Bài 1: Làm giàu từ sản xuất lớn


Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết là hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Ðây là bối cảnh mới và cơ hội mới để nền nông nghiệp nước nhà phát triển lớn mạnh, theo xu thế hiện đại hóa, công nghiệp hóa.


Mô hình tích tụ ruộng đất ở huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất thuận lợi cho cơ giới hóa.

Ðể khuyến khích việc tích tụ, tập trung đất đai trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, nhiều địa phương đã thúc đẩy sản xuất quy mô lớn, với chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, khuyến khích phát triển các mô hình liên kết trong sản xuất, hình thành cánh đồng lớn…

Từ những chính sách đó, nhiều hộ gia đình tập trung được diện tích lớn để sản xuất; nhiều mô hình liên kết của doanh nghiệp thu hút đông đảo nông dân tham gia đạt kết quả cao.

Nông dân "dám nghĩ, dám làm"

Anh Nguyễn Văn Khanh, ngụ xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Ðồng Tháp đang sản xuất lúa trên diện tích 120ha (tương đương 1.200 công) đất ruộng, phần lớn là thuê lại đất của anh, chị em trong gia đình và hàng xóm. Chúng tôi tìm đến cánh đồng xã Phú Cường khi anh Nguyễn Văn Khanh đã xuống giống cho vụ đông xuân sớm. Anh Khanh cho hay, từ năm 2013, anh bàn với cha và sáu anh em trong gia đình dồn đất để giao cho anh sản xuất với tổng diện tích 70ha. Sau đó, anh thương lượng với các gia đình khác chuyển nhượng đất không có nhu cầu sử dụng cho mình. Từ đó, anh tổ chức quy hoạch, cải tạo và đầu tư mua sắm máy móc, nông cụ để phục vụ sản xuất. "Sản xuất lúa diện tích lớn thì dễ thực hiện cơ giới hóa, mang lại hiệu quả cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ. Hiện, tổng thu nhập từ làm ruộng của gia đình tôi mỗi năm lên tới hàng tỷ đồng"- anh Khanh nói.

Suốt mấy chục năm canh tác lúa, ông Phạm Văn Nhựt (ngụ xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) đã tích tụ được 3,5ha đất để trồng lúa. Nhờ diện tích đất lớn hơn các hộ dân chung quanh nên ông có điều kiện cơ giới hóa sản xuất để tăng hiệu quả, lợi nhuận. Ông Nhựt kể lại: "Năm 1994, tôi lấy vợ, được gia đình cho ra ở riêng với 6.000m2 ban đầu chuyên trồng lúa để lập nghiệp. Từ đó, vợ chồng tôi tích góp qua từng mùa vụ và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mỗi lần vài nghìn mét vuông. Ðến nay, gia đình có diện tích đất lớn để áp dụng mô hình khép kín bằng việc sản xuất lúa hữu cơ, chăn nuôi bò, trồng cỏ". Ông Nhựt đã đầu tư gần một tỷ đồng để mua máy cuộn rơm, máy cày, máy bơm nước, máy phun hạt giống, lò sấy lúa, nhà máy xay xát lúa… Ðặc biệt, sau mùa vụ ông Nhựt không bán lúa tươi ngay tại ruộng như hầu hết những nông dân khác mà vận chuyển về sấy, xay xát rồi đóng gói, bán gạo mang thương hiệu của mình là gạo tím Ba Nhựt và nếp cẩm Ba Nhựt. Hiện tại, ông Nhựt sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ để cung ứng gạo sạch ra thị trường. Sau khi thu hoạch lúa, phần rơm đem về nuôi bò lấy phân để trồng cỏ, trồng lúa; một phần gạo được nấu rượu lấy bã cho bò ăn; trấu được đem cung ứng cho cơ sở nuôi gà để đổi lại phần phân gà đem về ủ làm phân hữu cơ, phần cám thu được khi xay lúa sẽ bán để làm mỹ phẩm... Hiện, ông liên kết với các nông dân khác để sản xuất lúa với số lượng lớn, đóng gói thành phẩm gạo để tiêu thụ khắp cả nước với giá trị tăng gấp năm lần so với bán lúa tươi ngay tại ruộng. Ông Nhựt cho biết: "Nhờ có nhiều ruộng đất nên tôi mới có điều kiện mua sắm máy móc để cơ giới hóa đồng ruộng chứ nông dân vài ba công đất thì làm chỉ đủ ăn, rất khó làm giàu từ trồng lúa. Hằng năm, tôi cung ứng gạo cho các cơ sở tại các tỉnh và bán hàng qua kênh online. Mới đây, tôi ký hợp đồng cung ứng gạo tím để một đơn vị ở Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) làm bún và một đơn vị ở Vũng Tàu làm cốm nên đầu ra ổn định, giá trị hạt lúa tăng lên".

Doanh nghiệp, hợp tác xã tạo dựng chuỗi liên kết

Tại tỉnh Tiền Giang, Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang phối hợp với địa phương triển khai dự án sản xuất dừa hữu cơ tại huyện Chợ Gạo với diện tích 300ha. Dự kiến đến cuối năm 2024, diện tích này tăng lên 1.500ha. Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang Nguyễn Minh Tuấn cho biết: "Doanh nghiệp đang quyết liệt triển khai ký kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm tập hợp nhiều nông dân và diện tích để hướng dẫn kỹ thuật trồng dừa hữu cơ. Nếu muốn phát triển nông nghiệp bền vững, kết nối nông sản Việt với thị trường quốc tế thì phải liên kết với nông dân, chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ".

Riêng với mô hình tập trung ruộng đất thông qua hợp tác xã, đến nay, tỉnh Tiền Giang đã có 183 hợp tác xã nông nghiệp, tăng 141 hợp tác xã so với năm 2012. Thông qua hợp tác xã, nông dân liên kết lại để cùng tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm nhưng không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai, đến nay, toàn tỉnh có 130 hợp tác xã thực hiện thuê đất với 291,7ha để xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho... phục vụ sản xuất.

Tại một số tỉnh miền trung, do diện tích sản xuất nông nghiệp chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún nên việc dồn ô đổi thửa được chú trọng để tiến tới tập trung, tích tụ ruộng đất. Số liệu từ Phòng Nông nghiệp huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, qua hai năm triển khai đề án tập trung, tích tụ ruộng đất, đến nay địa phương chuyển đổi được gần 2.300ha, chiếm khoảng 24% diện tích sản xuất lúa toàn huyện. Số ô thửa trong vùng giảm so với trước khi thực hiện đề án là 12.222 thửa. Theo Giám đốc Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Nông nghiệp Hạ Vàng, xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc Nguyễn Ðình Trung, trước đây trên diện tích 30ha đất sản xuất của hợp tác xã tồn tại 1.745 thửa ruộng. Mỗi mùa sản xuất các thành viên tốn rất nhiều công sức để gieo trỉa, chăm sóc… Sau khi chuyển đổi, xóa bờ vùng, bờ thửa chỉ còn 15 thửa ruộng nên sản xuất và thu hoạch đều được cơ giới hóa rất nhanh, hiệu quả.

Ðối với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, quá trình tập trung, tích tụ ruộng đất đang được đẩy mạnh. Theo Cục Thống kê tỉnh Thái Bình, kết quả đến năm 2020, tỉnh Thái Bình đã có 22.169,58ha đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản (tăng 4.760,3ha so với năm 2019), trong đó: có 7.883,58ha đất nông nghiệp được tập trung theo hình thức thuê đất, góp đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất; diện tích đất tập trung theo hình thức hợp đồng liên kết gắn với tiêu thụ 14.286ha. Hầu hết mô hình đều được đánh giá có hiệu quả hơn từ 1,5 đến hai lần so với sản xuất thông thường khi chưa được tích tụ, tập trung. Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, toàn tỉnh cơ bản hoàn thành dồn điền đổi thửa, với kết quả 51,56% số hộ nông dân có một thửa, 39,71% hộ nông dân có hai thửa, 8,73% hộ nông dân có ba thửa. Một số mô hình tập trung, tích tụ đất sản xuất mang lại hiệu quả cao, như: Mô hình thuê ruộng để trồng chuối xuất khẩu của Công ty TNHH Thuận Tâm Thành, quy mô 60ha ở huyện Khoái Châu và Kim Ðộng; mô hình thuê ruộng quy mô 7ha (thuê của 25 hộ) của Hợp tác xã rau an toàn Phú Thịnh, huyện Kim Ðộng; mô hình doanh nghiệp thuê đất để sản xuất khoai tây vụ đông tại Việt Hưng, Văn Lâm với quy mô hơn 50ha…

Tại Nam Ðịnh, tổng diện tích ruộng đất tập trung, tích tụ được trên toàn tỉnh khoảng hơn 2.000ha, đã quy hoạch và xây dựng ổn định hơn 150 cánh đồng lớn và hình thành 36 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp. Ở phương thức này, hầu hết các hợp tác xã đã liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để giải quyết bài toán sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Một số doanh nghiệp tập trung, tích tụ ruộng đất nông nghiệp tiêu biểu như: Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty TNHH Cường Tân, Công ty cổ phần Rau quả sạch Ngọc Anh, Hợp tác xã nông nghiệp Trường Xuân… Hình thức chủ yếu là thuê quyền sử dụng đất của nông dân để hình thành các vùng nông nghiệp tập trung, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao. Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh (huyện Trực Ninh) Lê Văn Thanh cho biết: Trước đây công ty là doanh nghiệp nhà nước. Sau khi cổ phần hóa, công ty đã thu gom, tích tụ ruộng đất và liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao với các hộ nông dân trên diện tích 300ha. Nhờ chuẩn hóa, đồng nhất tất cả các khâu từ giống, kỹ thuật, chăm bón đến bao tiêu sản phẩm, công ty bảo đảm được chất lượng hạt gạo, giúp nông dân tăng năng suất, tăng thu nhập khoảng 10% so với phương thức canh tác nhỏ lẻ, manh mún cũ. Sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn cũng là giải pháp hữu hiệu để tránh tình trạng người dân bỏ ruộng, vốn là xu hướng ngày một gia tăng do hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất nhỏ lẻ không đáp ứng được mức sống và vật giá hiện tại.

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Thị trường xăng dầu lao đao trong cơn khát nguồn cung

(HBĐT) - Thời gian vừa qua, trong bối cảnh thiếu nguồn cung nên tại một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh bán kiểu "nhỏ giọt”, với lý do đảm bảo đủ cung cấp cho người dân địa phương, tránh tình trạng đầu cơ... 

Sẵn sàng quảng bá nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP

(HBĐT) - Theo kế hoạch, Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng Trung du, miền núi phía Bắc (Hội chợ) năm 2022 được tổ chức trong 5 ngày (từ 17 - 21/11/2022) tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm tỉnh Hòa Bình (Quảng trường Hòa Bình - TP Hòa Bình). Hướng tới sự kiện quan trọng này, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng nguồn hàng để trưng bày, cung cấp tới người tiêu dùng.

Hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(HBĐT) - Nội dung thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 4, Mục III Chương trình ban hành kèm theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg.

Đảng bộ xã Tú Sơn lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp

(HBĐT) - Những năm qua, Đảng bộ xã Tú Sơn (Kim Bôi) lãnh đạo địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, trong đó chú trọng xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có giá trị kinh tế và huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông, góp phần nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.

Ngân hàng kiểm soát rủi ro, giảm nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp

Rủi ro ảnh hưởng từ trái phiếu doanh nghiệp đến an toàn hệ thống tín dụng được giới chuyên gia đánh giá là ở mức thấp.

Tăng chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam giúp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo nguồn cung ra thị trường

Việc tăng chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam được kỳ vọng sẽ phản ánh đúng chi phí của các doanh nghiệp, từ đó tháo gỡ khó khăn, đảm bảo nguồn cung ra thị trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục