Mặc dù thời điểm này, thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại, nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa dứt nỗi lo về nguy cơ có thể thiếu hụt nguyên liệu phục vụ sản xuất vì nguồn cung chưa thật sự ổn định trở lại, nhất là các doanh nghiệp điện tử, gỗ, dệt may,...
Thi công tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam đoạn Nghi Sơn-quốc lộ 45.
Thị trường Trung Quốc có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động xuất, nhập khẩu nước ta, cung cấp phần lớn nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất của nhóm linh kiện điện tử, phụ tùng máy móc, vải và hóa chất. Bên cạnh đó, căng thẳng Nga-Ukraine thời gian qua cũng ảnh hưởng nguồn cung nguyên liệu đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Hoạt động cầm chừng
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG Nguyễn Văn Thời cho biết, vài năm gần đây, ngành dệt may Việt Nam đối diện nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nguồn cung bị đứt gãy, doanh nghiệp thiếu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Khi tình trạng này được khắc phục phần nào, thì lượng đơn hàng lại sụt giảm, hàng tồn kho tăng cao. Đặc biệt, xung đột Nga-Ukraine kéo dài dẫn tới giá cả hàng hóa tiếp tục tăng cao, thị trường tiêu thụ bị giảm,...
Để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động được nguồn cung nguyên phụ liệu; nghiên cứu, sản xuất nhiều mẫu sản phẩm mới cũng như tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra. Riêng với TNG, nhờ chủ động nguồn nguyên liệu, đối tác khách hàng và thị trường xuất khẩu, đã giúp doanh thu của đơn vị trong tháng 1 vừa qua đạt gần 400 tỷ đồng, hoàn thành 105% kế hoạch. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng cơ sở sản xuất, đầu tư các trang thiết bị hiện đại, nâng cao trình độ tay nghề lao động nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu cho biết, thời gian qua, có những đơn hàng phải chờ đến 2-3 tháng mới có nguyên vật liệu chuyển về, không đáp ứng được thời gian giao hàng của đối tác, nhiều đơn hàng buộc phải hủy bỏ. Nguồn cung nguyên liệu bị đứt gãy, ảnh hưởng đến cả một dây chuyền sản xuất, nhiều đơn vị đứng trước nguy cơ lỗ vốn, phải đền bù hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp buộc phải tiết giảm sản xuất, hoạt động cầm chừng, chỉ đạt khoảng 70 đến 80% công suất.
Thông thường, doanh nghiệp ký hợp đồng đơn hàng cung ứng cho thị trường châu Âu hay Mỹ trong thời gian sáu tháng đến một năm. Nhưng trong một năm đó, nguồn nguyên vật liệu biến động với biên độ quá cao, nguy cơ thua lỗ luôn hiện hữu, khiến các doanh nghiệp không dám ký hợp đồng dài hạn, trong khi ký hợp đồng ngắn hạn thì rất khó để tăng quy mô sản xuất, giữ chân người lao động.
Tình trạng đứt gãy đoạn chuỗi cung ứng khó có thể được giải quyết trong ngày một ngày hai. Những thách thức như hiện nay đòi hỏi các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh xây dựng quy trình sản xuất tiến tới kinh tế tuần hoàn, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa để giảm sự phụ thuộc vào sự gián đoạn của thế giới.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường, năm 2023, triển vọng kinh tế của hầu hết quốc gia trên thế giới không mấy khả quan khi lạm phát tiếp diễn và tăng trưởng kinh tế giảm; nhiều ngành công nghiệp đang gặp khó khăn từ các vấn đề chuỗi cung ứng xuất hiện trong thời gian ngừng hoạt động toàn cầu do Covid-19 gây ra và càng trở nên tồi tệ hơn khi xung đột vũ trang Nga-Ukraine tiếp tục kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy nguồn cung nguyên phụ liệu.
Để hạn chế tình trạng này, các doanh nghiệp cần nhanh chóng cải thiện khả năng phục hồi như giảm phụ thuộc trực tiếp với giá cả hàng hóa biến động của thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tự nghiên cứu, xây dựng các biện pháp bảo vệ bằng cách hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng, giảm thiệt hại phát sinh do thiếu hụt nguyên liệu và chi phí tăng cao.
Doanh nghiệp phải vạch ra toàn bộ chuỗi cung ứng và xác định bất kỳ mức độ rủi ro nào đối với nguồn cung và rủi ro lạm phát, có như vậy mới tồn tại và phát triển được. "Với xu thế cắt giảm trung gian, các thương hiệu và nhà phân phối toàn cầu đã yêu cầu đặt hàng trọn gói tại một điểm đến, các công ty dịch vụ trung gian không còn giữ vai trò thu xếp lựa chọn, mua bán nguyên liệu ở từng khâu và chuyển đến nhà sản xuất.
Các nhà sản xuất lớn, đứng đầu chuỗi cung ứng cần tăng năng lực giao dịch trực tiếp với khách hàng, điều phối toàn bộ chuỗi sản xuất để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Việc không có hệ thống sản xuất tương ứng ở trong nước với các mặt hàng chiến lược, sẽ đặt các công ty trong ngành dưới rủi ro rất lớn là không thể điều phối hiệu quả chất lượng, tiến độ và giá thành sản xuất. Nếu bị đứt gãy chuỗi cung ứng, sẽ khiến doanh nghiệp bị gián đoạn khả năng phục vụ, mất đơn hàng, mất việc làm...”, ông Lê Tiến Trường cho biết.
Nỗi lo thiếu vật liệu làm đường cao tốc
Sau hơn một tháng khởi công, nhiều dự án thành phần cao tốc bắc-nam giai đoạn II đang đối diện nỗi lo thiếu hụt nguồn vật liệu thi công, có nguy cơ ảnh hưởng tiến độ, chất lượng công trình. Giám đốc điều hành gói thầu XL11, dự án cao tốc bắc-nam đoạn Hoài Nhơn-Quy Nhơn Nguyễn Văn Toàn cho biết, ngay sau khởi công, Tổng công ty Trường Sơn đã huy động khoảng 50 đầu máy, thiết bị triển khai 5 mũi thi công tiến hành cào bóc khoảng 50 nghìn m3 hữu cơ. Vấn đề lo ngại nhất hiện nay là nguồn vật liệu đang gặp khó.
Tổng khối lượng đắp khoảng 3,5 triệu m3 đất, trong đó khoảng 2 triệu m3 đất đắp nền đường sẽ được điều phối từ lượng đất đào, còn 1,5 triệu m3 phải huy động thêm từ các mỏ vật liệu. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là lượng đất điều phối đắp nền đường lại nằm trong phạm vi rừng tự nhiên, nhà thầu chưa thể tiếp cận do thủ tục khai thác chưa hoàn thiện, phải chờ cấp có thẩm quyền trình Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương.
Bên cạnh điều phối đất đắp, nhà thầu tận dụng đá xay nghiền để thi công móng, mặt đường cho toàn gói thầu, tổng khối lượng tận dụng khoảng 1 triệu m3 nhưng do chưa tiếp cận được công địa, việc xay nghiền đá vẫn chưa thể thực hiện trong khi thời gian chuẩn bị phải mất 3 - 4 tháng. Tại dự án kế tiếp, đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, nhà thầu cũng đang phải xoay xở đủ cách để khơi thông nguồn vật liệu. Đại diện Ban điều hành dự án thuộc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, tại gói thầu XL1 đã khởi công, nhu cầu đất đắp cần khoảng 5,8 triệu m3; cát cần 530 nghìn m3.
Tính toàn bộ dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, đất đắp cần khoảng 9,6 triệu m3, cát xây dựng 1 triệu m3; địa bàn Bình Định cần khoảng 3 triệu m3 đất đắp, cát xây dựng 300 nghìn m3. Đáng lo nhất là giai đoạn chờ cấp phép các mỏ vật liệu theo cơ chế đặc thù, nhà thầu khảo sát các mỏ hiện đang khai thác (mỏ thương mại), song các chủ mỏ đều trả lời không đủ trữ lượng và công suất để cung cấp cho dự án cao tốc. Họ cũng không hợp tác trong quá trình thương thảo, thông tin giá cả.
Tại hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau, tình trạng "đói” vật liệu thi công cũng đang hiện hữu. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Phạm Văn Tuân cho biết, theo tính toán, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền của dự án đoạn Cần Thơ-Cà Mau khoảng 18,5 triệu m3, đất đắp 1,49 triệu m3. Qua khảo sát tại An Giang và Đồng Tháp, hiện có 25 mỏ đáp ứng yêu cầu nhưng làm việc thực tế với các địa phương, công suất khai thác cát chỉ đủ cung cấp cho công trình của địa phương, chưa đủ nguồn cấp cho dự án đoạn Cần Thơ-Cà Mau.
Phó Cục trưởng Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) Nguyễn Thế Minh cho biết, tổng nhu cầu vật liệu 10 dự án thành phần cao tốc bắc-nam, đoạn từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa cần hơn 17 triệu m3 đá, gần 9 triệu m3 cát và hơn 45 triệu m3 đất đắp. Theo hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu của tư vấn, dự kiến sử dụng được 82 mỏ đá (trữ lượng hơn 152 triệu m3); hơn 100 mỏ cát, trữ lượng khoảng 32 triệu m3 và 90 mỏ đất, trữ lượng gần 114 triệu m3.
Tuy các mỏ đều đáp ứng trữ lượng, chất lượng phục vụ dự án nhưng khả năng khai thác, cung ứng vật liệu theo giấy phép khai thác như hiện nay thì vẫn chưa đáp ứng tiến độ thi công dự án. Đơn cử, so tổng nhu cầu với tổng công suất khai thác hiện nay (khoảng 6,4 triệu m3/năm), tính toán nhu cầu đá đối với thời gian thi công 1,5 năm, lượng đá còn thiếu khoảng 7,5 triệu m3 (Hà Tĩnh thiếu 1,4 triệu m3, Quảng Bình thiếu 1,56 triệu m3), nhu cầu cát còn thiếu khoảng 1,9 triệu m3 (Quảng Bình thiếu 1 triệu m3), đất đắp thiếu khoảng 3 triệu m3 (Hà Tĩnh thiếu 2,3 triệu m3, Quảng Ngãi thiếu 700 nghìn m3),...
Đại diện Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) nhận định, thủ tục đánh giá tác động môi trường đối với các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án nhưng chưa cấp giấy phép khai thác có sự vênh nhau, cho nên rất cần cơ quan có thẩm quyền có văn bản hướng dẫn, thống nhất cụ thể.
Với mục tiêu hoàn thành dự án cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 trong thời gian sớm nhất, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã có quyết định mạnh dạn về cơ chế chỉ định thầu. Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi) Trần Chủng nhận định, các mỏ vật liệu phục vụ công trình cao tốc, địa phương có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác phải làm quyết liệt.
Khó đến đâu cần kiến nghị và mời các bộ chuyên ngành vào cuộc phối hợp, tìm phương án tối ưu. Với các mỏ đã được giao cho tư nhân, các bộ, ngành, địa phương liên quan cần tăng cường kiểm tra, giám sát, có chế tài xử lý ngay đối với chủ mỏ có hành vi "găm hàng”, chờ thời cơ đẩy giá. Không thể để một công trình huyết mạch, trọng điểm của đất nước phải đi mặc cả giá tài nguyên quốc gia, làm đội vốn, chậm tiến độ.