Mặc dù thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ và một số bộ, ngành đã có nhiều giải pháp đốc thúc, kiểm tra để gỡ khó trong công tác giải ngân vốn đầu tư công nhưng theo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân 4 tháng năm nay chỉ đạt hơn 110.633 tỷ đồng, bằng 14,66% kế hoạch và đạt 15,65% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (18,48%).

Chú thích ảnh

Thi công công trình giao thông ở huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai). Ảnh: Hoài Nam/TTXVN

Hiện có 3 bộ và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 20%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Đồng Tháp (38,3%), Bến Tre (36,96%), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (36,66%), Tiền Giang (33,85%), Phú Thọ (32,99%).

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tới 47 bộ, cơ quan Trung ương và 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, trong đó có 32 bộ, cơ quan Trung ương và 1 địa phương giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch. Đơn cử, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới giải ngân đạt 0,25%; Bộ Giáo dục - Đào tạo giải ngân 1,1%; Bộ Khoa học và Công nghệ giải ngân 3,45%. Thậm chí có bộ, cơ quan trung ương đến nay tỷ lệ giải ngân vẫn bằng 0 như Ủy ban Dân tộc; Kiểm toán Nhà nước…

Một số bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Đồng Tháp (38,3%), Bến Tre (36,96%), Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (36,66%), Tiền Giang (33,85%), Phú Thọ (32,99%).

Về phía địa phương hiện có Thành phố Hồ Chí Minh đang có tỷ lệ giải ngân thấp nhất khi mới đạt 3,48% kế hoạch vốn giao, tiếp đến là Đà Nẵng và Cao Bằng với tỷ lệ giải ngân đạt trên 6%.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Trong tháng 4/2023, lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Qua kết quả kiểm tra đã có đánh giá, nhận định một số vấn đề tồn tại, khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến công tác giải ngân.

Cụ thể: Các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án; hoàn thiện thủ tục đầu tư, tập trung thực hiện công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp. Một số dự án có nhu cầu thực hiện chuẩn bị đầu tư trong năm 2023 nhưng không được bố trí vốn vì trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt không tách riêng vốn chuẩn bị đầu tư và vốn thực hiện dự án. Do vậy, dự án không có vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt dự án đầu tư.

Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư còn chậm do vướng mắc về thủ tục đất đai, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đất xây dựng; công tác giải phóng mặt bằng chưa được chủ đầu tư chú trọng triển khai ngay từ khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời, chủ đầu tư chưa chủ động ngay từ khâu triển khai thực hiện dự án dẫn đến làm chậm tiến độ giải ngân. Thêm vào đó là các vướng mắc do giá vật liệu xây dựng tăng, quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và quy định về phương án thiết kế đối với dự án không có cấu phần xây dựng.

Để đưa dòng vốn đầu tư công sớm hòa cùng dòng chảy nền kinh tế, với chức năng là cơ quan quản lý, thanh toán vốn, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) có hướng dẫn cụ thể về điều kiện bố trí vốn chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có cơ sở thống nhất thực hiện. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ KH-ĐT sớm hoàn thiện hồ sơ trình, báo cáo Thường trực Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 sang năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại công văn số 2705/VPCP-KTTH ngày 19/4/2023 của Văn phòng Chính phủ. Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải báo cáo cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 cho các dự án thành phần để thực hiện.

Đối với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 để đôn đốc việc phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2023.


Chủ tịch UBND Thành phố (TP) Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi đã thẳng thắn nêu các nguyên nhân thuộc về chủ quan khiến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm như: Khâu chuẩn bị hồ sơ, giải phóng mặt bằng và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật. Trong khâu tổ chức thực hiện cũng có một số trường hợp chủ đầu tư thiếu sự phối hợp với nhà thầu và địa phương để triển khai công việc.

"Việc này TP Hồ Chí Minh đã có chấn chỉnh. Vừa qua, Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã thành lập 13 Tổ kiểm tra, đôn đốc 38 công trình, dự án trọng điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới”, ông Phan Văn Mãi cho biết.

Theo Chủ tịch TP Hồ Chí Minh, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng là rất cần thiết. Tuy nhiên việc chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật… cũng cần phải có thời gian để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Một lần nữa nhấn mạnh trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công thuộc về địa phương, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức giao ban hằng tuần về công tác giải phóng mặt bằng, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc đánh giá tiến độ từng việc, từng dự án. TP Hồ Chí Minh sẽ "nỗ lực từng ngày" để thực hiện mục tiêu đề ra là giải ngân không dưới 95% trong năm 2023.

Theo báo Tin tức

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tập trung tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi

(HBĐT) _ Thời gian qua, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tân Lạc đã, đang triển khai công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Để tỷ lệ tiêm đạt cao, chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung tiêm phòng đảm bảo theo đúng kế hoạch.

Xã Đông Lai nhân rộng mô hình trồng thanh long trái vụ

(HBĐT) - Nhằm cải thiện, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích canh tác, xã Đông Lai (Tân Lạc) đã thí điểm thành công, đang triển khai nhân rộng mô hình trồng thanh long ruột đỏ trái vụ, cho quả quanh năm, đem lại thu nhập đáng kể, góp phần cải thiện cuộc sống người dân.

Hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, người dân bước đầu chuyển đổi sản xuất

(HBĐT) - Với tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, vừa qua, Công ty TNHH khu đô thị mới (KĐTM) Trung Minh đã phối hợp cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức chi trả hàng chục tỷ đồng tiền hỗ trợ an sinh xã hội (ASXH) cho người dân trong thực hiện dự án KĐTM Trung Minh A tại phường Trung Minh (TP Hoà Bình). Từ đó tạo điều kiện để người dân chuyển đổi sản xuất sau khi bị thu hồi đất.

Người nộp thuế cần thay đổi thông tin đăng ký thuế

(HBĐT) - Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Để triển khai thực hiện đề án, cơ quan thuế đã, đang tích cực triển khai rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân, hướng tới mục tiêu sử dụng mã số định danh cá nhân làm mã số thuế theo quy định tại khoản 7, Điều 35, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng

(HBĐT) - Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh có nhu cầu về vốn để duy trì và phát triển sản xuất. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng của phần đa DN còn gặp nhiều khó khăn. Nhìn nhận rõ thực trạng trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh cùng một số ngân hàng chiếm thị phần lớn trong tỉnh đã và đang triển khai hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để DN tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.

Tháng 4, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 26,41% so với tháng trước

(HBĐT) - Theo số liệu của Cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4/2023 so với tháng trước tăng 26,41%, Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 8,05%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 9,5%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 79,45%; hoạt động cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 6,75%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục