(HBĐT) -  "Câu chuyện sản phẩm” (CCSP) là tiêu chí quan trọng trong Bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; chiếm 10/100 điểm trong thang điểm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Việc xây dựng CCSP thú vị, hấp dẫn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.


Sản phẩm OCOP của tỉnh tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng. Ảnh chụp tại HTX Hà Phong, xã Bắc Phong (Cao Phong).

Câu chuyện sản phẩm là thông điệp mà chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng, người tiêu dùng nhằm thay đổi cảm xúc của họ khi mua sắm sản phẩm, dịch vụ, tạo nên thương hiệu. Nó mang giá trị vô hình nhưng có thể chạm đến cảm xúc và trái tim của người tiêu dùng, thay đổi hành vi của khách hàng. Từng CCSP OCOP chứa đựng niềm tự hào, dấu ấn, giá trị truyền thống của mỗi vùng đất. 

Thời gian qua, Sở NN&PTNT có nhiều giải pháp triển khai Chương trình OCOP. Sở đã phối hợp đơn vị tư vấn, UBND các huyện, thành phố hỗ trợ chủ thể lựa chọn sản phẩm tiềm năng đăng ký tham gia chương trình, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, chuẩn hóa sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng. Đơn vị tư vấn luôn quan tâm, hướng dẫn chủ thể cách xây dựng CCSP hấp dẫn, ý nghĩa, gần gũi, mộc mạc nhưng thể hiện được sự tinh túy, cầu kỳ trong sản xuất, chế biến. Từng câu chuyện ngắn gọn nhưng toát lên được hồn cốt của sản phẩm, toát lên niềm tự hào của người dân đối với mảnh đất mình sinh ra và lớn lên. Tuy nhiên, CCSP phải đúng sự thật, được cơ quan có thẩm quyền kiểm định.  

Từ lâu cơm lam trở thành món ăn dân dã nhưng chứa đựng nét văn hóa độc đáo của người Mường Động. Để viết nên CCSP ý nghĩa, anh Phạm Hồng Sơn, chủ thể sản phẩm OCOP 3 sao cơm lam Mường Động đã khéo léo kể lại câu chuyện của các bố, các mế trong Mường từ xa xưa để chinh phục khách du lịch khắp mọi miền đất nước. Anh Sơn chia sẻ: Theo các cụ trong Mường, trước kia người dân Mường Động còn đói khổ, thường phải đi rừng, đi nương đào củ sắn, củ mài về ăn nên họ phải đi từ mờ sáng tới khi mặt trời lặn, thậm chí ngủ trong rừng. Vì vậy, người dân phải mang theo lương thực như gạo, muối vừng để ăn. Do không thể mang theo những vật dụng để nấu ăn nên bà con đã chọn cây nứa, cây hóp bánh tẻ có nước ở bên trong rồi cho gạo, sắn vào đó và nướng trên than hồng đến khi bên ngoài cháy vàng thì cơm trong ống sẽ chín. Khi ăn cơm có vị ngọt, bùi và hương thơm rất đặc trưng của tre, nứa non nên người dân gọi đó là cơm lam.

Ngày nay, khi cuộc sống của người Mường Động có nhiều thay đổi, họ không còn làm cơm lam khi đi lao động sản xuất nhưng không vì thế mà món cơm lam bị mai một. Thay vào đó, cơm lam trở thành món ăn thường xuyên trong sinh hoạt của mỗi gia đình. Đồng thời, cơm lam còn mang giá trị kinh tế cho hàng trăm hộ tại các điểm du lịch và khu nghỉ dưỡng của huyện Kim Bôi như khu du lịch suối khoáng và các khu resort…  

Mỗi sản phẩm OCOP được kể bằng một câu chuyện riêng, cùng là sản phẩm thổ cẩm nhưng thổ cẩm của người Thái, huyện Mai Châu khác với câu chuyện thổ cẩm của người Mường ở huyện Lạc Sơn. Sự kết hợp giữa văn hóa và chất lượng tạo nên sự khác biệt trong mỗi CCSP mà chủ thể OCOP thể hiện. CCSP được in trên bao bì từng sản phẩm OCOP, giúp chủ thể OCOP quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng.

Theo Sở NN&PTNT, thời gian tới, để giúp chủ thể tham gia Chương trình OCOP sáng tạo ra những CCSP có ý nghĩa, các cấp, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi gợi được niềm tự hào của chủ thể, của cộng đồng cùng chung tay bảo tồn, phát triển sản phẩm đặc trưng; mở các lớp tập huấn, xây dựng bộ bài giảng cho từng nhóm đối tượng, từng nhóm sản phẩm; mở rộng mạng lưới tư vấn, nhất là các chuyên gia về văn hóa, mỹ thuật công nghiệp, công nghiệp chế biến khi tư vấn cho các chủ thể OCOP. Đặc biệt, cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, ưu tiên, tôn vinh các sản phẩm có câu chuyện hay, độc đáo, thể hiện bản sắc địa phương.

 Thu Thủy

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục