(HBĐT) - Từ một huyện có ngành nông nghiệp sản xuất manh mún, đến nay, Tân Lạc đã trở thành vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh nhờ ứng dụng KHCN, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Hiện, huyện có 16 HTX và tổ hợp tác với khoảng 1.150 ha bưởi đỏ, 1.100 ha mía, 150 ha rau củ ôn đới, 760 lồng cá... Các HTX đều có sản phẩm được chứng nhận VietGAP, 5 sản phẩm được chứng nhận OCOP.
Huyện có QL6 và 12B đi qua, là cửa ngõ kết nối các tỉnh Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội, địa hình phân vùng rõ rệt. Vùng thấp gần quốc lộ có lợi thế phát triển vùng chuyên canh cây bưởi đỏ như các xã: Đông Lai, Thanh Hối, Tử Nê và một số khu vực thuộc thị trấn Mãn Đức, xã Phong Phú; vùng trồng mía tại các xã: Phú Vinh, Mỹ Hòa, Suối Hoa. Các xã vùng cao Quyết Chiến, Vân Sơn, Ngổ Luông khí hậu mát mẻ, có lợi thế phát triển vùng trồng rau, củ ôn đới như: su su, củ cải, cải bắp, cải thảo… Vùng lòng hồ xã Suối Hoa có điều kiện phát triển nuôi cá lồng. Ngoài ra, huyện có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; phát triển cây lâm nghiệp, cây dược liệu, chè Shan tuyết...
Đồng chí Bùi Đức Hiển, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Nắm bắt được những lợi thế của địa phương, huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về chính sách thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp như: thực hiện liên kết đầu tư, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ người dân, HTX, tổ hợp tác tiếp cận các nguồn vốn tín dụng; tập huấn chuyển giao KHKT; tổ chức thăm quan học tập kinh nghiệm, các chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp... Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với XDNTM, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hoá lớn gắn với thị trường.
Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước, UBND huyện đã phối hợp ký thỏa thuận hợp tác phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bưởi đỏ với Công ty CP nông nghiệp hữu cơ FUSA; ký biên bản ghi nhớ với Công ty CP dược phẩm Lovefarm Organic về triển khai quy hoạch vùng trồng dược liệu và xây dựng khu sơ chế dược liệu. Ngoài tiêu thụ trong nước, năm 2021, sản phẩm mía của huyện đã xuất sang thị trường EU được 49 tấn. Sản phẩm bưởi đỏ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Dự kiến tháng 11/2022, sản phẩm bưởi đỏ sẽ xuất container đầu tiên sang thị trường EU.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi từng bước chuyển đổi từ hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học. Các gia trại, trang trại sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, có kiểm soát, bảo đảm an toàn sinh học và bền vững. Trong nuôi trồng thuỷ sản, toàn huyện có 139,56 ha mặt nước, 760 lồng cá; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 1.100 tấn.
Trong những năm tới, Đảng bộ huyện định hướng phát triển ngành nông nghiệp sản xuất hàng hoá tập trung áp dụng tiến bộ KHKT, khuyến khích nông dân, HTX và tổ hợp tác ứng dụng nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển các loại hình du lịch. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm gắn với XDNTM. Đồng thời, phát triển KT-XH gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tích hợp trong quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của từng ngành, lĩnh vực. Đưa lĩnh vực nông nghiệp trở thành mũi nhọn trọng điểm của huyện
Việt Lâm