Những ngày qua, nhiều hộ sinh sống tại khu vực đê Đà Giang tiến hành dọn vệ sinh, thu hoạch hoa màu, tháo dỡ hàng rào và phá bỏ bể nước, gạch đá, bao đất quanh khu vực taluy đê Đà Giang. Khác với những lần trước, lực lượng chức năng phải tuyên truyền, nhắc nhở, thậm chí cưỡng chế đối với hành vi xâm lấn đê, lần này tất cả các hộ đều phấn khởi và nghiêm túc thực hiện. Bà Đào Thị Thu, tổ 9, phường Đồng Tiến cho biết: Khi được thông tin về Đề án kinh tế đêm TP Hoà Bình triển khai tại khu vực đê Đà Giang, gia đình tôi rất phấn khởi. Có thể nói, đây cũng là mong muốn của rất nhiều hộ vì chúng tôi tin rằng, khi được triển khai sẽ tạo điều kiện về thu nhập, việc làm cho nhiều hộ dân. Chính vì vậy, chúng tôi sẵn sàng trả lại mặt bằng cho thành phố.
Được biết, kế hoạch của TP Hòa Bình là trong 5 ngày (từ 6 - 10/10) sẽ hoàn thành việc bàn giao mặt bằng để thực hiện đề án. Đồng chí Nguyễn Tiến Quý, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Tiến cho biết: Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh về việc triển khai Đề án kinh tế ban đêm tại TP Hòa Bình và Công văn số 3503 của UBND thành phố, UBND phường Đồng Tiến đã thông báo đến toàn thể hộ dân, nhất là các hộ sinh sống sát mặt đê thuộc các tổ 1, 9, 10, 11 và các hộ hiện đang trồng rau, hoa màu trên taluy đê Đà Giang khẩn trương thu hoạch hoa màu, dọn vệ sinh môi trường để trả lại mặt bằng triển khai đề án.
Việc thực hiện thí điểm tại phường Phương Lâm, Đồng Tiến làm cơ sở thực hiện hiệu quả Đề án phát triển kinh tế đêm tại tỉnh Hoà Bình. Đề án nhằm đẩy mạnh phát triển các ngành du lịch, dịch vụ của TP Hòa Bình và tạo việc làm cho người lao động. Đề án đặt mục tiêu, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân ngành thương mại - dịch vụ, du lịch trong khu kinh tế ban đêm dự kiến tăng 20%/năm. Đến năm 2023, doanh thu dịch vụ - thương mại tại khu kinh tế ban đêm đạt 500 tỷ đồng/năm (chiếm 20 -25% doanh thu dịch vụ - thương mại tổng hợp trên địa bàn 2 phường Phương Lâm, Đồng Tiến). Đáp ứng nhu cầu tham gia kinh tế ban đêm cho 500.000 khách du lịch/năm. Thời gian lưu trú bình quân của khách du lịch tăng lên, đối với khách nội địa là 1,5 ngày/khách, đối với khách quốc tế là 2 ngày/khách.
Theo đồng chí Đỗ Thị Loan, Phòng Kinh tế - hạ tầng TP Hoà Bình: Hiện, thành phố có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng phục vụ tốt cho phát triển kinh tế đêm. Tính đến hết năm 2021, trên địa bàn thành phố có 1.279 doanh nghiệp, 62 HTX và trên 7.644 hộ kinh doanh, trong đó chiếm hơn 50% là doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, vận tải, du lịch. Đối với dịch vụ ăn uống, hiện có gần 379 cơ sở kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, trong đó khoảng 10 nhà hàng đủ tiêu chuẩn đón khách du lịch và gần 80 cơ sở kinh doanh ăn uống hoạt động vào ban đêm (sau 20h), chủ yếu tập trung nhiều ở các phường: Phương Lâm, Đồng Tiến, Quỳnh Lâm. Tuy nhiên, các cơ sở ăn uống ở thành phố còn hạn chế về quy mô và chất lượng nhỏ lẻ, rải rác, chưa có khu tập trung ẩm thực về đêm đủ lớn để có thể tạo sức hút khách du lịch thăm quan và trải nghiệm ẩm thực vào ban đêm.
Để phát triển mô hình kinh tế ban đêm, UBND thành phố xác định tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật sâu rộng về quy định ANTT, trật tự đô thị, văn minh thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế ban đêm gắn với nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt chú trọng truyền thông tới các cơ sở kinh doanh ban đêm nâng cao ý thức đạo đức kinh doanh. Lập kế hoạch vận động, kêu gọi và tuyên truyền về liên kết hợp tác giữa các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn lớn, các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố để nâng cao nhận thức của các chủ thể kinh tế xây dựng mối quan hệ liên kết kinh tế, nâng cao hiệu quả và phát huy hết công năng sử dụng của khu kinh tế ban đêm, nắm rõ lợi ích của việc liên kết là đảm bảo chia sẻ hài hòa lợi ích cho chính mình. Vận động, khuyến khích đội văn nghệ các phường, xã có phong trào văn hóa, văn nghệ luyện tập biểu diễn định kỳ các tiết mục văn hóa truyền thống của dân tộc tại điểm sinh hoạt văn hóa trung tâm của khu kinh tế ban đêm.
Đinh Hòa