(HBĐT) - Thu hút đầu tư (THĐT) nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thu ngân sách, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Huyện Lạc Sơn đang thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 26/7/2021 của BCH Đảng bộ huyện về THĐT nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mang tính đột phá, phát huy lợi thế tài nguyên đất đai, nguồn nhân lực hàng đầu của tỉnh.
Diện mạo công nghiệp tại thị trấn Vụ Bản và một số xã dọc tuyến QL 12B đang chuyển mình với sự xuất hiện của các nhà máy, công xưởng sản xuất quy mô lớn, dây chuyền công nghệ hiện đại. Đơn cử như nhà máy của Công ty TNHH Sankoh Việt Nam tại xã Xuất Hóa; Công ty TNHH Long Viên V&T tại xã Văn Nghĩa; nhà máy của Công ty TNHH Nhựa Lạc Sơn, Công ty TNHH Điện tử Lạc Sơn tại thị trấn Vụ Bản…
Theo bà Bùi Thị Duyên, quản lý hành chính - nhân sự Công ty TNHH Nhựa Lạc Sơn, chính thức đi vào hoạt động năm 2021 với ngành nghề kinh doanh đồ chơi trẻ em, doanh nghiệp hiện thu hút trên 1.000 lao động với mức lương bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng. Chế độ làm thêm giờ và các chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động đều đảm bảo. Quá trình hoạt động, doanh nghiệp được cấp uỷ, chính quyền sở tại tạo mọi điều kiện.
Thuận lợi cả về mặt bằng, hạ tầng, đường giao thông, điểm xã Ân Nghĩa - Yên Nghiệp đã và đang thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Trong đó, nhà máy của Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm đặt chi nhánh, tạo việc làm cho trên 400 lao động với ngành nghề may mặc; Công ty TNHH Thiên Diệu Hoà Bình (Trung Quốc) có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất giày da. Theo bà Trần Thị Kim Oanh, đại diện truyền thông Công ty TNHH Thiên Diệu Hoà Bình, quy mô sản xuất của công ty tiếp tục được mở rộng với việc gấp rút thi công và hoàn thiện hệ thống nhà xưởng. Hiện nay, hoạt động của nhà máy mới đi vào một phần. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ tuyển dụng trên 3.000 lao động.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Điệp, Bí thư Huyện uỷ Lạc Sơn cho biết: Trước đây, Lạc Sơn là huyện thuần nông. Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, cùng với Nghị quyết số 03, Huyện uỷ ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU về tăng cường công tác quản lý đất đai và giải phóng mặt bằng, qua đó tác động mạnh đến công tác THĐT trên địa bàn. Cụ thể, huyện đã thực hiện chính sách quy hoạch đất đai, chuyển một số diện tích từ đất nông nghiệp sang đất sản xuất, kinh doanh dịch vụ; chủ động mời gọi các nhà đầu tư; cởi mở, quan tâm, ủng hộ nhà đầu tư, hỗ trợ giải quyết thủ tục đầu tư, đặc biệt là trong việc thoả thuận giải phóng mặt bằng với cá nhân, tổ chức, đảm bảo nhà đầu tư lấy đất nhanh nhất trên cơ sở đồng thuận giữa các bên.
Đến nay, trên địa bàn huyện thu hút được 15 dự án đầu tư, trong đó 7 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động và các doanh nghiệp này vẫn tiếp tục tuyển dụng lao động. Ngoài ra, có 4 dự án đang thi công, 4 dự án đã có chủ trương đầu tư đang hoàn chỉnh thủ tục. Với triển vọng THĐT, các công ty, doanh nghiệp vào địa bàn sẽ giải quyết việc làm tại chỗ cho trên 10.000 người, thu hút lao động đi làm ăn xa trở về làm việc tại quê nhà. Công nghiệp vào địa bàn đồng thời tạo lượng tiền lưu thông, kích thích các ngành nghề nông nghiệp, thương mại, du lịch, từ đó phát triển KT-XH…
Để THĐT đạt được kết quả ấn tượng hơn nữa, huyện đang tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ; tổ chức quảng bá, kêu gọi đầu tư, trong đó ưu tiên tiếp xúc trực tiếp, vận động nhà đầu tư và ưu tiên kêu gọi, vận động nhà đầu tư chiến lược; tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản nhằm tạo lợi thế, thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng khi nhà đầu tư triển khai, thực hiện dự án. Huyện phấn đấu giai đoạn 2021-2025 thu hút khoảng 20 dự án đầu tư mới, trong đó có 60% dự án về công nghiệp, 20% dự án du lịch, dịch vụ; 20% dự án nông nghiệp; xây mới 1 khu công nghiệp; tạo trên 10.000 việc làm mới cho lao động, chủ yếu là lao động địa phương.
Bùi Minh