Là một trong những doanh nghiệp trọng điểm của nền kinh tế, mỗi năm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đóng góp hàng trăm nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.


PVN đẩy mạnh khai thác dầu khí nhằm bảo đảm nguồn cung ứng nội địa.

Tuy nhiên, do môi trường đầu tư kém hấp dẫn, sản lượng khai thác dầu khí đang ngày càng giảm qua các năm,... khiến hoạt động của ngành dầu khí không mang lại hiệu quả như mong đợi. Do đó, đã đến lúc cần sớm hoàn thiện, bổ sung các thể chế nhằm thúc đẩy dầu khí phát triển.

Tại buổi thảo luận tổ về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) mới đây, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi luật rất cần thiết và quan trọng, bởi trong thời gian dài, đây vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn trong kinh tế biển, đóng góp cho đất nước và bảo đảm an ninh quốc phòng. Điều quan trọng là phải rà soát hệ thống quản lý nhà nước trong lĩnh vực dầu khí, bảo đảm phù hợp trong cách tiếp cận và phương thức điều hành mới.

Gỡ bỏ những rào cản

Luật Dầu khí được ban hành năm 1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000, 2008, 2018, cùng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí. Đến nay, ngành dầu khí đã khai thác được hơn 420 triệu tấn dầu và hơn 160 tỷ mét khối khí. Giai đoạn 2006-2015, PVN đóng góp trung bình từ 20% đến 25% tổng thu ngân sách, chiếm từ 18% đến 25% GDP cả nước.

Từ năm 2015 đến nay, PVN đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước (trong đó từ dầu thô là 5%-6%, chiếm 10%-13% GDP cả nước) đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của ngành dầu khí trong nền kinh tế. Ngoài ra, ngành dầu khí còn đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển và đối ngoại.

Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập khẳng định, điều kiện khai thác dầu khí hiện rất khó khăn, nhất là dầu thô; sản lượng khai thác dầu thô trong nước giảm dần qua các năm giai đoạn 2016-2020, hệ số bù trữ lượng dầu khí suy giảm ở mức báo động; trữ lượng các mỏ hiện hữu đã vào giai đoạn giảm sâu; các mỏ mới được phát hiện có tiềm năng dầu khí hạn chế, trữ lượng nhỏ, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp; môi trường đầu tư dầu khí ngày càng khó khăn, từ năm 2019 đến nay không có hợp đồng dầu khí mới được ký kết; giá dầu thế giới tuy đã phục hồi khả quan hơn nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro,...

Khai thác khí đốt trong nước còn nhiều tiềm năng nhưng chưa được phát huy tương xứng là những thách thức mà ngành đang phải đối diện. Bên cạnh những khó khăn về điều kiện kỹ thuật, địa chất, tình hình triển khai thực địa, khó khăn trong cơ chế, chính sách pháp luật về dầu khí cũng ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động thăm dò khai thác dầu khí.

Trong quá trình triển khai các dự án dầu khí, trường hợp Luật Dầu khí chưa có quy định hoặc quy định nhưng chưa bao trùm được một số vấn đề thực tế mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí, các chủ thể liên quan được yêu cầu thực hiện trên cơ sở tham chiếu các quy định tại các luật khác. Tuy nhiên, các quy định tham chiếu đó thường không phù hợp đặc thù của hoạt động dầu khí cho nên rất khó trong quá trình vận dụng hoặc thực hiện.

Quy định của các văn bản pháp luật mới được ban hành trong một số trường hợp chưa phù hợp quy định của các hợp đồng dầu khí đã được ký kết trước đó hoặc không thống nhất, nhất là các quy định có ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của nhà đầu tư cho nên rất khó khăn trong việc hướng dẫn nhà thầu thực hiện nghĩa vụ tại thời điểm phát sinh, tiềm ẩn các rủi ro pháp lý,... Do đó, việc kịp thời sửa đổi, bổ sung các thể chế sẽ giúp ngành dầu khí phát triển trong tương lai.

Cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí

Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập cũng cho biết, trong quá trình triển khai hoạt động dầu khí theo quy định của các hợp đồng dầu khí, các nhà thầu Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước (PVN) hoặc doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí-PVEP), bên cạnh việc phải tuân theo các quy định của Luật Dầu khí và hợp đồng dầu khí như các nhà thầu nước ngoài khác, còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật khác của Việt Nam như Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp,...

Do có sự khác biệt này cho nên quá trình triển khai các dự án dầu khí của PVN và PVEP trong thời gian vừa qua đã gặp một số vướng mắc, đặc biệt liên quan đến các thủ tục đầu tư đối với dự án dầu khí.

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, bảo đảm tính cạnh tranh và tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, cần nghiên cứu để bổ sung vào dự thảo luật các hình thức, cơ chế ưu đãi khác, mở rộng phạm vi áp dụng chính sách ưu đãi đối với các hợp đồng đã được ký kết và đang thực hiện phát hiện có quy mô nhỏ, hiệu quả cận biên nhằm tận thu tài nguyên và tiết kiệm thời gian.

Xem xét sửa đổi quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện hoạt động dầu khí trong dự thảo Luật Dầu khí theo nguyên tắc mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi nhất của lĩnh vực dầu khí cũng bằng với mức thuế suất ưu đãi của các dự án thông thường khác là 20%. Với mục đích thúc đẩy sớm đưa vào phát triển khai thác các mỏ nhỏ cận biên, cần bổ sung tại dự thảo luật quy định về việc Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự thủ tục để xác định và thực hiện ưu đãi, đặc biệt ưu đãi đầu tư mỏ nhỏ cận biên.

Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các nhà đầu tư trong hoạt động dầu khí, phù hợp thông lệ quốc tế về bảo đảm đầu tư, dự thảo luật cần xem xét bổ sung quy định về ưu đãi đầu tư đối với các dự án dầu khí hiện đang triển khai theo hướng: "Trường hợp Luật Dầu khí quy định ưu đãi đầu tư mới, ưu đãi đầu tư cao hơn thì nhà thầu dầu khí được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Dầu khí kể từ thời điểm luật có hiệu lực đến thời điểm kết thúc hợp đồng dầu khí; Luật Dầu khí quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà thầu dầu khí được hưởng trước đó thì nhà thầu dầu khí được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định tại hợp đồng dầu khí",...

Có thể thấy, yêu cầu sửa đổi Luật Dầu khí là cấp thiết để tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước, phát huy vai trò của ngành dầu khí trong sự phát triển kinh tế và các nhiệm vụ an ninh quốc gia trên biển, càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi sớm khai thác, tận dụng được nguồn tài nguyên. Việc sớm hoàn thiện, bổ sung các thể chế sẽ giúp ngành dầu khí phát triển ổn định và bền vững trong tương lai.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục