Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong thị sát tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn.
Cuối năm 2021, Bắc Phong trở thành xã thứ 5 của huyện đạt chuẩn NTM, hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch đề ra. Bước tiếp hành trình xây dựng NTM của huyện, Bắc Phong đang tích thêm nội lực để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới mục tiêu tiếp theo là đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
Tại 2 xã Hợp Phong, Bình Thanh - theo kế hoạch về đích NTM vào cuối năm nay, áp lực khá cao để có thể hoàn thành các tiêu chí chưa đạt. Cụ thể, xã Hợp Phong đến nay đạt 16 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt, gồm tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư, tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 về hộ nghèo. Xã Bình Thanh còn 4 tiêu chí chưa đạt, gồm tiêu chí số 2 về giao thông, tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư cao nhưng còn hạn chế về nguồn lực, cả 2 xã đều xác định cần khắc phục khó khăn, lồng ghép các chương trình, dự án để tăng cường hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, ưu tiên thực hiện các hạng mục xây dựng hạ tầng thiết yếu chưa hoàn thành như: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa (đối với xã Bình Thanh), nhà ở dân cư (đối với xã Hợp Phong).
Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện trao đổi: Theo lộ trình đã hoạch định, năm 2022 huyện có 2 xã về đích NTM là Hợp Phong và Bình Thanh, năm 2023 là xã Thung Nai, năm 2024 là xã Thạch Yên, phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu Cao Phong được công nhận là huyện NTM. Mặc dù có lộ trình cụ thể và quyết tâm chính trị cao nhưng thực tế còn nhiều thách thức. Cả 4 xã chưa đạt chuẩn NTM hiện nay đều phải đối mặt với nhiều khó khăn để có thể về đích NTM. Như xã Thung Nai phấn đấu về đích NTM năm 2023 nhưng đến nay mới đạt 11 tiêu chí, còn 8 tiêu chí chưa đạt, trong đó có 2 tiêu chí liên quan đến nội lực của người dân là thu nhập và hộ nghèo. Xã Thạch Yên - xã vùng III phấn đấu về đích NTM năm 2024 nhưng mới đạt 13 tiêu chí, trong đó cũng gặp khó với 2 tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo. Đặc biệt, 2 xã phấn đấu về đích năm nay là Hợp Phong và Bình Thanh cũng chưa hoàn thành tiêu chí về thu nhập. Đây là "bài toán khó” đặt ra đối với lộ trình xây dựng NTM của toàn huyện.
Đồng chí Bùi Hoài Nhi, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Để hướng tới mục tiêu đến năm 2025, Cao Phong trở thành huyện NTM, huyện sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhóm giải pháp. Trong đó, tiếp tục ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng; chú trọng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; mở rộng diện tích sản xuất hàng hóa áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tăng hàm lượng KHCN, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, chế biến nông sản; triển khai hiệu quả Chương trình OCOP... Các giải pháp đang được huyện tích cực triển khai với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, quan trọng nhất là có sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong hành trình xây dựng NTM.
Thực tế những năm qua, hành trình xây dựng NTM với nòng cốt là các giải pháp phát triển KT-XH bền vững đã tiếp thêm sức mạnh để toàn huyện nỗ lực chuyển mình. Cao Phong ngày nay có diện mạo hoàn toàn khác so với thời điểm mới khởi động chương trình. Tại các xã đạt chuẩn NTM, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao nhờ biết khai thác hiệu quả các lợi thế về sản xuất nông nghiệp... Đó là nền tảng thuận lợi để huyện phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM, thực sự trở thành một vùng quê nổi bật trong bức tranh xây dựng NTM của tỉnh.
Thu Trang