Mới đây, các Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Ðà Nẵng đã phối hợp một hệ thống siêu thị lớn tổ chức "Tuần hàng OCOP-sản vật Việt Nam phát triển và hội nhập".
Người tiêu dùng tham quan, mua sắm các sản phẩm OCOP tại "Tuần hàng OCOP-sản vật Việt Nam phát triển và hội nhập". Ảnh: Nguyên Trang
Chương trình diễn ra trong ba ngày tại ba thành phố nêu trên, với 150 gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, mặt hàng nông sản đặc trưng, thực phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh... đến từ khắp các tỉnh, thành phố và vùng, miền trên cả nước. Tiếp đó, từ ngày 17/11 đến 20/11, đã diễn ra Chương trình kết nối cung-cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác lần thứ 11 năm 2022, thu hút 500 gian hàng trưng bày, nhiều địa phương và cơ sở sản xuất đã giới thiệu hàng trăm mặt hàng, sản phẩm OCOP. Từ ngày 23 đến 27/11 tại Hà Nội, diễn ra Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2022. Hội chợ có 260 gian hàng, với 54 tỉnh, thành phố tổ chức "Gian hàng đặc sản", trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng, đặc sản, sản phẩm OCOP chất lượng cao…
Hoạt động giới thiệu sản phẩm OCOP đến với nhà phân phối và người tiêu dùng diễn ra liên tục trên cả nước trong thời gian gần đây, nhất là ở các thành phố lớn là tín hiệu đáng mừng đối với đầu ra, công tác tiêu thụ và phát triển sản phẩm OCOP.
Qua những sự kiện này, người tiêu dùng có thêm cơ hội tiếp cận, nhận biết, mua sắm các sản phẩm OCOP và góp phần hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Hơn nữa, các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP có điều kiện thuận lợi để phát triển những mối quan hệ đối tác mới là những nhà phân phối, bán lẻ hiện đại. Nhiều sản phẩm OCOP hy vọng sẽ có mặt tại các hệ thống siêu thị trong thời gian tới.
Đóng gói mỳ Chũ tại Bắc Giang.
Tuy nhiên, để những sản phẩm OCOP ngày càng hiện diện và được tiêu thụ nhiều hơn trên thị trường, nhất là ở những đô thị lớn, các bên liên quan cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Trước hết, Nhà nước cần làm tốt hơn trách nhiệm "bà đỡ" của mình. Chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị chức năng cần phát huy hơn nữa vai trò định hướng, tư vấn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong việc tổ chức sản xuất, hình thành chuỗi giá trị, tạo ra được những sản phẩm OCOP vừa đạt chất lượng, an toàn với sức khỏe con người và phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng, cũng như kết nối người sản xuất với các nhà phân phối, nhà bán lẻ. Ðó là việc chính quyền và các cơ quan, đơn vị chức năng chung tay, đồng hành hỗ trợ các nhà phân phối trong việc quảng bá, giới thiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP, đồng thời giúp cơ sở sản xuất tăng quy mô sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Không chỉ dừng lại là kênh buôn bán truyền thống, việc tư vấn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong việc đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử là xu thế tất yếu trong thời gian tới. Ðể giúp hoạt động sản xuất sản phẩm OCOP thoát khỏi cách thức sản xuất thô sơ, lạc hậu, các hệ thống phân phối hiện đại cần tích cực trong việc hỗ trợ, tư vấn đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP nâng cao tính chuyên nghiệp, cải tiến chất lượng sản phẩm, bao bì, mẫu mã, tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm hòa nhập vào hệ thống bán lẻ hiện đại.
Ðể sản phẩm OCOP không chỉ dừng lại ở phố thị trong nước mà tiếp tục vươn ra thị trường quốc tế, cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn, yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, bao bì, điều kiện sản xuất, điều kiện lao động,… tại những thị trường quốc tế trọng điểm quy mô lớn như châu Âu, Hoa Kỳ, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia,…