Lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh kiểm tra sản phẩm sau khi được sơ chế, đóng gói tại Công ty CP Kim Bôi (thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy).
Nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường nông sản sạch, nâng cao ý thức của người sản xuất cũng như nhận thức của người tiêu dùng, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã xây dựng hệ thống cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn (NSAT), chuyên cung cấp các loại thực phẩm, nông sản sạch, sản phẩm OCOP do hội viên nông dân các địa phương sản xuất. Hiện, với 5 cửa hàng NSAT hoạt động tại các huyện: Kim Bôi, Mai Châu, Lương Sơn và TP Hòa Bình, hàng trăm sản phẩm do hội viên nông dân cung cấp đã được bày bán với mức giá hợp lý, trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều người tiêu dùng.
Đồng chí Bùi Đức Biên, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Các cửa hàng NSAT sau khi đi vào hoạt động thường xuyên được cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia cung ứng tại các cửa hàng được tập huấn kiến thức SX-KD thực phẩm, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, đóng gói, công bố sản phẩm phù hợp quy định, có nguồn hàng chất lượng, phong phú phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Qua đó, góp phần hình thành tư duy sử dụng, tiêu thụ sản phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và thúc đẩy người sản xuất tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Thời gian qua, để nâng cao nhận thức về sản xuất, sử dụng thực phẩm an toàn trong cộng đồng, ngành NN&PTNT đã lồng ghép các hoạt động chuyên môn với công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến quy định về ATTP bằng nhiều hình thức. Cùng với đó, trong năm 2022, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đã hướng dẫn và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 111 cơ sở SX-KD nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ 28 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi được chứng nhận quy trình VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP và hữu cơ. Lũy kế đến nay đã hỗ trợ chứng nhận VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ cho 147 cơ sở; có 87 cơ sở được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ các cơ sở SX-KD nhỏ lẻ ký cam kết SX-KD thực phẩm an toàn, hiện đã có 9.325 cơ sở được ký cam kết.
Hoạt động lấy mẫu giám sát, cảnh báo các nguy cơ gây mất ATTP NLTS cũng được các ngành, đơn vị chuyên môn thực hiện thường xuyên. Từ lấy 281 mẫu NLTS các loại để phân tích các chỉ tiêu về ATTP, kết quả có 97,51% mẫu an toàn đối với các chỉ tiêu. Ngoài ra, các đoàn công tác thực hiện 2 cuộc thanh tra chuyên ngành, qua đó đã xử lý vi phạm hành chính 2 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 33,3 triệu đồng.
Đặc biệt trong năm 2022 đã có 14 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác có sản phẩm nông sản xuất khẩu sang các thị trường: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Hà Lan, Đức... (tăng 75% về số cơ sở so với năm 2021). Tổng khối lượng sản xuất, sơ chế và chế biến của 14 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác ước đến hết năm 2022 là 48.027 tấn, tăng 19,17% so với năm 2021, tổng doanh thu ước đạt 1.240,8 tỷ đồng, tăng 24,35% so với năm 2021.
Đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Những nỗ lực nhằm đảm bảo ATTP NLTS đã góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu NLTS của tỉnh đến những thị trường mới. Tổng khối lượng sản xuất, sơ chế và chế biến của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác cũng như doanh thu từ hoạt động xuất khẩu đều tăng so với năm 2021, tạo tiền đề thuận lợi để nâng cao sản lượng xuất khẩu trong những năm tiếp theo. Những tín hiệu đáng mừng này góp phần khẳng định chất lượng nông sản của tỉnh đã vươn xa đến các thị trường khó tính trên thế giới. Với những kết quả đã đạt được, ngành NN&PTNT Hòa Bình đã được Bộ NN&PTNT xếp hạng thứ 3 toàn quốc về triển khai công tác quản lý ATTP NLTS năm 2022. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp Hòa Bình lọt vào tốp đầu các địa phương trong cả nước.
Thu Hằng