(HBĐT) - Dự án tuyến cáp treo Hương Bình tại xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) do Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương làm chủ đầu tư là dự án trọng điểm của tỉnh, nhằm kết nối danh lam thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) - khu di tích quốc gia đặc biệt thuộc huyện Mỹ Đức (Hà Nội) với chùa Tiên (di tích quốc gia), xã Phú Nghĩa được kỳ vọng đem lại sản phẩm du lịch mới, góp phần chuyển dịch KT-XH địa phương và khu vực. Tỉnh đang chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho dự án, đặt mục tiêu khởi công trong tháng 5/2023.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm việc với nhà đầu tư dự án tuyến cáp treo Hương Bình.
Dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định chủ trương đầu tư số 72/QĐ-UBND, ngày 18/11/2016 và được điều chỉnh tại Quyết định số 76/QĐ-UBND, ngày 14/12/2018, vốn đầu tư dự án khoảng 1.700 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến khoảng 2,965 km (địa phận Hoà Bình 1,486 km; địa phận Hà Nội 1,479 km). Dự án sẽ xây dựng tuyến cáp treo dài 2,85km, kế hoạch xây dựng đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế và châu Âu. Tuyến cáp treo gồm 17 trụ đỡ, 2 nhà ga đón và trả khách. Trong đó, phần cáp treo thuộc địa bàn xã Phú Nghĩa khoảng 1,55 km với 9 trụ đỡ, 1 nhà ga đón và trả khách, đường dẫn, bãi xe, khu bán vé...; phần cáp treo thuộc địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) khoảng 1,3km với 8 trụ đỡ, 1 nhà ga đón và trả khách, cổng tứ trụ, đường dẫn có mái che, quầy bán vé. Dự kiến tuyến cáp treo sau khi hoàn thành đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách khoảng 1.500 - 2.000 lượt người/giờ, tương đương 12.000 - 16.000 lượt người/ngày. Dự án tạo thuận lợi cho khoảng 1,5 triệu du khách tham gia lễ hội chùa Hương, chùa Tam Chúc hàng năm, góp phần quảng bá hình ảnh và những giá trị lịch sử đến du khách trong và ngoài nước.
Tuyến cáp treo Hương Bình nhằm nâng cao khả năng kết nối giao thông giữa 2 khu di tích, tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian di chuyển qua lại giữa 2 danh thắng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch ở 2 khu di tích của TP Hà Nội và tỉnh Hoà Bình.
Thời gian qua, tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chủ đầu tư và các đơn vị liên quan hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để triển khai dự án. Gần đây, tỉnh đưa dự án này là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh, phân công 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo các đơn vị liên quan làm việc với nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án. Về công tác giải phóng mặt bằng, tổng diện tích đất thu hồi khoảng 35,05 ha, trong đó, diện tích thuộc địa bàn tỉnh Hoà Bình 17,19 ha; diện tích thuộc địa bàn TP Hà Nội 17,86 ha. Đến nay đã cơ bản hoàn thành các thủ tục pháp lý dự án tại địa bàn tỉnh và TP Hà Nội. Nhà đầu tư đã tập kết thiết bị máy móc tại chân công trình; đã nộp tiền thuê đất cho nhà nước và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn thành quy hoạch 1/500 thẩm định thiết kế cơ sở. Tháng 4/2023, Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện hoàn thiện các thủ tục về xây dựng.
Đồng chí Bùi Trung Kiên, Bí thư Huyện ủy Lạc Thủy cho biết: Xác định đây là dự án quan trọng của tỉnh, tạo bứt phá cho phát triển du lịch của cả khu vực, thời gian qua, huyện Lạc Thuỷ đã phối hợp làm việc với các bộ, ngành T.Ư và địa phương liên quan hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn về thủ tục để triển khai dự án. Theo đó, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đến nay cơ bản thực hiện xong và bàn giao cho nhà đầu tư diện tích khoảng 17,1 ha. Còn một số hộ chưa đồng ý chấp thuận đơn giá đền bù để giải phóng mặt bằng. Huyện đang chỉ đạo các phòng, ban liên quan, cấp ủy, chính quyền xã Phú Nghĩa tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ chủ trương triển khai dự án, chú trọng tới cán bộ, đảng viên có người thân bị ảnh hưởng thu hồi đất, tài sản trên đất. Mới đây, Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh họp kết luận các sở, ngành chức năng, huyện Lạc Thủy hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục theo quy định để khởi công dự án tuyến cáp treo Hương Bình và dự án khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng Lạc Thủy tại xã Phú Nghĩa trong tháng 5/2023.
Lê Chung