HTX nông nghiệp hữu cơ V-ORGANIC, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) chuyên trồng các loại rau, củ theo tiêu chuẩn hữu cơ, đem lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
HTX nông nghiệp hữu cơ V-ORGANIC, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) đã mạnh dạn đầu tư trồng các loại rau, củ theo tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn. Vùng sản xuất rộng gần 8ha, để giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất, HTX chia thành từng khu trồng củ cải, dưa chuột, cà chua, rau cải, khoai tây… Tất cả các khâu từ làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch đều có cán bộ kỹ thuật giám sát. HTX sử dụng hệ thống tưới phun mưa tự động tạo độ ẩm cân đối giúp cây trồng sinh trưởng tốt. Trong quá trình canh tác, thành viên, người lao động được hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, kiến thức về an toàn lao động…
Chị Cấn Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX V-ORGANIC cho biết: Sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ tạo ra sản phẩm chất lượng, các loại rau đạt vi lượng tốt, độ ngọt, thơm ngon; năng suất trung bình đạt 60 tấn/ha. Chúng tôi liên kết với HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh (TP Hà Nội). 100% sản phẩm được tiêu thụ thông qua hợp đồng với HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao, giá trung bình các loại rau đạt 5.000 đồng/kg. Sản xuất hữu cơ không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản, có thị trường tiêu thụ ổn định mà còn tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Hiện, HTX giải quyết việc làm cho từ 20 - 30 lao động địa phương, thu nhập khoảng 180.000 đồng/ngày.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), bảo vệ môi trường, những năm qua, Sở NN&PTNT đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó hướng dẫn, tuyên truyền, khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học độc hại. Vận động bà con thay thế bằng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thảo mộc; khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm chi phí đầu vào. Sử dụng hệ thống tưới tự động, xây dựng nhà màng, nhà lưới để cây trồng có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt nhất, hướng tới nền nông nghiệp xanh, an toàn cho sức khỏe.
Trong chăn nuôi luôn chú trọng việc xử lý chất thải, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua xây dựng hầm khí biogas, sử dụng đệm lót sinh học, chăn nuôi khép kín. Qua đó giúp ngành chăn nuôi chuyển từ quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại, gia trại; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được hình thành, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Điển hình như trong chăn nuôi bò của Công ty cổ phần T&T 159. Công ty thực hiện các mô hình: Khu liên hợp, tự thu gom phế liệu, phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Tổ chức chăn nuôi tập trung và liên kết, sản xuất đệm sinh học làm nền chuồng trại để xử lý phế thải trong chăn nuôi. Xử lý triệt để các yếu tố ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh có 3.525 ha cây ăn quả các loại đã được chứng nhận ATTP, VietGAP, hữu cơ; sản lượng đạt khoảng 133.110 tấn. Trong đó có 3.373 ha cây ăn quả có múi, sản lượng đạt 127.996 tấn; 127 ha thanh long, chuối, nhãn, na, dưa... sản lượng khoảng trên 4.850 tấn. Đối với các loại rau, toàn tỉnh có 561 ha trồng rau các loại đạt chứng nhận ATTP, VietGAP, hữu cơ; sản lượng đạt khoảng 13.792 tấn. Ngoài ra, ngành chức năng đã chứng nhận ATTP, GAP cho 1.945 lồng cá, 22 cơ sở chăn nuôi. Có 3 công ty chuyên liên kết với các hộ để chăn nuôi lợn khép kín, cung cấp cho thị trường khoảng 19.500 tấn.
Từ năm 2016 đến nay, Sở NN&PTNT đã hỗ trợ 124 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ, gồm: 66 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP với quy mô 2.717,9 ha, chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ trong trồng trọt có 7 cơ sở, quy mô 39,52 ha; chứng nhận VietGAP trong nuôi trồng thủy sản 19 cơ sở, quy mô 1.561 lồng; chứng nhận VietGAP trong chăn nuôi cho 4 cơ sở nuôi ong, quy mô 2.918 đàn, 29 cơ sở chăn nuôi gà, lợn, bò, dê với quy mô trên 2.444 tấn sản phẩm/năm.
Sản phẩm nông nghiệp sạch, sản xuất theo các tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP được tiêu thụ tốt, chủ yếu tại Hà Nội, thông qua các hợp đồng tiêu thụ như: Sản phẩm rau hữu cơ Lương Sơn, tiêu thụ qua hợp đồng với các Công ty Vinagap, Tâm Đạt, Tràng An, Bavifam, Ecomar; sản phẩm quả hữu cơ, VietGAP (bưởi đỏ Tân Lạc) bán qua hợp đồng với Công ty Bắc Tôm, Tâm Đạt; sản phẩm thịt lợn được tiêu thụ thông qua các hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Orfarm, tầng 1, nhà b3, làng quốc tế Thăng Long, Dịch Vọng (Hà Nội) và cụm công nghiệp Hà Bình Phương, Văn Bình, Thường Tín (Hà Nội).
Đặc biệt, nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch đảm bảo tiêu chuẩn để xuất khẩu. Năm 2022, tỉnh xuất khẩu khoảng 1.017 tấn sản phẩm trồng trọt (chuối, nhãn, bưởi, mía) sang thị trường các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và EU; xuất khẩu 975 tấn sản phẩm chế biến, bao gồm măng, gừng; 35 triệu lon sản phẩm chế biến từ các loại hạt sang Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan, Hàn Quốc và thị trường EU.
Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu là mục tiêu của ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh định hướng đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Thực hiện có chiều sâu Chương trình Mỗi xã một sản phẩm gắn với phát triển du lịch. Quan tâm xây dựng, phát triển thương hiệu hàng hóa nông, lâm sản có lợi thế so sánh; tích cực thúc đẩy đưa một số sản phẩm chủ lực của tỉnh vào Chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, gắn với chuỗi giá trị trong nước và hướng tới xuất khẩu. Phát triển liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi…
Thu Thủy