(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh miền núi, địa hình chủ yếu đồi núi cao, chia cắt. Diện tích đất trồng lúa có 31.167 ha, chỉ chiếm gần 7% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Không chỉ diện tích ít mà hầu hết thửa ruộng có diện tích bé, nhỏ lẻ. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, hình thành vùng chuyên canh. Trước thực tế đó, biết rằng dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) sẽ rất khó khăn nhưng là việc cần làm và cần sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, ngày 2/12/2017, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác DĐĐT trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU, những cánh đồng mẫu lớn dần hình thành, máy cày, máy bừa được đưa xuống đồng ruộng. Tuy vậy, kết quả đạt được còn khiêm tốn, đòi hỏi sự quyết tâm, tích cực hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thời gian tới.
Sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, xã Yên Trị (Yên Thủy) đưa cơ giới vào sản xuất, góp phần giảm chi phí nhân công lao động, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Từ kinh nghiệm thực tiễn quý báu trong công tác DĐĐT tại huyện Yên Thủy, một số địa phương như: Lạc Thủy, Kim Bôi… đã, đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện hiệu quả nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong triển khai DĐĐT, tạo sự tin tưởng, đồng thuận trong Nhân dân.
Yên Thủy - địa phương tiên phong dồn điền, đổi thửa
Về xã Yên Trị những ngày này, niềm vui như được nhân đôi khi Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân vui mừng đón xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh. Đồng chí Bùi Văn Thập, Bí thư Đảng ủy xã Yên Trị phấn khởi cho biết: "Một trong những yếu tố then chốt góp phần giúp địa phương cán đích xã NTM kiểu mẫu là thực hiện thành công DĐĐT. Qua đó hiện thực hóa khát vọng xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, nâng cao năng suất, sản lượng và thu nhập cho Nhân dân. Đồng thời quy hoạch lại hệ thống đường giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi để đưa máy móc vào sản xuất. Đến nay, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp từ khâu tưới tiêu, làm đất, thu hoạch tại địa phương đã đạt 100%. Các mô hình liên kết sản xuất cây xạ đen gắn với tiêu thụ sản phẩm, trồng lạc đen, khoai sọ phát huy hiệu quả và từng bước nhân rộng”.
Để khắc phục tình trạng manh mún về đất nông nghiệp, năm 2013, cùng với tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Yên Thủy đã chủ động, sáng tạo triển khai thí điểm thành công DĐĐT tại các xóm Hổ 2, Trường Long (xã Ngọc Lương), xóm Ao Hay (xã Yên Trị) với 179 hộ thực hiện trên diện tích 90,59 ha. Sau khi DĐĐT giảm từ 1.648 thửa còn 508 thửa. Những cánh đồng mẫu lớn được hình thành.
Trong quá trình thực hiện DĐĐT, các hộ đã hiến 17,5 ha đất nông nghiệp để làm đường giao thông và thủy lợi nội đồng. Tiến hành quy hoạch lại đồng ruộng, đào đắp hình thành 130 km đường giao thông nội đồng, 185 km kênh mương, lắp đặt 2.616 cống nội đồng, làm mới 2 bai dâng và 5 km kênh mương bê tông với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách huyện và lồng ghép các nguồn vốn khác trên 8,59 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp 4,42 tỷ đồng. Huyện hỗ trợ 6 triệu đồng/ha cho các xã để thuê nhân công, máy móc, kinh phí đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ…
Tính đến hết năm 2021, trên địa bàn huyện Yên Thủy đã có 50 xóm thuộc 6 xã thực hiện thành công DĐĐT với tổng diện tích dồn đổi 1.470 ha (đất lúa và đất màu), 4.239 hộ tham gia. Việc thực hiện thành công DĐĐT tại huyện đã khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, số thửa đất nông nghiệp bình quân/hộ giảm khoảng 61%, các hộ khi chưa DĐĐT có trung bình từ 7 - 9 thửa, cá biệt có hộ đến 21 thửa, sau khi thực hiện dồn đổi chỉ còn từ 1 - 3 thửa/hộ. Nhờ đó tạo thuận lợi đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch cây trồng thuận lợi, sản lượng, năng suất cây trồng tăng lên. Nếu như trước đây chi phí sản xuất dao động từ 8 - 9 triệu đồng/ha thì sau khi DĐĐT giảm còn 5 - 6 triệu đồng/ha.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy khẳng định: "Muốn triển khai thành công DĐĐT trước hết phải thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Gắn DĐĐT với việc tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng NTM, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và quy hoạch sử dụng đất. Đặc biệt, phải tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sử dụng đất thực hiện các quyền: chuyển đổi, chuyển nhượng đất nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai nhưng không được làm thay đổi mục đích sử dụng đất. Trong quá trình DĐĐT cần xác định phân hạng đất, đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính đảm bảo chính xác với thực tế để làm cơ sở cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT”.
Bài học thành công tại huyện Kim Bôi
Cùng với Yên Thủy, Kim Bôi cũng là một trong các địa phương đã triển khai thực hiện khá tốt việc DĐĐT. Huyện Kim Bôi đã quyết liệt DĐĐT với mục tiêu xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, cơ giới hóa đồng ruộng, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng VietGAP, Global Gap… Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU, từ năm 2018 đến nay, huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng việc ban hành các nghị quyết, quyết định, kế hoạch thực hiện công tác DĐĐT từ huyện đến cơ sở. Huy động cả hệ thống chính trị, các ngành, đoàn thể và Nhân dân đồng lòng, góp sức thực hiện cuộc cách mạng DĐĐT lớn nhất từ trước đến nay.
Theo thống kê giai đoạn 2017 - 2022, trên địa bàn huyện Kim Bôi có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 10.600 ha, diện tích đất có khả năng DĐĐT khoảng 3.062 ha. Tính đến hết năm 2022, huyện đã thực hiện DĐĐT 1.489 ha tại 14/17 xã, thị trấn với sự tham gia của 7.352 hộ. Trong đó, diện tích đất DĐĐT sau khi thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU đạt 595,28 ha, số thửa giảm từ 55.298 còn 32.915 thửa (giảm gần 41%).
Khảo sát tại xã Hợp Tiến, địa phương đi đầu trong công tác DĐĐT của huyện Kim Bôi. Đưa chúng tôi đi thực tế, ông Đinh Công Sỹ, Trưởng xóm Lươn cho biết: "Thực hiện DĐĐT không chỉ tạo ra những thửa ruộng rộng lớn, đưa máy móc xuống đồng mà còn là cơ hội để cấp ủy, chính quyền và Nhân dân chung sức, đồng lòng quy hoạch, đầu tư xây dựng mạng lưới hệ thống đường giao thông nội đồng và kênh mương thủy lợi. Thực tế cho thấy, các trục đường giao thông nội đồng trên địa bàn xóm đã được quy hoạch đạt tiêu chuẩn 7m, bề mặt đường giao thông cứng hóa đạt 3,5m. Ngắm nhìn cánh đồng xanh mướt, chưa bao giờ chúng tôi nghĩ việc sản xuất nông nghiệp lại thuận tiện và dễ dàng đến vậy”.
Theo rà soát, toàn xã Hợp Tiến đã DĐĐT 223 ha, đạt 85,4% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp có thể thực hiện DĐĐT. Giai đoạn 2021 - 2022, xã hoàn tất DĐĐT tại các thôn, xóm. Duy nhất xóm Khú không triển khai DĐĐT vì nằm trong vùng quy hoạch phát triển du lịch. Đồng chí Hoàng Văn Toán, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cho biết: "Xác định được tầm quan trọng của công tác DĐĐT, Đảng ủy, UBND xã đã thành lập Ban chỉ đạo DĐĐT để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Trong đó xác định mỗi cán bộ, đảng viên là một tuyên truyền viên nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong thực hiện DĐĐT. Quá trình tổ chức thực hiện lấy ý kiến tại cơ sở, đảm bảo các yếu tố thống nhất, công bằng và đồng thuận trong Nhân dân. Từ đó nhiều thửa ruộng lớn được hình thành, tạo thuận tiện trong sản xuất. Một số nhóm, hộ sau khi DĐĐT đã ổn định tổ chức sản xuất, chủ động liên kết với các doanh nghiệp trồng cây lấy hạt với mức thu nhập ổn định dao động từ 200 - 250 triệu đồng/ha.
(Còn nữa)
Đức Anh (PV) - Xuân Thiên (Trung tâm VH-TT&TT huyện Yên Thủy)