(HBĐT) - Từ tháng 1/2021, Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty CP nông nghiệp An Phước trồng thử nghiệm cây gai xanh tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua gần 2 năm thử nghiệm, cây gai xanh đã sinh trưởng, phát triển tốt trên đồng đất Hoà Bình, người nông dân bước đầu có thu nhập từ cây trồng này. 



Nông dân xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu chăm sóc cây gai xanh. 

Gai xanh là giống cây trồng khá quen thuộc ở Việt Nam. Sản phẩm chính của cây là sợi, có thể dùng để dệt vải thô hoặc làm dây thừng, đan lưới đánh cá... Cây gai xanh có thể tận dụng được mọi thành phần, lá gai dùng làm bánh gai; thân, cành có thể dùng trong nguyên liệu làm giấy; dễ cây tận dụng để chữa một số loại bệnh. Tuy nhiên, từ trước đến nay, cây gai chủ yếu được trồng xen canh tại các bưa, bãi, chưa phát triển thành vùng trồng. Năm 2021, sau khi Công ty CP nông nghiệp An Phước đầu tư để liên kết sản xuất vùng nguyên liệu, cây gai xanh mới được trồng đại trà thành vùng lớn tại một số huyện. 

Tính đến tháng 10/2022, tổng diện tích trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh gần 260 ha với 435 hộ tham gia trồng. Trong đó, diện tích gai xanh lưu gốc 50,7 ha, diện tích trồng mới 209 ha. Cây gai xanh được trồng chủ yếu ở các huyện vùng cao và TP Hoà Bình. Trong đó, huyện Đà Bắc có diện tích trồng lớn nhất 107 ha, huyện Mai Châu 72 ha. Là một trong những hộ dân đầu tiên tham gia trồng gai xanh tại xóm Búa, xã Trung Thành (Đà Bắc), ông Lường Văn Toàn cho biết: "Cây gai xanh trồng tương đối thuận lợi, sinh trưởng tốt và nhanh cho thu hoạch nếu bón phân đúng quy trình. Trồng 1 ha đầu tiên năm 2021, đến nay gia đình đã thu được 4 lứa và bước đầu có lãi". Hay như gia đình anh Bùi Văn Min, xóm Lục 1, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) bắt đầu trồng cây gai xanh từ năm 2022, diện tích hơn 13 nghìn m2. Hiện nay đã thu được 2 lứa, thu nhập đạt 20 triệu đồng. 

Đánh giá về năng suất, giá trị cây gai xanh trồng trên địa bàn tỉnh, theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thưc vật, các lứa gai xanh được trồng từ tháng 3 đến tháng 8/2022 đã cho thu hoạch từ 1 - 3 lứa. Tổng năng suất vỏ gai khô thu hoạch năm đầu tiên đạt từ 1 - 2 tấn; giá trị thu nhập đạt từ 45 - 85 triệu đồng/ha/năm. Đối với diện tích gai lưu gốc trồng năm 2021, đã cho thu hoạch ổn định 4 lứa/năm. Năng suất bình quân các lứa từ 750 - 900 kg vỏ gai khô/ha; giá trị thu nhập từ 120 - 145 triệu đồng/ ha/năm. Tuy nhiên, đây chưa phải là năng suất tối đa của cây. Nếu được trồng và chăm sóc tốt, cây gai xanh có thể đạt năng suất cao hơn. 

Hiện, toàn bộ diện tích cây gai xanh trên địa bàn tỉnh do Công ty CP nông nghiệp An Phước và các đối tác hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm. Dự kiến, trong năm 2023, công ty này sẽ tiếp tục mở rộng quy mô diện tích vùng trồng lên 300 ha. 

Trao đổi về tiềm năng mở rộng diện tích cây gai xanh trên địa bàn, nhiều hộ tham gia trồng gai xanh cho rằng, chi phí đầu tư ban đầu khá cao, khoảng 40 triệu đồng/ha, bao gồm chi phí giống, phân bón, công chăm sóc. Trong khi đó, đa số hộ dân tham gia trồng cây gai xanh đều thuộc địa bàn có hoàn cảnh khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thiếu vốn đầu tư, dẫn đến năng suất, chất lượng gai chưa đạt yêu cầu. Chính vì vậy, người dân cho rằng cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ bà con phát triển giống cây trồng. Bên cạnh đó, các hộ băn khoăn việc thu hoạch cây gai xanh còn phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Vào mùa mưa là thời điểm cây phát triển mạnh nhưng mưa kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến phơi sấy vỏ gai. Ngoài ra, thời tiết vùng cao ẩm nồm nhiều cũng khiến việc bảo quản sản phẩm từ cây gai khó khăn, thường bị mốc, ẩm, sản phẩm không đạt chất lượng. Vì vậy, để phát triển cây gai một cách bền vững, lâu dài thì cần thiết phải có cơ sở sơ chế vỏ gai khô tại địa bàn. 

Tuy nhiên, theo ông Lường Văn Toàn, xóm Búa, xã Trung Thành (Đà Bắc), điều các hộ dân băn khoăn nhất là đầu ra của sản phẩm. Hiện nay, các sản phẩm đã được Công ty CP nông nghiệp An Phước bao tiêu. Song, trong bối cảnh hiện nay, khi cây gai được trồng đại trà, nghĩa là khối lượng sản phẩm lớn, ngoài bán làm nguyên liệu cho ngành sợi thì không thể làm gì. Vì vậy, nếu công ty dừng thu mua sản phẩm, đồng nghĩa với việc người dân mất trắng thu nhập, không thể bán được sản phẩm ra ngoài. Như vậy, doanh nghiệp cần có chính sách cam kết đảm bảo vùng trồng lâu dài.

Đồng tình với quan điểm trên, đồng chí Nguyễn Đức Biên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng: Trước khi nhân rộng và trồng đại trà cây gai xanh, cần phải có những nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả kinh tế. Vì đây là một loại cây trồng mới, cách thức thu hoạch đặc thù. Mặt khác, loại cây này đòi hỏi cao về dinh dưỡng, phân bón và nước tưới. Vì vậy, để phát triển vùng trồng cần đánh giá kỹ các giải pháp cơ giới hoá trong làm đất, chăm sóc, thu hoạch, tuốt và phơi sấy gai nhằm giảm công lao động, hạ giá thành sản phẩm. 


Đinh Hòa

Các tin khác


Hỗ trợ 20 hộ dân tham gia phát triển sản xuất cây cà gai leo 

(HBĐT) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi năm 2022, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã lựa chọn 20 hộ dân ở xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) tham gia Dự án "Hỗ trợ phát triển sản xuất cây cà gai leo theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp”. Các hộ tham gia dự án thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sinh sống tại xóm đặc biệt khó khăn.

Huyện Lạc Sơn chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Đồng chí Bùi Văn Mựn, Trưởng phòng Dân tộc huyện Lạc Sơn cho biết: Trên địa bàn huyện có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 91% (dân tộc Mường chiếm 90%, còn lại là các dân tộc Dao, Thái, Tày, Nùng…). Đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc luôn được huyện quan tâm, chăm lo. Các thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư; những giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy. 

Đòn bẩy giảm nghèo ở xã Nuông Dăm

(HBĐT) - Nuông Dăm là xã đặc biệt khó khăn của huyện Kim Bôi, 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho bà con là nhiệm vụ quan trọng được cấp ủy, chính quyền cùng bà con nỗ lực thực hiện. Từ nguồn lực của các chương trình, dự án, cơ sở hạ tầng được đầu tư, người dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Nhân rộng cơ hội tiêu thụ sản phẩm OCOP

Thời gian qua, việc thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã "gặt hái” được những thành quả nhất định. Nhiều đơn vị, địa phương thành công trong việc tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, cũng còn không ít sản phẩm OCOP chỉ dừng lại ở mức độ trưng bày, giới thiệu, khả năng thương mại hạn chế.

Cao Phong - nợ khoanh, nợ quá hạn chiếm 0,1% tổng dư nợ

(HBĐT) - Theo báo cáo của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cao Phong, đến hết quý III/2022, tổng nợ khoanh và nợ quá hạn trên địa bàn huyện là 325 triệu đồng, chiếm 0,1% tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn 110 triệu đồng/5 hộ vay, chiếm 0,03% tổng dư nợ, giảm 20 triệu đồng so với năm 2021. Nợ khoanh 215 triệu đồng, chiếm 0,06% tổng dư nợ. Tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn đạt 97%, 10/10 xã, thị trấn xếp loại tín dụng tốt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục