HTX 3T nông sản Cao Phong chú trọng công tác quản lý chất lượng nông sản, góp phần xây dựng thương hiệu cam Cao Phong, tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Đồng chí Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: Thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh hỗ trợ TTNS, cụ thể là Kế hoạch số 206 về việc thực hiện Đề án đổi mới phương thức kinh doanh, TTNS giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ theo kế hoạch. Trong đó, tập trung vào việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về đổi mới phương thức kinh doanh, TTNS. Tăng cường quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất an toàn, kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường, bảo đảm nông sản được tiêu thụ đáp ứng tiêu chuẩn không chỉ trong nước mà còn theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Nâng cao năng lực sơ chế, bảo quản sản phẩm, chế biến sâu nông sản chủ lực. Đa dạng hình thức quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chủ lực, coi trọng thị trường chính là TP Hà Nội và các tỉnh lân cận, đồng thời quan tâm các thị trường lớn trong nước, thị trường xuất khẩu.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất an toàn, kiểm tra chất lượng, thực hiện việc cấp chứng nhận quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Đến nay, đã cấp chứng nhận các tiêu chuẩn cho 28 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó, 6 cơ sở trồng trọt áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP với tổng diện tích 123,4 ha; 16 cơ sở trồng trọt áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 365,2 ha; 6 cơ sở chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAP. Triển khai hỗ trợ hơn 213 nghìn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đánh giá, công nhận 23 sản phẩm của 20 chủ thể OCOP từ 3 sao trở lên. Cấp 21 mã số vùng trồng, 9 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu với tổng diện tích 168,73 ha. Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, việc cấp giấy chứng nhận quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn không chỉ tạo thuận lợi đưa nông sản ra thị trường, mà còn nâng cao giá trị nông sản, tạo hướng phát triển bền vững cho nông sản chủ lực. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi thương mại điện tử trở thành xu hướng tất yếu.
Đẩy mạnh các hoạt động kết nối TTNS trong thời điểm dịch Covid-19, tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến về tình hình sản xuất, cung ứng, kết nối TTNS trong điều kiện dịch bệnh. Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tỉnh tổ chức hội chợ nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP khu vực trung du, miền núi phía Bắc; hội nghị đối thoại xúc tiến đầu tư và kết nối TTNS của tỉnh với Tập đoàn FPT để cung cấp sản phẩm của tỉnh cho TP Hà Nội. Đồng thời, tổ chức đoàn công tác và mời các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tham gia hội nghị kết nối cung cầu tại Đà Nẵng; hội chợ kết nối TTNS, thực phẩm an toàn cung ứng cho các chợ trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022; hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2022; hội chợ thương mại quốc tế khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) - Quảng Trị năm 2022; Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ 2, năm 2022; hội chợ công thương khu vực đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang năm 2022; tham gia lễ hội trái cây năm 2022 tại Hà Nội; hỗ trợ, giới thiệu 65 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hội nghị kết nối TTNS tại các tỉnh, thành phố.
Theo đồng chí Nguyễn Trung Hiếu, công tác XTTM và kết nối cung cầu đã có sự đổi mới, kết hợp xúc tiến truyền thống và XTTM hiện đại thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử. Đến nay, đã thực hiện hỗ trợ đăng ký 98.901 tài khoản số cho các hộ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ đưa 2.853 sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; sản lượng nông sản được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử đạt 215,5 tấn.
Cùng với thị trường trong nước, tỉnh đẩy mạnh XTTM thị trường nước ngoài. Năm 2022, các doanh nghiệp sản xuất nông sản của tỉnh đã tham dự hội nghị giao thương trực tuyến thực phẩm Việt Nam - châu Phi; hội nghị giao thương thực phẩm Việt Nam - Nhật Bản; hội nghị XTTM và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ; hội nghị giao thương thuỷ sản Việt Nam - EU; hội nghị giao thương sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản; hội nghị giao thương XTTM và hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Mexico; hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 31 - VIETNAM EXPO 2022; hội chợ quốc tế Việt - Trung... nhằm quảng bá các nông sản, hàng hóa, tìm kiếm bạn hàng, kết nối đầu tư ra thị trường nước ngoài. Đồng thời, có bước kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài để hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh gặp gỡ mở rộng thị trường xuất khẩu, như: làm việc với Công ty Minegen Nhật Bản về xúc tiến sản xuất, chế biến, xuất khẩu măng sấy khô; Công ty TOMAS TRADE CO LTD của tỉnh Incheon, Hàn Quốc để xuất khẩu sản phẩm mía ăn tươi sang thị trường Hàn Quốc; tổ chức ký thỏa thuận hợp tác giữa Công ty CP nông nghiệp hữu cơ FUSA với các hợp tác xã để xuất khẩu sản phẩm nhãn Sơn Thủy, bưởi Tân Lạc sang thị trường châu Âu (EU). Đến nay đã có 14 cơ sở xuất khẩu nông sản sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, EU, Hà Lan, Đức, Anh, tăng 6 cơ sở so với năm 2021.
Qua các hoạt động XTTM, nhiều nông sản của tỉnh đã được xuất khẩu thăm dò thị trường các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, cùng với đó, tăng giá trị nông sản đối với thị trường trong nước, góp phần đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Đinh Hòa