(HBĐT) - Được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên, khí hậu, những năm qua, nghề nuôi ong tại xã Miền Đồi (Lạc Sơn) ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế. Sản phẩm mật ong của nông dân xã Miền Đồi có chất lượng cao, được ưa chuộng trên thị trường, trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình.



Mô hình nuôi ong lấy mật của anh Bùi Văn Thiều, xóm Thăn, xã Miền Đồi (Lạc Sơn) cho thu nhập gần 50 triệu đồng/năm. 

Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Nhận thấy nghề nuôi ong phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của địa phương, xã khuyến khích bà con nhân rộng đàn kết hợp với trồng rừng để tạo nguồn thức ăn dồi dào cho ong. Rủi ro thấp, thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, do đó nghề nuôi ong đang là một trong những hướng phát triển kinh tế triển vọng của xã. Với định hướng khuyến khích đa dạng ngành nghề phát triển kinh tế, việc phát triển, nhân rộng mô hình nuôi ong đóng góp đáng kể vào giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân".

Anh Bùi Văn Thiều, xóm Thăn có hơn 8 năm gắn bó với nghề nuôi ong. Hiện, gia đình anh có trên 40 đàn ong, mỗi vụ thu được gần 4 tạ mật, thường được tư thương đến tận nhà đặt cọc trước để thu mua. Anh Thiều cho biết: "Những năm qua, đúc kết kinh nghiệm từ nuôi ong, hướng đến tiêu chí sản phẩm sạch nên sản phẩm mật ong của gia đình luôn được tư thương thu mua. Với giá bán 150.000 đồng/lít, sau khi trừ chi phí, sản phẩm mật ong đem lại thu nhập gần 50 triệu đồng/năm".

Nghề nuôi ong không cần nhiều vốn đầu tư, không tốn nhân lực, đem lại thu nhập ổn định, do đó không ít người đã chuyển đổi sang nuôi ong. Tuy vậy, nghề này đòi hỏi kỹ thuật cao, tỉ mỉ trong từng công đoạn, do đó không phải hộ nào cũng có thể theo nghề được. Anh Thiều cho biết thêm: "Đối với nghề nuôi ong, điều quan trọng nhất là chọn ong chúa, nếu ong chúa khỏe mạnh thì đàn ong sẽ sinh trưởng, phát triển tốt, cho lượng mật cao. Tận dụng nguồn thức ăn dồi dào như hoa keo, nhãn... nên chi phí cho mỗi đàn ong không đáng kể. Bên cạnh đó, việc phòng, chống dịch bệnh cũng được đặt lên hàng đầu".

Hiện tại, toàn xã Miền Đồi có 983 đàn ong, tập trung nhiều ở các xóm: Thăn, Vôi Thượng, Thượng Riêng. Các hộ đã áp dụng KHKT, sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, nhờ đó chất lượng mật ong đảm bảo, tạo được thương hiệu, uy tín trên thị trường. Nhiều hộ mạnh dạn mở rộng đầu tư nuôi ong với hàng trăm đàn, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hiện, tổ hợp tác nuôi ong mật xóm Thượng Riêng có 8 hộ với trên 200 đàn được thành lập, nhờ đó sức cạnh tranh của sản phẩm mật ong trên thị trường ngày càng nâng cao. Hàng tháng, tổ hợp tác sinh hoạt định kỳ, cùng bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm nuôi ong giữa các hộ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Mật ong của các hộ trên địa bàn xã được thị trường ưa chuộng bởi chất lượng tốt, giá cả phải chăng. Qua mô hình cho thấy, nghề nuôi ong là hướng phát triển kinh tế hiệu quả, tạo sản phẩm có chất lượng, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ.

Tỉ mỉ từ khâu chăm sóc, lấy mật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để hướng đến tạo thương hiệu, nâng cao giá trị cho mật ong, mục tiêu trở thành sản phẩm OCOP, xã Miền Đồi tăng cường quảng bá qua các kênh thông tin, mạng xã hội, đưa sản phẩm tới gần hơn với thị trường trong và ngoài tỉnh, được nhiều người tiêu dùng biết đến. Ngoài tiêu thụ trong huyện, sản phẩm mật ong của xã còn có mặt ở nhiều cửa hàng nông sản, thực phẩm sạch ngoại tỉnh.

Từ hiệu quả cao về kinh tế của nghề nuôi ong lấy mật mang lại, xã Miền Đồi tiếp tục vận động người dân khai thác lợi thế đồi rừng, tăng đàn, áp dụng KHKT trong chăm sóc, phát triển đàn, khai thác mật ong cùng các sản phẩm khác; hỗ trợ các kênh vay vốn sản xuất, tạo sinh kế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 36,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 36,9%.


Hoàng Anh

Các tin khác


Bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

(HBĐT) - Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tăng cường các hoạt động kiểm tra, trong năm qua, công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. 

Liên minh Hợp tác xã tỉnh phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể

(HBĐT) - Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể (KTTT) tỉnh nhấn mạnh: Trong năm 2022, Liên minh Hợp tác xã (LMHTX) tỉnh đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển KTTT; thực hiện hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên. Đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; sản xuất gắn với chuỗi giá trị; củng cố, tổ chức lại hoạt động của các HTX, tổ hợp tác (THT). Bên cạnh đó, LMHTX tỉnh chủ động phối hợp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện giải thể đối với HTX ngừng hoạt động, hoạt động kém hiệu quả kéo dài không có khả năng củng cố, tổ chức lại.       

Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất

Mặc dù thời điểm này, thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại, nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa dứt nỗi lo về nguy cơ có thể thiếu hụt nguyên liệu phục vụ sản xuất vì nguồn cung chưa thật sự ổn định trở lại, nhất là các doanh nghiệp điện tử, gỗ, dệt may,...

Gần 300 nghìn khách hàng được vay vốn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

(HBĐT) - Chiều 15/2, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến về giải ngân vốn vay tín dụng CSXH, giai đoạn 2022 – 2023 theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ. Dự hội nghị có đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư. Dự tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh và các thành viên Ban đại diện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục