Người dân đến làm thủ tục tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hoà Bình.
Bằng các giải pháp đồng bộ, tích cực của cơ quan chuyên môn, sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, tính đến đầu tháng 9/2022, tổng diện tích phải đăng ký, cấp GCNQSDĐ trên địa bàn tỉnh là 325.928 ha, bao gồm đã cấp giấy chứng nhận 305.497 ha, còn phải cấp giấy chứng nhận lần đầu gần 20.430 ha. Trong đó, đã cấp 1.327.719 giấy chứng nhận với tổng diện tích trên 305.497 ha. Cụ thể, tại TP Hòa Bình đã cấp 132.467 giấy, diện tích 9.679,9 ha; huyện Kỳ Sơn (cũ) 67.782 giấy, diện tích 14.313,8 ha; Tân Lạc 82.610 giấy, diện tích 39.016 ha; Lạc Sơn 150.198 giấy, diện tích khoảng 43.486 ha; Yên Thủy 93.853 giấy, diện tích trên 17.310 ha; Lương Sơn 106.470 giấy, diện tích 21.348 ha; Mai Châu 178.965 giấy, diện tích 35.604 ha; Cao Phong 64.718 giấy, diện tích gần 18.040 ha; Kim Bôi 179.167 giấy, diện tích trên 42.280 ha; Lạc Thủy 74.676 giấy, diện tích 17.312 ha; Đà Bắc 196.815 giấy, diện tích 47.104 ha. Hiện còn phải cấp 168.286 giấy. Tổng diện tích phải đăng ký, không phải cấp giấy trên địa bàn khoảng 133.133 ha.
Theo Sở TN&MT, trên cơ sở báo cáo của UBND các huyện, thành phố, Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ), sau khi tổng hợp, đến nay, trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng các loại đất cho các hộ gia đình, cá nhân, tạo điều kiện cho người sử dụng đất có giấy tờ hợp pháp để thực hiện các quyền theo quy định. Đến hết tháng 8/2022 đã hoàn thành cấp giấy chứng nhận đạt 93,5% diện tích cần cấp.
Đầu năm 2022, Sở TN&MT có Văn bản số 673/STNMT-QLĐĐ gửi UBND các huyện, thành phố về việc tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện kê khai ĐKĐĐ. Trong đó, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng TN&MT, UBND xã, phường, thị trấn và các tổ chức, đoàn thể liên quan thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người sử dụng đất nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về đất đai, rà soát đất đai đang quản lý, sử dụng và kê khai ĐKĐĐ.
Trường hợp phát hiện có sai sót về hình thể, diện tích thửa đất hoặc thông tin, địa chỉ người sử dụng đất..., người sử dụng đất kê khai lập hồ sơ đăng ký biến động đất đai nộp tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện để chuyển Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ cấp huyện chỉnh lý hồ sơ địa chính, trình cấp GCNQSDĐ theo quy định.
Theo đánh giá, các cấp chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn đã tích cực, chủ động trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc ĐKĐĐ, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Đến nay, về cơ bản, công tác ĐKĐĐ, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đáp ứng được mục tiêu đề ra, tạo điều kiện cho người sử dụng đất có giấy tờ hợp pháp để thực hiện các quyền theo quy định. Đặc biệt, kết quả cấp giấy chứng nhận làm cơ sở giúp công tác quản lý đất đai ngày càng chặt chẽ, thuận tiện, đồng thời tạo nền tảng cho việc quản lý đất đai theo phương pháp công nghệ số, tiến tới hội nhập với trình độ khoa học tiên tiến của các nước phát triển.
Đối với việc chấp hành quy định ĐKĐĐ, đăng ký biến động đất đai khi chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện quyền của người sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cơ bản chấp hành đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong việc kê khai, đăng ký, thực hiện nghĩa vụ tài chính, lập hồ sơ chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn, gia hạn sử dụng đất.
Theo đồng chí Nguyễn Trần Anh, Giám đốc Sở TN&MT, cấp GCNQSDĐ là vấn đề được người dân quan tâm. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương, giảm tranh chấp, khiếu kiện về đất đai. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khó khăn, phức tạp, do đất đai biến động trong quá trình sử dụng nhưng chưa được cập nhật, chỉnh lý kịp thời, đúng quy định trong hồ sơ, tài liệu về đất đai.
Trong thời gian tới, các đơn vị chức năng, đơn vị chuyên môn thuộc Sở TN&MT sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương trong xét duyệt, thẩm định hồ sơ cấp GCNQSDĐ, nâng cao sự chủ động của người dân trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thực hiện nghiêm quy trình giải quyết đối với từng thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Đẩy mạnh tuyên truyền đến người sử dụng đất các quy định của pháp luật về đất đai; tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm về đất đai...
Cùng với đó, các Văn phòng ĐKĐĐ chấn chỉnh việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân chậm, trễ hẹn; thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định; giải quyết dứt điểm hồ sơ hộ gia đình, cá nhân đã kê khai đăng ký, đề nghị cấp giấy chứng nhận còn tồn tại ở các Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ…