(HBĐT) - Trong 20 năm qua, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã đồng hành cùng nông dân trên địa bàn tỉnh trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, trở thành động lực quan trọng để nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế.
Hộ dân xóm Trang Trên, xã Hợp Phong (Cao Phong) sử dụng vốn chính sách đầu tư chăn nuôi trâu đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Xã Hợp Phong (Cao Phong) hiện có tổng dư nợ tín dụng chính sách trên 70 tỷ đồng đồng, với 11 chương trình tín dụng. Toàn xã có 41 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), với gần 1,4 nghìn hộ còn dư nợ. Trong đó, dư nợ do Hội Nông dân (HND) xã quản lý trên 18,7 tỷ đồng, tăng gấp 62 lần so với năm 2004. HND xã đang quản lý 11 tổ TK&VV, với gần 400 hộ vay. Đồng chí Bùi Văn Ngân, Chủ tịch HND xã cho biết: Trong 20 năm qua, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đã giúp gần 7 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn xã được vay vốn; thu hút tạo việc làm cho gần 500 lao động; gần 1 nghìn học sinh sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 2,8 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng, xoá nhà tạm gần 700 căn nhà.
Thông qua vốn chính sách đã có nhiều hội viên HND thoát nghèo bền vững. Điển hình như hộ ông Bùi Văn An, xóm Trang Trên từ diện hộ nghèo, không có vốn để phát triển kinh tế, ngôi nhà tạm bợ nhưng nay đã thoát nghèo, xây được nhà ở kiên cố; hộ ông Nguyễn Đình Long, xóm Chằng Ngoài nhờ được vay vốn chương trình HSSV đã giúp nuôi con cái học tập tại các trường đại học, cao đẳng, ra trường có việc làm ổn định. "Để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, HND xã đã tuyên truyền kịp thời các chương trình tín dụng chính sách, nhất là các chương trình mới để người dân nắm bắt. Vận động hộ nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn gia nhập tổ TK&VV để vay vốn, giám sát lẫn nhau trong quá trình sử nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, nhằm nâng cao hiệu quả đồng vốn” - đồng chí Bùi Văn Ngân, Chủ tịch HND xã Hợp Phong cho biết thêm.
Đối với xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) có dư nợ tín dụng chính sách trên 55 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ do HND xã quản lý trên 11,5 tỷ đồng, 8 tổ TK&VV, với 280 hộ vay. Đồng chí Bùi Văn Sửu, Chủ tịch HND xã cho biết: Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Nhờ được tiếp cận vốn chính sách, đời sống của nhiều hộ dân đã thay đổi rõ rệt, từ chỗ thiếu ăn đến có "của ăn, của để”. Như gia đình ông Bùi Văn Thươm - xóm Bận Dọi, Bùi Văn Trịnh - xóm Khi, từ diện hộ nghèo, nhà ở tạm bợ đã xây dựng được những ngôi nhà khang trang, con cái học hành đến nơi, đến chốn. Đồng chí Chủ tịch HND xã nhấn mạnh, tín dụng chính sách không chỉ giúp hội viên có vốn để vượt lên khó khăn, mà thông qua những hoạt động ủy thác đã góp phần thu hút ngày càng nhiều nông dân tham vào tổ chức hội, góp phần xây dựng và phát triển tổ chức hội ngày càng vững mạnh hơn.
Theo lãnh đạo HND tỉnh cho biết: Qua gần 20 năm đồng hành cùng NHCSXH, HND các cấp luôn xác định rõ nhiệm vụ chính trị và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác nhận ủy thác. Tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội, cũng như thực hiện tốt công tác phối hợp trong thực hiện quy trình cho vay, giám sát sử dụng vốn vay. Nhờ đó, vốn chính sách đã được chuyển tải kịp thời đến hội viên, nông dân có cơ hội đầu tư mở rộng sản xuất, thâm canh, tăng năng suất, tăng thu nhập cho gia đình. Đến hết ngày 31/8/2022, HND tỉnh quản lý 666 tổ TK&VV, dư nợ ủy thác trên 1.012 tỷ đồng (tăng gần 939 tỷ đồng so với năm 2004) với trên 25 nghìn khách hàng.
Viết Đào
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, huyện Lạc Thuỷ tập trung đôn đốc, kiểm tra các xã, thị trấn thực hiện làm giao thông nông thôn (GTNT). Phong trào ra quân làm đường GTNT đạt kết quả cao so với kế hoạch.
(HBĐT) - Bám sát các chỉ tiêu nghị quyết HĐND huyện giao, ngay từ đầu năm, UBND huyện Lạc Thuỷ đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách, các ngành, đơn vị, các xã, thị trấn thực hiện nhiều biện pháp tăng cường nguồn thu, chống thất thu ngân sách. Chủ động sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, đảm bảo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
(HBĐT) - Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3043/QĐ-UBND, ngày 21/12/2021 về phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Hòa Bình đã phỏng vấn đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh về tầm quan trọng và việc triển khai chương trình trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến thời điểm hiện tại, TP Hòa Bình có 16 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh hạng 3 - 4 sao, trong đó có 9 sản phẩm 3 sao, 7 sản phẩm 4 sao.
(HBĐT) - Nhằm bảo tồn, phát triển một số giống gà bản địa, UBND tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển chăn nuôi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, HTX thông qua các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, khuyến nông... Đồng thời, khuyến khích các địa phương thực hiện Chương trình OCOP nhằm định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ, quản lý, giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
(HBĐT) - Với 126 đoàn viên, thanh niên (ĐV-TN), sinh hoạt tại 17 chi đoàn trực thuộc, những năm qua, Đoàn Thanh niên thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) từng bước thực hiện hiệu quả phong trào "Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”; có nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, tăng cường hoạt động hỗ trợ góp phần nâng bước thanh niên phát triển kinh tế.