(HBĐT) - "Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; xây dựng hạ tầng KT-XH nông thôn đồng bộ, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa...; đảm bảo môi trường, cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống; đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống". Đó là mục tiêu đến năm 2025 được UBND tỉnh đặt ra trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đang được cả hệ thống chính trị chung sức, đồng lòng thực hiện.
Thời gian qua, việc nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM cấp huyện, cấp xã được chú trọng. Tỉnh đã có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, hàng năm có thêm nhiều xã về đích cũng như được công nhận xã NTM nâng cao, khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu. Các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể chú trọng tuyên truyền, tổ chức phong trào thi đua từ tỉnh đến cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân. Đồng thời quan tâm rà soát, điều chỉnh, lập mới quy hoạch chung xây dựng xã theo quy định, phù hợp với định hướng phát triển KT-XH của địa phương.
Hiện, toàn tỉnh có 65 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 50,4% tổng số xã; bình quân các xã đạt 15,67 tiêu chí. Trong năm 2022, tỉnh phấn đấu có thêm ít nhất 6 xã về đích NTM; bình quân đạt 16 tiêu chí/xã; chuẩn hóa từ 16 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao trở lên; tiếp tục hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, đời sống của cư dân nông thôn... Để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, các địa phương đã rà soát, xây dựng khung kế hoạch, lộ trình và cân đối, huy động nguồn lực thực hiện các tiêu chí đảm bảo hoàn thành trong năm. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách T.Ư và tỉnh, các địa phương chủ động cân đối dành một phần nguồn lực ngân sách hỗ trợ chương trình và lồng ghép thực hiện với nguồn vốn của các chương trình khác. Trong đó ưu tiên nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã đăng ký đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025.
6 tháng đầu năm nay, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình XDNTM đạt gần 1.136 tỷ đồng; trong đó, ngân sách T.Ư, tỉnh, huyện, xã 453,82 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án cho các xã 122,5 tỷ đồng; vốn tín dụng 420 tỷ đồng; huy động từ doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế 17,5 tỷ đồng; huy động đóng góp của cộng đồng dân cư 122 tỷ đồng. Từ nguồn vốn lồng ghép, toàn tỉnh đã nâng cấp, cải tạo, xây mới 39 công trình giao thông, 2 ngầm, 38 km đường giao thông nông thôn; 31 công trình thủy lợi, 4 hồ đập, 5 km kênh mương; 19 công trình trường, lớp học...
Đánh giá công tác XDNTM nói chung và trong 6 tháng đầu năm 2022 nói riêng, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hệ thống hạ tầng KT-XH được đầu tư phát triển, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê trong tỉnh. Điều kiện sống cả về vật chất, tinh thần của số lượng lớn cư dân nông thôn được nâng cao. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng, có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của người dân. Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp đã thực hiện quyết liệt ở các địa phương, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Bên cạnh đó, công tác tổ chức lại sản xuất, dồn điền, đổi thửa tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều hình thức liên kết sản xuất giữa hộ dân với doanh nghiệp được tăng cường và mở rộng nhiều hơn, góp phần làm thay đổi hình thức sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân.
Đến nay, ở khu vực nông thôn, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên 39 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,63%. Toàn tỉnh có 75/129 xã đạt tiêu chí về thu nhập; 94 xã đạt tiêu chí hộ nghèo; 127 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm; 105 xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất... Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, song trên thực tế, thực hiện chương trình XDNTM gặp khá nhiều khó khăn, trở ngại trong thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch T.Ư giao cao hơn nhiều so với chỉ tiêu đăng ký của tỉnh. Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 các nội dung quy định có nhiều điểm mới so với Bộ tiêu chí cũ, các địa phương phải đánh giá lại thực trạng, rà soát, điều chỉnh kế hoạch nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Việc sáp nhập, điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã cũng gây khó khăn lớn cho thực hiện chương trình...
Theo đó, để gỡ khó cho quá trình triển khai thực hiện, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể, thành viên Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh và UBND các huyện, thành phố phải tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo chương trình, đảm bảo đáp ứng đầy đủ chất lượng hoạt động. Tích cực chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch XDNTM năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025 đã được UBND tỉnh giao. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của chương trình hỗ trợ cho các địa phương và giao cho các địa phương phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu theo các tiêu chí. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tiêu chí, chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí XDNTM giai đoạn 2021 - 2025, để các địa phương có cơ sở triển khai điều chỉnh kế hoạch và đánh giá kết quả đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2022.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, theo dõi các địa phương hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí NTM. Ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm ở những xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2022 nhằm hoàn thành vượt các chỉ tiêu được giao trong năm nay.
Thu Hiền