đến thời gian bị kéo dài hơn.
Liên quan đến vấn đề này, tại các cuộc họp, huyện Lương Sơn cũng thẳng thắn đánh giá, thủ tục về cấp quyền sử dụng đất cũng là một trong những mặt còn tồn tại tại bộ phận một cửa của huyện. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Danh cho biết sẽ tuyển chọn thêm cán bộ có chuyên môn về đất đai tại các xã nhằm tăng cường cho vấn đề này, đảm bảo giúp giải quyết nhanh chóng hơn nữa trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, tổ chức trên địa bàn thời gian tới.
Ngoài lĩnh vực đất đai, trong thời gian tới, huyện sẽ phải có các giải pháp để đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là GPMB, quan tâm đến hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. Cùng với đó đẩy mạnh thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông mức độ 4, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp.
(Còn nữa)
Hồng Trung