HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Phạm An, thôn Trâm, xã Hưng Thi (Lạc Thủy) tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Những năm qua, HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Phạm An, thôn Trâm, xã Hưng Thi (Lạc Thủy) đã có đóng góp không nhỏ vào phát triển KT-XH của địa phương. Anh Phạm Văn Toàn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết: HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Phạm An có 7 thành viên, được thành lập ngày 1/7/2020. HTX chủ yếu sản xuất các mặt hàng nông sản như bí xanh, chè, chăn nuôi lợn, gà, trồng sả và chế tác đá cảnh. Các mặt hàng do thành viên HTX hay bà con làm ra đều được bao tiêu 100% với mức giá ổn định. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, đơn vị đã liên kết với các công ty tiêu thụ trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm củ sả tươi ra thị trường nước ngoài. Hiện, HTX tạo việc làm thường xuyên cho từ 15 - 35 lao động với mức thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh tạo việc làm cho lao động địa phương, các hộ tham gia trong vùng trồng nguyên liệu được HTX thường xuyên hướng dẫn, phổ biến kiến thức và kỹ thuật chăm sóc cây. Hộ khó khăn cũng được hỗ trợ sả giống để phát triển kinh tế. Từ hiệu quả hoạt động, HTX đã tạo niềm tin, góp phần giúp tổ chức Đoàn cơ sở thu hút, tập hợp ĐVTN tham gia sinh hoạt.
Đồng chí Nguyễn Hữu Lâm, Bí thư Huyện Đoàn Lạc Thủy cho biết: HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Phạm An là một trong những mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu, hiệu quả của Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên xây dựng kinh tế. Sự thành công của các mô hình trong CLB đã có sức lan tỏa lớn, tạo phong trào thanh niên thi đua làm giàu, phát triển kinh tế ở địa phương, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng chục lao động nông thôn. Bên cạnh đó còn hạn chế được tình trạng thanh niên rời quê đi làm ăn xa, đem lại hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế đối với bản thân, gia đình và xã hội. Có thể thấy, việc xây dựng mô hình CLB, hội nhóm cùng giúp nhau phát triển kinh tế là hướng đi đúng đã được chứng minh trên địa bàn huyện Lạc Thủy và cần tiếp tục duy trì duy để phát triển và nhân rộng.
Để phát huy hiệu quả của các mô hình kinh tế tập thể, hàng năm, Huyện Đoàn Lạc Thủy đã phối hợp với các ngành, đơn vị chuyên môn cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, HTX tiếp cận thông tin về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển; tham gia chương trình, dự án KT-XH của địa phương, về công tác giảm nghèo, xây dựng NTM, bảo vệ môi trường... Tăng cường hỗ trợ ĐVTN xây dựng, phát triển mô hình kinh tế tập thể; duy trì, nhân rộng hoạt động hỗ trợ thanh niên vay vốn sản xuất, kinh doanh và các tổ tiết kiệm và vay vốn do thanh niên quản lý...
Các tổ chức Đoàn huyện Lạc Thủy cũng đẩy mạnh hoạt động của các CLB, đội, nhóm, sở thích của thanh niên. Hiện, toàn huyện có 5 CLB, tổ, đội, nhóm thanh niên cùng sở thích với trên 200 hội viên, ĐVTN tham gia. Trong đó có 3 CLB gồm: Lý luận trẻ; Sáng tạo trẻ và CLB nuôi cá nước ngọt. Ngoài ra, hoạt động của các CLB thanh niên phát triển kinh tế tại các xã, thị trấn như CLB nuôi cá; CLB nuôi gà, CLB anh và em… cũng được tổ chức thường xuyên nhằm tạo sân chơi bổ ích, thiết thực cho ĐVTN giao lưu, học hỏi, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Để tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể trong thanh niên. Thời gian tới, Huyện Đoàn Lạc Thủy tiếp tục chỉ đạo các chi đoàn tích cực nắm bắt tình hình, nhu cầu, nguyện vọng của ĐVTN trong vấn đề phát triển kinh tế. Từ đó có những định hướng, tư vấn cũng như phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện chuyển giao KHKT, cây, con giống, kinh nghiệm... tổ chức các chương trình thăm quan, học tập mô hình kinh tế trong và ngoài huyện nhằm định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ ĐVTN phát triển các mô hình kinh tế.
Thu Hằng