Sản phẩm măng của Công ty CP Kim Bôi, khu Vai, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) được sơ chế, đóng gói trước khi xuất khẩu.
Đầu tháng 1/2023, lô hàng cam Cao Phong với số lượng gần 7 tấn lần đầu tiên được xuất khẩu sang Vương quốc Anh. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sau hơn 40 năm (từ năm 1980), cam Cao Phong lại vươn ra thị trường thế giới. Đồng chí Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Sau 8 năm được cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, hiện sản phẩm cam Cao Phong đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng, có vị thế tại thị trường trong nước. Quan trọng hơn, sau thời gian hợp tác hiệu quả giữa Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh với các cơ quan chuyên môn của huyện cũng như các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, sản phẩm cam Cao Phong đã có cơ hội vươn ra thị trường thế giới. Trong các mẫu phân tích cam được tiến hành trước khi xuất khẩu cho thấy, tất cả đều không phát hiện hoạt chất nào trong gần 900 hoạt chất thuốc BVTV bắt buộc phải phân tích theo tiêu chuẩn châu Âu. Những kiện hàng mẫu gửi sang Vương quốc Anh cũng được thông quan không gặp bất cứ vấn đề gì về an toàn thực phẩm (ATTP), nguồn gốc, xuất xứ.
Trong khoảng 2 năm, bắt đầu từ những lô sản phẩm mía ăn tươi, măng sơ chế và chế biến đến nhãn Sơn Thủy, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn Yên Thủy, cam Cao Phong... nối tiếp nhau lần lượt "xuất ngoại”. Những nông sản chủ lực của tỉnh đã dần xây dựng được thương hiệu và khẳng định chỗ đứng không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở thị trường quốc tế. Hiện nay, trong toàn tỉnh đã có 6 doanh nghiệp có sản phẩm sơ chế, chế biến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Hà Lan, Đức. Tổng khối lượng sản phẩm sơ chế, chế biến xuất khẩu của 6 doanh nghiệp trong năm 2022 gần 23.849 tấn, tăng 30,95% so với năm 2021; giá trị xuất khẩu đạt 514,3 tỷ đồng, tăng 103% so với năm 2021.
Góp phần nâng cao giá trị nông sản, phát huy những thành quả về xuất khẩu đã đạt được trong thời gian qua, trên cơ sở các quyết định, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện, thành phố căn cứ nhiệm vụ được giao đã đưa ra các giải pháp để tổ chức thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Trong đó, tập trung vào sản xuất an toàn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa; hỗ trợ chứng nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ); đẩy mạnh cấp, giám sát mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và cấp chứng chỉ FSC; kết nối giữa doanh nghiệp sơ chế, chế biến với các vùng sản xuất tập trung; quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tỉnh ban hành các văn bản về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Ngoài ra, với mục tiêu mở rộng, tìm kiếm những thị trường mới, từ năm 2022 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã kết nối cho 40 cơ sở tham gia hội chợ, tuần lễ, quảng bá sản phẩm tại thị trường trong nước; 2 doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế về thực phẩm và đồ uống Fine Food Australia 2022 tại Australia. Việc tổ chức tuyên truyền về Hiệp định thương mại, Lệnh 248 và Lệnh 249 của Trung Quốc về biện pháp quản lý ATTP xuất nhập khẩu, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác hội nhập quốc tế của Việt Nam và hoạt động xuất nhập khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nắm được các quy định về xuất khẩu, từ đó áp dụng cho phù hợp điều kiện sản xuất, kinh doanh, khai thác được những lợi thế mà các hiệp định mang lại cũng được quan tâm đẩy mạnh.
Đồng chí Trương Thanh Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: Toàn tỉnh có 128 cơ sở chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong đó có 35 cơ sở chế biến có nguồn gốc thực vật, 88 cơ sở chế biến có nguồn gốc động vật, 5 cơ sở chế biến có nguồn gốc thủy sản. Để đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản chủ lực của tỉnh, Chi cục tiếp tục tập trung hỗ trợ, đồng hành cùng các cơ sở, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo về ATTP, đáp ứng được những yêu cầu của phía đối tác mua hàng; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tăng cường thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát, hậu kiểm tại các vùng sản xuất, vùng nguyên liệu, sơ chế, chế biến, bảo quản và lưu thông nhằm kiểm soát chất lượng, ATTP, bảo vệ thương hiệu nông sản...