(HBĐT) - Còn nửa năm để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (CSNLCT) năm 2022, huyện Lạc Sơn đang quyết liệt triển khai các giải pháp cải thiện CSNLCT, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thúc đẩy thu hút đầu tư, góp phần tạo nguồn lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH.
Bộ phận "một cửa" huyện Lạc Sơn tập trung giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến
lĩnh vực đất đai.
Theo kết quả tổng hợp, phân tích, chất lượng dịch vụ công và bộ phận một cửa là một trong những chỉ số DDCI của huyện đạt khá với 7,76 điểm, đứng thứ 5 trong các huyện, thành phố. Bên cạnh các nội dung đã thực hiện tốt như văn hoá công sở, thái độ giao tiếp của cán bộ, công chức, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu công việc vẫn còn những ý kiến của tổ chức, cá nhân cho rằng việc tiếp cận, giải quyết các thủ tục hành chính chưa cải thiện nhiều, nhất là liên quan lĩnh vực đăng ký đất đai, tài nguyên - môi trường.
Trong khi đó, chỉ số tiếp cận đất đai của huyện đứng thứ 9/10 huyện, thành phố, đạt 6,22 điểm, thấp hơn điểm trung bình của tỉnh. Hiện có 13 nội dung về quản lý đất đai được áp dụng ở cấp chính quyền từ T.Ư đến địa phương. Việc triển khai các văn bản của cấp trên về chính sách thay đổi trong quản lý đất đai của các huyện, thành phố, sở, ban, ngành có tác động ít nhiều đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Cụ thể là khả năng tiếp cận đất đai (quỹ đất sạch, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận…), tính ổn định trong sử dụng đất (quy hoạch, thu hồi đất…) cũng như vấn đề bảo vệ môi trường. Do đó, chỉ tiêu đất đai được địa phương xác định là một chỉ số thành phần quan trọng đánh giá năng lực quản lý cấp huyện, thành phố.
Đồng chí Bùi Văn Lịnh, Chủ tịch UBND huyện thẳng thắn nhận định, năm 2021 là năm đầu tiên tỉnh thực hiện CSNLCT cấp huyện (DDCI). Mặc dù đứng ở tốp khá với vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng, có 6 chỉ số thành phần cao hơn so với bình quân của tỉnh nhưng huyện cần phải nâng bậc các chỉ số thành phần quyết liệt hơn, đồng thời cải thiện những chỉ số đang đạt thấp, gồm chỉ số hiệu lực thực thi pháp luật, thiết chế pháp lý và ANTT; tiếp cận đất đai; gia nhập thị trường và hoạt động cấp phép. Từ điểm số DDCI cho thấy, thực tế gia nhập thị trường và hoạt động cấp phép của huyện không phải lĩnh vực được đánh giá cao.
Quyết tâm thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải thiện CSNLCT, UBND huyện đã tổ chức hội nghị triển khai cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số DDCI cấp huyện với sự tham dự đầy đủ các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn, doanh nghiệp, HTX, nhà đầu tư đang hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Cùng với việc chỉ ra các tồn tại trong phát huy vai trò người đứng đầu; cải cách thủ tục hành chính; sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính; tinh thần trách nhiệm trong giải quyết công việc của một số cán bộ, công chức; nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh còn hạn chế…, đồng chí Chủ tịch UBND huyện đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND xã, thị trấn đánh giá, phân tích làm rõ những hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của từng đơn vị đối với các CSNLCT, đồng thời, thực hiện ngay giải pháp khắc phục. Trước hết, các phòng, ban, ngành huyện, UBND xã, thị trấn thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp và người dân bằng nhiều hình thức để nắm bắt những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi theo hướng tinh giản, rõ ràng, hiệu quả hơn. Chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức về thái độ, trình độ, nhận thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc. Có cơ chế kiểm tra, giám sát, luân chuyển định kỳ các bộ phận liên quan đến giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp. Có quy định thưởng, phạt công khai, nghiêm khắc đối với những trường hợp lợi dụng chức quyền, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền điện tử.
Bùi Minh